Chùa Cầu, tương truyền do thương nhân Nhật Bản ở Hội An xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII, nên còn có tên gọi là cầu Nhật Bản.
Ảnh Tư liệu Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
Trong bia Trùng tu Lai Viễn Kiều ký lập năm Gia Long Đinh Sửu (1817) có đoạn: “Minh Hương Hội An phố giới ư Cẩm Phô hữu khê yên, khê hữu kiều cổ dã; tương truyền Nhật Bản quốc nhân sở tác” (nghĩa là: Làng Minh Hương ở phố Hội An, giáp giới Cẩm Phô có một khe nước, khe có cầu, cầu ấy đã lâu. Tương truyền cầu do người Nhật Bản dựng nên)[1]. Kết quả khai quật khảo cổ tại phía đông chùa Cầu vào năm 2006 đã phát hiện dấu vết trụ, ván lát có niên đại khoảng cuối thế kỷ XVI được các nhà nghiên cứu nhận định là dấu tích tiền thân của Chùa Cầu. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu tuần du phương nam, xa giá đến phố Hội An, thấy cảnh khách thập phương đến buôn bán tấp nập tại Chùa Cầu bèn ban tên 來 遠 橋(Lai Viễn Kiều), viết chữ và khắc biển vàng ban cho[2]. Hiện nay tấm bảng này vẫn còn treo ở Chùa Cầu, là một hiện vật quý của Hội An xứng đáng được công nhận bảo vật quốc gia theo như ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu tại hội thảo về tu bổ di tích Chùa Cầu năm 2016.
Là một công trình kiến trúc kiểu “thượng gia hạ kiều” kết hợp với miếu thờ hết độc đáo[3] được bắc qua khe nước sâu nên từ thế kỷ XIX, Chùa Cầu đã được Quốc sử quán triều Nguyễn ghi danh trong Đại Nam nhất thống chí: “Cầu Lai Viễn: ở xã Cẩm Phố (Phô) về phía tây phố Hội An huyện Diên Phước, nước khe chảy về phía nam đổ vào sông cái, cầu bắc ở trên. Tương truyền cầu này do người khách buôn Nhật Bản bắc, dưới cầu xây đá, trên lát ván, gác mái gồm bảy gian lợp ngói, hai bên cầu bày hàng mua bán, nên gọi là cầu ngói”[4]. Miêu tả về kiểu kiến trúc độc đáo của Chùa Cầu, bia Trùng tu Lai Viễn Kiều ký có đoạn khắc “Kiều thượng giá ốc, ốc hạ liệt bản thản nhiên nhược lý bình địa, hành giả an, lao giả tức, du giả nghi thừa lương, nghi bằng thiếu, nghi lâm lưu nhi phú thi, giai kiều gian chi thắng khái dã” (nghĩa là: Trên cầu có mái lợp, dưới lát ván, đi lại thản nhiên như trên đất bằng; hành khách đi qua cầu yên ổn, nhọc thì ngồi nghỉ thở, khách du đến đây hứng gió mát, tựa lan can ngắm xa soi dòng nước chảy mà ngâm thơ phú, toàn cảnh cầu có vẻ đẹp của một thắng cảnh)[5].
Ảnh Tư liệu Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
Ngoài quốc sử của triều Nguyễn, sự đặc biệt và nổi tiếng của di tích Chùa Cầu đã được thể hiện, ghi chép qua nhiều tư liệu vào thế kỷ XVII, XVIII. Có lẽ, hình vẽ về di tích Chùa Cầu sớm nhất được thể hiện trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá Công Đạo vẽ năm 1686 với hình cây cầu có mái che và dòng chữ bên cạnh đề 會 安 橋 (Hội An kiều). Trong một bài viết của linh mục Cadière đăng trong Những người bạn cố đô huế (BAVH), tập 7, xuất bản năm 1920 với tiêu đề Trên cầu Faifo thế kỷ XVII - Câu chuyện bi hài[6] đề cập đến câu chuyện diễn ra trên cầu Faifo (Chùa Cầu) vào khoảng thời gian năm 1673-1683 được giáo sĩ Bénigne Vachet thuật lại. Chùa Cầu cũng được thiền sư Thích Đại Sán nhắc đến trong Hải ngoại kỷ sự khi mô tả về phố Hội An vào năm 1695-1696: “Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập hợp của thương khách các nước; thẳng bờ sông, một con đường dài ba bốn dặm, gọi là đại đường cái, hai bên đường hàng phố liền nhau khít rịt (...). Cuối đường là cầu Nhật Bản, tức Cẩm Phố”[7]. Vào thế kỷ XVIII, nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tại di tích Chùa Cầu được ghi chép lại trong các tài liệu của xã Minh Hương ở Hội An như việc mua sắm các lễ vật, các lễ cúng trung nguyên, hạ nguyên, thượng nguyên,... tại đây.
