Hội An không chỉ có phố cổ, làng cổ, nghề cổ… nơi đây còn âm ỉ một dòng chảy mới đang sinh sôi, để tạo nên sức sống bền vững cho một đô thị cổ đó là sự trở về với nông nghiệp organic, nông nghiệp của sự sống.
Điều đáng nói hơn là sự chung tay, góp sức của cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, người nông dân và chính quyền trong làn sóng startup bằng organic, tạo nên một Hội An ngày càng "an" hơn cho du lịch sinh thái, văn hoá, tâm linh, nhân tình thuần hậu…
Du khách tham quan làng rau hữu cơ Thanh Đông
Mô hình hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp, chính quyền
Làm thế nào để nhân rộng mô hình “Farm for future”? Đó không chỉ là mong ước của người dân, chính quyền Hội An, mà còn là mong ước của người dân cả nước trước làn sóng thực phẩm bẩn tràn lan và vấn nạn ung thư đang đe doạ sinh mệnh của từng gia đình.
Có thể chia sẻ kinh nghiệm của Hội An về việc chính quyền, các tổ chức cộng đồng, doanh nghiệp và nông dân chung tay gầy dựng làng rau organic Thanh Đông và Phiên chợ organic như một điểm sáng tiên phong từ mô hình nông thôn mới.
Trong vòng 3 năm qua, vườn rau hữu cơ Thanh Đông thuộc xã Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam) đã mang lại cho người dân nguồn rau sạch và những tour du lịch organic độc đáo riêng có cho khách thập phương.
Trên chiếc thuyền thúng chòng chành, tôi được bác Phạm Mèo, chủ nhân làng rau hữu cơ Thanh Đông đích thân chở qua những rặng dừa nước thơ mộng, cập một cái bến cũng thơ mộng không kém là The Field. Bát ngát mênh mông trước tầm mắt là những cánh đồng lúa chín hương thơm ngào ngạt. Phan Xuân Thanh, chủ nhân The Field không chỉ bán món ăn, anh bán văn hóa đặc sắc của bản địa, bán cái cảm giác được thưởng thức món ăn giữa những cánh đồng oganic.
Những bữa ăn như thế không hề rẻ, trong đó người nông dân cũng được hưởng lợi từ những trải nghiệm cho du khách được làm vườn, chèo thuyền thúng chở khách qua sông, và cả nụ cười dân dã chân quê ấm áp lạ lùng…
Cửa hàng organic cua vợ chồng doanh nhân Phan Xuân Thanh
Theo đuổi triết lý kinh doanh vừa đủ, hướng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nương tựa vào thiên nhiên…việc hỗ trợ nông dân trồng rau hữu cơ, tổ chức những phiên chợ rau hữu cơ nói không với túi nilon của Hội An là một ví dụ tiêu biểu cho cung cách làm nông mới trên con đường hội nhập chủ động với thế giới bằng sức mạnh nội lực của cả một vùng đất thiêng.
Đi tản bộ qua những cây cầu, những con hẻm nho nhỏ nên thơ, chúng tôi đến vườn rau hữu cơ Thanh Đông, nơi khởi nguồn cho nông nghiệp hữu cơ tại miền Trung. Được thành lập vào tháng 11/2013 với sự hỗ trợ của Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD) và vốn từ mô hình nông thôn mới. Vườn rau có tổng diện tích là 6.368m2 do mười hộ nông dân tham gia sản xuất.
Vườn có hơn 30 loại rau trái với hệ thống tưới tiêu và ủ phân rất khoa học. Tại đây, nước được lấy từ nguồn giếng khoang cho vào bể lọc trước khi đưa ra sử dụng cho cây trồng; giống cây đều có chứng nhận của Nhà nước để đảm bảo nguồn gốc; phân dùng cho nông nghiệp hữu cơ phải là phân ủ nóng qua một quy trình khắt khe và nghiêm ngặt.
