Nghề thủ công

Nghề thủ công

Cô gái 8X ở Hội An khởi nghiệp với nghề dệt chiếu cói

Từng có thời đi nhiều nơi khi làm hướng dẫn viên du lịch, song chị Phạm Thị Công (thôn Đông Hà, xã Cẩm Kim, Hội An) quyết định trở về quê nhà, chọn nghề dệt chiếu cói truyền thống để khởi nghiệp và bước đầu chị đã gặt hái được thành công trên lĩnh vực này.

Trong căn nhà diện tích khoảng 100m², chị Công dành một khoản không gian để trưng bày các sản phẩm từ sợi cói và dệt chiếu hằng ngày. 

Chị Công kể, năm 2013, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Trung của Đại học Phan Châu Trinh (TP.Hội An), chị làm khá nhiều nghề liên quan đến du lịch như thông dịch, hướng dẫn viên với thu nhập tương đối ổn định.

Công việc đang trên đà phát triển thì cuối năm 2019 dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thất nghiệp. Chị trở về quê làm nội trợ và chăm sóc con nhỏ, thời gian rảnh phụ mẹ dệt chiếu cói bán kiếm thêm thu nhập. Cũng chính từ đây, chị quyết định chọn nghề dệt chiếu cói truyền thống để khởi nghiệp.

Trước đó năm 2018, chị Công đã đầu tư hẳn hơn 100 triệu đồng, bắt tay vào cải tạo ngôi nhà của ba mẹ thành không gian dệt chiếu để du khách đến tham quan trải nghiệm.

Tuy nhiên, cơ sở dệt chiếu của chị đón khách du lịch chưa được bao lâu thì dịch bệnh lại ập đến, việc làm ăn gián đoạn. Không nản lòng, chị Công vẫn theo đuổi nghề dệt chiếu với hi vọng một ngày nào đó làng nghề sẽ “sống lại”, sản phẩm làm ra sẽ được nhiều khách hàng đón nhận.

“Tôi được sinh ra trong gia đình có truyền thống làm chiếu nên từ nhỏ đã được người thân dạy nghề. Từ khi còn đi học, tôi đã có ý định sau này sẽ giữ nghề dệt chiếu của gia đình và làm cho sản phẩm ngày càng phát triển trong tương lai" - chị Công chia sẻ.

Cũng theo chị Công, để làm nên một chiếc chiếu bền và đẹp, nguồn nguyên liệu cói rất quan trọng. Vì vậy, gia đình chị tự trồng cói, mỗi năm khai thác 2 vụ. Cói sau khi về, chẻ nhỏ thành sợi và phơi khô, mang nhuộm màu rồi mới dệt chiếu. Trong quá trình dệt, đòi hỏi người dệt phải cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết để các sợi cói không trùng màu với nhau.

Hiện mỗi ngày chị Công có thể làm ra được 2-3 chiếc chiếu lớn nhỏ. Cạnh đó để tăng tính đa dạng, đổi mới cho sản phẩm và phù hợp với xu hướng của thị trường,  chị Công còn làm ra nhiều sản phẩm cách tân từ sợi cói khá bắt mắt, tinh xảo như túi xách, đế lót ly, chén, thảm ngồi...

Hàng tháng chị Công cung cấp ra thị trường hàng trăm sản phẩm lớn nhỏ, với giá bán dao động từ 60 - 230 ngàn đồng/sản phẩm. Doanh thu đem lại cho gia đình khoảng 30 triệu đồng/tháng. Sản phẩm làm ra bán khá chạy vì độ bền, thân thiện với môi trường nên được nhiều khách hàng khắp cả nước ưa chuộng.

Khát vọng đưa sản phẩm vươn xa

Gắn bó với nghề hơn 2 năm nay, chị Công không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tăng giá trị thẩm mỹ. Sản phẩm của chị được đánh giá cao tại hội thi sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu do thành phố Hội An tổ chức, hiện sản phẩm đang tiếp tục dự thi cấp tỉnh.

“Thời gian tới, tôi mong muốn đưa sản phẩm hướng tới thị trường OCOP để từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu. Cạnh đó sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm qua nhiều kênh bán hàng để sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài nước. Ngoài ra, tôi sẽ mở lớp dạy nghề cho những người trẻ tuổi, cùng chí hướng khôi phục nghề này và giúp họ có thu nhập ổn định” - chị Công bày tỏ.

Bà Đỗ Thị Bích Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim cho biết, hiện ở địa phương còn vài hộ làm chiếu cói truyền thống, làng nghề đang bị mai một vì nghề này thu nhập không cao. Tương lai xã Cẩm Kim sẽ định hướng đưa các nghề truyền thống thành sản phẩm du lịch.

“Sản phẩm chiếu cói, túi xách, lót ly… của Công làm ra nhỏ gọn, xinh xắn, nhắm vào chủ yếu là khách du lịch và khá thành công. Lâu nay, giới trẻ ở địa phương chọn theo con đường làm du lịch, chị Công làm du lịch lại quay về khởi nghiệp thế này cũng hay và cần được phát huy nhân rộng” - bà Thủy cho hay.

NG.QUỲNH - PH.HẢI - B.HUÂN

 

Go top