Sự độc đáo, đặc trưng về mặt kiến trúc nghệ thuật cũng như tín ngưỡng của di tích Chùa Cầu được A.Sallet nhìn nhận và miêu tả khá kỹ ở bài viết đăng trong Những người bạn cố đô huế (BAVH), tập 6, xuất bản năm 1919 với tiêu đề Hội An cổ.
“Cầu Nhật Bản, đối với người Âu, “Chùa Cầu” là tên gọi của người bản xứ, còn nó được chỉ chính thức trong các văn bản và các giấy tờ bằng chữ Hán, cái tên Lai Viễn.
Đây là một cầu mái che, với nền móng và gầm cầu bằng vôi gạch. Bên cạnh phía Bắc có một công trình cao ở giữa suối, trên xây một chùa nhỏ. Hướng của cầu là đông-tây. Phần chính gồm một vòm giữa dài độ 3 mét và 2 vòm 2 bên.
Phần giữa có lát bằng ván hẹp trên một chiều dài 8 mét và chiều rộng 3 mét dùng làm đường đi chính. Hai bên có những đường đi phụ cao hơn, còn cạnh bắc để bao cái miếu.
Ở hai đầu cầu đều lát đá dài đến 4 mét và hết cả chiều rộng. Các đầu ấy dựa trên móng cầu gạch hẹp có thêm lối đi qua hình vòm chia lại hai nhịp phụ.(...) Tất cả chân cầu đỡ cái nền của chùa. Kết cấu đặc biệt của đầu cầu và của chùa chỉ bằng gạch. Mặt vào và mặt ra hai bên có trang trí hình trái cây (những quả phật thủ), giống như một vài thứ đầy cả cái bình phong khổng lồ của chùa bên cạnh gọi là chùa Bà Mụ.
Các đầu cầu có hai chỗ rào bằng gỗ nhọn, ở trong mỗi cái có tượng con vật hình như để bảo vệ canh gác cầu.(...)
Đầu cầu, cầu và chùa có mái đặc biệt. Ở cầu thì mái có trần bằng xà chéo và đòn tay lộ ra, sơn màu đỏ. (...)
Đoạn nổi cao lên phía nam được bảo về phía con ngòi một lan can cao. Con đường phía bắc vào cửa Tam Quan của chùa. Cửa giữa có bảng ghi: “Cầu Lai Viễn, chúa Vương quốc, pháp danh Thiên Túng hạ bút”.
Chính để thờ Bắc đế (...) và pho tượng của Ngài đặt trên bàn thờ. Tượng ở tư thế ngồi, khuôn mặt lạnh lùng mơ màng hơn là chiến binh áo lộng lẫy thếp vàng. Người An nam cho pho tượng ấy có từ lâu đời bằng gỗ tốt.(...)