Thành phần gồm các loại như vật liệu nâu từ 25% (cây ngô, rơm...), phân xanh 50% , phân động vật từ 25-30% và chế phẩn sinh học. Phân được ủ theo từng lớp (vật liệu xanh tới vật liệu nâu, phân động vật và trên cùng là chế phẩm EM), sau 3 tuần đầu sẽ tiến hành đảo phân kèm theo chế phẩm EM và giữ nhiệt độ. Sau 42 ngày tiếp theo sẽ đảo một lần nữa và phân đủ 75 ngày nếu đã tơi xốp thì có thể đem ra sử dụng.
Bác Mèo chia sẻ đã từng chữa khỏi nhiều bệnh cho chính mình nhờ ăn rau oganic và canh tác sạch: “Thảo mộc được xem như vị thần của vườn rau. Thay vì dùng các loại thuốc trừ sâu, chúng tôi chế thuốc thảo mộc từ các loại cây có sẵn trong vườn dùng để xua đuổi các loài côn trùng có hại cho cây trồng. Cách chế biến thuốc thảo mộc cũng vô cùng đơn giản.
Chỉ cần cho 1kg gừng, tỏi, ớt nghiền nát vào 6 lít rượu ngâm trong vòng 12 giờ rồi cho thêm vào 3 lạng đường. Sau 4 đến 5 ngày có thể đổ thêm vào 5 lít rượu gạo và đem ra sử dụng. Không chỉ có tác dụng xoa đuổi côn trùng, thuốc thảo mộc còn bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng cũng như cân bằng hệ sinh thái. Một nét rất đặc trưng của vườn rau là các loại hoa. Hầu hết xen kẽ các luống rau đều có được trồng hoa. Ngoài tác dụng làm đẹp cho vườn, hoa là nơi vô cùng lý tưởng cho loại thiên địch sinh sống và dẫn dụ các loại sâu bọ tới ăn thay vì ăn rau”.
Ảnh: Đỗ Huấn
Các loại rau ở đây đều được trồng theo hai phương pháp luân canh và xen canh để đa dạng hệ sinh thái cây trồng. Thay vì trồng loại cây rễ cọc, để tiết kiệm diện tích, các bác nông dân đã xen canh vào đó các loại cây rễ chùm ngắn ngay như trồng cà tím xen với cải con, giúp cải thiện chất lượng đất. Cỏ voi là loại cây trồng được sử dụng để làm thức ăn cho gia súc, lá của loại cây này có nhiều lông nên sức cản không khí rất mạnh. Để tránh thuốc sâu từ các cánh đồng xung quanh bay vào, cỏ voi là một loại cây lý tưởng để làm bờ bao. Đây cũng là nơi ẩn trú của các loài thiên địch có lợi cho khu vườn.
Để kiên định phương canh tác hữu cơ quả không dễ dàng, bác Phạm Mèo chia sẻ: “Lúc mới làm vườn cực lắm, thời tiết thì khắc nghiệt, mưa to gió lớn. Kỹ thuật nông nghiệp hữu cơ chưa nắm bắt kịp, cơ sở vật chất thiếu thốn, vốn còn hạn hẹp. Còn lo cho tương lai không biết làm vườn có ổn định không. 10 hộ dân được chia đều diện tích và phân lô để gieo trồng, mỗi khoảnh đất được cắm biển, đánh số để dễ dàng quản lý. Nông dân phải tuân theo những nội quy hết sức chặt chẽ, trong một tháng, mỗi hộ gieo trồng đúng các loại rau, củ đã được quy định để đến khi xuất bán hộ nào cũng có rau bán ra. Năng suất có thể không cao bằng canh tác thông thường, nhưng đầu ra thì không lo.
