Một chiều Hội An đẹp trời, các đồng nghiệp rủ nhau đi ăn cháo nghêu cô Gió. Vừa kết thúc buổi làm, chúng tôi tranh thủ đi ngay cho kịp. Rút kinh nghiệm mấy lần trước rề rà, chờ người này người kia, tới nơi nghe câu “Hết cháo rồi con ơi” mà buồn.
Cô Gió vui vẻ múc cháo nghêu cho khách
Từ trung tâm phố cổ, chúng tôi lái xe máy tầm hơn 10 phút, băng qua làng rau Trà Quế một đoạn là tới. Điểm dừng nằm ngay bên cạnh bãi biển An Bàng.
Không biết từ lúc nào, quán cháo nghêu cô Gió trở nên nổi như cồn. Nhớ mùa hè những năm trước, sau mỗi chiều tắm biển, tôi và cô bạn thân thường tạt qua quán. Lúc ấy, sau hơn tiếng đồng hồ bơi lội trên biển, đứa nào đứa nấy ăn ngấu nghiến. Một phần vì đói, một phần vì ngon.
Nay muốn ăn cháo nghêu, cần sắp xếp thời gian hợp lý: buổi trưa hoặc buổi chiều sớm. Cô Gió dọn bán tầm đầu giờ trưa đến cuối chiều. Tùy vào lượng khách mỗi ngày, giờ đóng cửa không cố định. Nếu quán đông khách, tầm chập tối thì hết sạch. Tôi nhớ có lần tắm biển xong, cả nhà cũng đồng lòng ăn cháo nghêu nhưng phải là cháo cô Gió để rồi khi lên tới nơi, ai cũng tiếc hùi hụi “Phải chi mình lên sớm hơn”.
Tô cháo nghêu rắt hành phi lên trên
Cháo nghêu cô Gió có vị đậm đà, dẻo thơm, ngọt bùi. Nghêu chính là nguyên liệu không thể thiếu trong món ăn này. Dù vậy, để có tô cháo nghêu thơm ngon đúng điệu, cần phải thêm một nguyên liệu khác: đậu xanh. Hành phi để tạo mùi thơm phải tự tay làm chứ không phải mua hàng chợ. Hành ngò tươi rắc lên tô cháo được mua từ làng rau Trà Quế có tiếng từ xưa. Nước cháo được hầm từ xương heo để tạo độ ngọt tự nhiên. Điều đặc biệt cũng có thể xem như bí kíp tạo nên những tô cháo nóng hổi, thơm lừng là cháo được nấu trên bếp củi âm ỉ, không phải lò điện.
Nghêu là loại hải sản dễ được tìm thấy ở nhiều vùng biển trên khắp Việt Nam. Mỗi địa phương có cách chế biến khác nhau với loại sản vật thiên nhiên này. Ở Hội An, vào mùa nghêu, người địa phương chế biến chúng thành nhiều món ngon như nghêu hấp sả, canh nghêu thì là và đặc biệt là cháo nghêu.
Nghêu được khai thác từ vùng sông biển Hội An, tuyển chọn loại ngon nhất, sau đó sơ chế kỹ. Thịt nghêu được xào và để trong một thau riêng, khi ăn mới bỏ vào cho nóng chứ không nấu trực tiếp trong nồi cháo, tránh tình trạng quá lửa sẽ khiến nghêu mất ngon.
Trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, có lẽ cháo là món ăn đạm bạc, gần gũi với tất cả mọi người. Tuổi thơ ai mà không gắn với hình ảnh tô cháo thơm nồng được nấu bởi bàn tay tần tảo của mẹ. Đối với người đau ốm, cháo là sự lựa chọn hàng đầu. Người Việt đã nấu cháo với rất nhiều loại nguyên liệu khác nhau: cháo cá, cháo thịt, cháo đậu xanh, cháo hành, cháo gà, cháo nấm… Các loại cháo rất đa dạng, phong phú, phù hợp với khí hậu, thời tiết và thực phẩm từng mùa. Đối với người Hội An, tô cháo nghêu luôn gây thương nhớ.
Để có một tô cháo ngon đến tay thực khách, cô Gió múc cháo vào tô, kèm theo xương heo nếu khách muốn ăn thập cẩm và 1-2 muỗng nghêu đã được xào thấm, chút hành phi, chút dầu, hành lá. Nhìn thôi đã đủ hấp dẫn, muốn thưởng thức liền.
Tiếng lành đồn xa, quán ngày càng đông khách. Mùa hè vừa rồi, hầu như quán luôn “cháy hàng” vào dịp cuối tuần. Bên cạnh dân địa phương, hiện nay, đa phần thực khách là người phương xa tìm đến, nghe danh cháo nghêu cô Gió nên muốn một lần thưởng thức cho bằng được. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp ở đây du khách từ Đà Nẵng, Hà Nội, Sài Gòn…, cả du khách nước ngoài. Trước đó, do có nhiều bạn trẻ review trên mạng xã hội, thêm thông tin từ báo chí nên quán ngày càng nổi tiếng.
Tôi nghĩ ngoài những yếu tố trên, điều để lại ấn tượng trong lòng du khách và cả người địa phương, khiến ngày càng nhiều người tìm đến đây hơn chính là sự thuần hậu vẫn nguyên vẹn nơi cô chủ đứng tuổi. Luôn là một không khí nhẹ nhàng, dễ chịu khi bạn ngồi tại quán dù có đông khách đến thế nào.
Sau khi ăn no, một số thực khách không quên mua thêm vài tô đem về cho người thân, bạn bè, cùng chia sẻ niềm vui ăn ngon đến nhiều người.
Trong một không gian bình dân, một món ăn cũng rất đỗi bình thường lại thu hút ngày càng nhiều người tìm về thưởng thức, phải chăng do người ta ngày càng yêu mến những điều đơn giản, bình dị gắn với ký ức tuổi thơ? Tô cháo nóng hổi mẹ nấu khi ta đổ bệnh chắc chắn sẽ là một ký ức không thể nào quên. Món ăn được chính bàn tay một người sinh ra, lớn lên và gắn bó với Hội An nấu chắc hẳn sẽ được đặt cả cái tâm, cái tình mặn mà trong đó…
Buổi chiều nhẹ trôi, tôi vừa chậm rãi thưởng thức mùi thơm nức, vị ngọt ngào của muỗng cháo nghêu tan chậm trong miệng vừa quan sát những người xung quanh trong bầu không khí vui vẻ của từng câu chuyện vụn vặt đời thường và những nụ cười hiền lành của người dân Hội An. Lúc đó, trong tôi chợt dâng lên một niềm vui lấp lánh.
Báo PN