Lễ tế vị thần này vào ngày 20 tháng 7. Lễ cử hành long trọng và ồn ào. Trong dịp lễ có để một chiếc thuyền mã lớn bằng giấy có đủ trang thiết bị và đốt sau khi lễ xong”[8]
Hiện trạng Chùa Cầu dài 20,4m, rộng hơn 13m, cao 5,7m, bố cục mặt bằng kiểu chữ “丁” (đinh) gồm phía nam là cây cầu có mái che nối liền trục giao thông chủ đạo của khu phố cổ, liền kề phía bắc là ngôi miếu thờ Bắc Đế Trấn Vũ (Huyền Thiên Đại Đế) - vị thần có chức năng trị thủy. Cầu và miếu có kết cấu khung gỗ, mái lợp ngói âm dương, sàn lát ván dày, được đặt trên những trụ đá vững chãi bắc qua mương nước chảy từ khe Ồ Ồ phía bắc ra sông chính ở phía nam. Hệ mái chùa Cầu cong nhẹ nhàng, được trang trí nhiều đề tài, chi tiết giàu giá trị mỹ thuật như đề tài mặt nhật lưỡng long tranh châu, giao lá, các đĩa sứ men trắng vẽ lam, khuông hoa văn đất nung,... Hệ vì kèo kiểu trính chồng trụ đội có kết hợp với kiểu đấu củng độc đáo. Nội thất chùa Cầu thoáng rộng, được trang hoàng tôn nghiêm bởi những cặp liễn đối, bức hoành phi, bức chạm trổ trên vách và đặc biệt là cặp mắt cửa huyền bí đặt đố cửa vào ngôi miếu, đỡ bên trên là bức biển Lai Viễn Kiều do Quốc chúa Thiên túng đạo nhân Nguyễn Phúc Chu ban tặng. Trang trọng giữa nội thất ngôi miếu thờ là bàn thờ Bắc Đế Trấn Vũ đứng trên lưng con rùa, tay ấn trên thanh kiếm.... Ngoài ra, ở hai bên lối vào phía đông và phía tây chùa Cầu còn thờ cặp tượng chó (linh cẩu) và khỉ (thần hầu).
Chính vì sự đặc biệt, độc đáo về kiến trúc nghệ thuật cũng như tín ngưỡng nên Chùa Cầu đã được triều Nguyễn liệt hạng cổ tích An Nam vào năm 1925[9]. Đến năm 1990, Chùa Cầu là 1 trong 3 di tích riêng lẻ đầu tiên ở Hội An được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia. Đặc biệt, năm 2006, hình ảnh Chùa Cầu in trên đồng tiền polyme mệnh giá 20.000Đ như một lần nữa khẳng định và tôn vinh giá trị lịch sử - văn hóa nổi bật của di tích Chùa Cầu. Sự đặc biệt và nổi tiếng của di tích Chùa Cầu đã tạo nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tác thơ ca, nhiếp ảnh hơn một thế kỷ qua.
Hội An đất chật người đông
Nhân tình thuần hậu lá bông đủ màu
Dạo từ sông trước xóm sau
Dưới thời Âm Bổn, Chùa Cầu bên trên.
Tài liệu trích dẫn
[1] Nhóm nghiên cứu Hội An (2014), Di sản Hán Nôm Hội An, tập 1 – Văn bia, Sở Thông tin Truyền thông Quảng Nam cấp phép xuất bản, tr. 185-192.
[2] Lê Quang Định (1806), Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (Phan Đăng dịch và chú giải), tái bản, Phân Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, Nxb Thế giới và ThaiHabook xuất bản năm 2021, tr.290.
[3] Hoàng Việt nhất thống dư địa chí được biên soạn xong năm 1806 mô tả: “Cầu dài 8 tầm, rộng 2 tầm, tục gọi là cầu ngói(...); dưới cầu dựng trụ đá, phần trên đều bằng gỗ ván, gồm 9 gian lợp ngói, có biển đề ba chữ vàng là Lai Viễn Kiều 來遠橋, (...). Hai bên cầu đều bày bán đủ các thứ hàng hóa. Sát cầu về phía Bắc có một gian nhà ngói, bên trong thờ Chân Võ Bắc Đế”
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997, tr. 379.
[5] Nhóm nghiên cứu Hội An (2014), Di sản Hán Nôm Hội An, tập 1 – Văn bia, Sở Thông tin Truyền thông Quảng Nam cấp phép xuất bản, tr.185-192
[6] L.Cadière, Trên cầu Faifo thế kỷ XVII - Câu chuyện bi hài, Những người bạn cố đô Huế, tập VII, năm 1920, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2001, tr.445-456.
[7] Thích Đại Sán (1696), Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, xuất bản năm 1963, tr.154.
[8] A. Sallet, Hội An cổ, Những người bạn cố đô Huế, tập VI, năm 1919, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2001, tr.364-386.
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam thực lục Chính biên Đệ thất kỷ, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr 510-511.
Tác giả bài viết: Hồng Việt
Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An