Không ai hình dung được, từ chỗ mỗi năm chỉ canh tác được khoảng 6 tháng với các loại cây như bắp, đậu… thì nay nông dân chúng tôi buộc đất “đẻ ra tiền” quanh năm. Thu nhập từ chỗ chỉ khoảng 6 triệu đồng/năm thì nay chúng tôi trồng trọt khoảng 3 tháng là đã gấp đôi số đó. Bởi người tiêu dùng một khi đã tin tưởng thì giá rau hữu cơ có cao hơn vài ngàn đồng so với giá thị trường người ta vẫn sẵn sàng bỏ tiền để mua về dùng, nhất là các nhà hàng, khách sạn, trường học trên địa bàn”.
Vườn rau hữu cơ Thanh Đông là mô hình sản xuất rau hữu cơ đầu tiên tại Hội An, được sự giúp đỡ và hướng dẫn của UBND xã Cẩm Thanh, Phòng kinh tế thành phố và Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD). Hiện mô hình này đã được nhân rộng với các cơ sở Hiền Đông (Cẩm Châu) diện tích 500m2; nhóm Cánh Én (Cẩm Thanh) với 4 hộ sản xuất trên 2.000m2.
Năm 2014, sau khi chọn thành lập vườn rau tại Thanh Đông, ACCD hỗ trợ cho nông dân nâng cao năng lực sản xuất cũng như giúp đỡ về bán hàng… Từ tháng 4/2014, các chuyên gia đã hình thành hệ thống Đảm bảo cùng tham gia (PGS) gồm 15 thành viên, đại diện cho các tổ chức nhà nước, các cơ quan kỹ thuật, tổ chức chính trị - xã hội, phi chính phủ, doanh nghiệp, hộ nông dân và người tiêu dùng. Từ việc thành lập PGS Hội An, thương hiệu “Hoi An Organic” cũng được hình thành.
Tuy nhiên, được hơn hai năm, rau sạch đã có, bán không được nhiều lắm, lại gặp biến cố cơn bão lớn làm chết hết nguyên vườn rau, lúc ấy bà con rất nản. Chính quyền Hội An đã tổ chức vận động các doanh nghiệp cùng tham gia cuộc chạy tiếp sức organic này. Và Phan Xuân Thanh, chủ nhân chuỗi nhà hàng Full Moon và The Fiel Hội An, một doanh nhân luôn tâm huyết với phát triển cộng đồng đã vào cuộc.
“Khi ấy các anh trên tỉnh gọi tôi cùng vào hỗ trợ bà con. Tôi thấy nhu cầu rau hữu cơ rất lớn, nhất là lúc đó trải nghiệm du lịch bằng nông nghiệp hữu cơ thì chưa ai làm. Sản phẩm cao cấp phải có chiều sâu và sự văn minh như thế. Qua mùa nắng, tôi đã hỗ trợ bà con mỗi hộ 2 triệu trước mắt để làm nhà lưới, sau đó hỗ trợ bằng cách đưa khách du lịch đến. Ban đầu các bác cũng nghi ngại lắm, làm sao cạnh tranh với làng rau Trà Quế.
Tôi nói làng rau Thanh Đông sẽ bán giá cao hơn gấp năm lần Trà Quế, với cam kết phải giữ chất lượng. Xuống với dân, thuyết phục nhiều lần, vận động dân ký hợp đồng với mình. Rồi tìm bạn bè người thân là những vị khách đầu tiên làm ra sản phẩm, đi Hà Nội, Sài Gòn chào bán, mất cả năm sau mới có khách. Khi người dân thấy khách đến vừa phải nhưng vẫn đem lại hiệu quả, bà con mới thấy dung lượng của sự cân bằng. Từ đó, bác Mèo hiểu với sức lao động chừng đó, chỉ cần chừng đó khách, không ham quá nhiều
Hai năm trước tôi cũng đi với đoàn lãnh đạo của thành phố qua Thái Lan tìm hiểu dự án “Mỗi làng một sản phẩm”, từ trồng trọt, chế biến đến phân phối. Chuyến đi này chúng tôi tận mắt chứng kiến một phiên chợ nông sản rất phong phú của Thái Lan, 5 giờ sáng người nông dân tụ về với đủ sản vật làng quê, từ đó hình thành nên ý tưởng chợ phiên cho Hội An. Tôi đang tác động một số doanh nghiệp đồng hành với bà con để làm chợ phiên organic.
Hiện công ty chúng tôi cũng đang đầu tư nông trại ở Cẩm Hà theo hướng “xã hội tuần hoàn”, rau trồng lên mình dùng thì rác hữu cơ của rau, của nước thải phải được trở lại với đất, không có gì mất đi hết. Tôi muốn truyền triết lý giáo dục đó cho các thế hệ trẻ sau này qua các tour du lịch nông nghiệp. Rõ ràng rác thải ở Hội An đang là vấn nạn, nhưng nói hoài cũng chẳng giải quyết được, phải tự mình làm thôi. Vợ tôi cũng mở cửa hàng oganic để tạo nguồn cung cầu bảo đảm cho người tiêu dùng và bà con nông dân ”.
“Nếu chỉ nhìn vào lợi nhuận sẽ không bao giờ làm được mô hình oganic”
Chia sẻ về triết lý sống vừa đủ, thuận với thiên nhiên rất phù hợp với canh tác oganic, anh Thanh nói: “Triết ý đó xuất phát từ người Nhật, lan tỏa đến Hội An từ nhiều thế kỷ. Người dân Hội An sống với người nước ngoài, hiểu rất sâu về văn hóa, âm nhạc, hiểu được thế giới, mà vẫn là mình. Do tiếp cận hàng ngày, thấy người nước ngoài cầm điếu thuốc trên tay hoài chờ đến thùng rác để bỏ, họ cũng phải suy nghĩ chứ. Nên khi mình cổ súy cho môi trường thì người dân tiếp cận rất nhanh.
Chị Thiên Hằng và anh Trần Văn Thời, sáng lập An Farm
Nhưng rất tiếc cả một thời gian dài sau mở cửa, khát vọng về đồng tiền quá nhiều đã khiến cho nhiều giá trị bị đổ vỡ, đa số người trẻ Nam tiến, dẫn đến xã hội mất cân bằng. Cũng may là khi trở về đây, thế hệ trẻ như tôi đã “quay đầu” rất nhanh, làn sóng trở về đang nhiều lên
Sự giàu có không đo bằng tiền bạc, mà bằng các mối quan hệ tốt, nhân viên tốt, biết tái đầu tư lại cho cộng đồng. Cuộc sống là sự cân bằng giữa công việc, tiền bạc, gia đình, bạn bè, khách hàng, phải cân bằng tất cả các mối quan hệ ấy mới có thể hạnh phúc
Dĩ nhiên ai cũng cần tiền, nhưng đồng tiền đến với mình bằng cách nào, mình tiêu đồng tiền ấy như thế nào? Bạn bỏ ra cho cộng đồng càng nhiều thì sự nhận lại càng lớn, không 5 năm, 10 năm, thì 20 năm, đó là quy luật.
Nhưng rất tiếc là nhiều người làm nông nghiệp cứ muốn lợi nhuận ngay lập tức. Nguồn lực trong dân rất lớn, nhưng phải có người đứng ra dẫn dắt, đến khi họ hiểu ra thế nào là nông nghiệp sạch thì sức mạnh nội lực rất tốt. Quan trọng mình có làm thiệt không, và phải thật khiêm tốn để chia sẻ mọi gian khó, sống cùng, sống với nông dân và chính nhân viên của mình”.
Người luôn gắn bó với bà con nông dân, vừa có tầm, vừa có tâm chính là ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch Hội An chuyên phụ trách mảng nông nghiệp. Lặn lội cùng những bạn trẻ khởi nghiệp, động viên kịp thời từng khó khăn, thiết lập những chính sách cổ vũ kịp thời cho organic, ông còn là người đi tiếp thị rất nhiệt tình và hiệu quả cho sản phẩm của các bạn trẻ.
Ngày chúng tôi đến với An Farm, bắt gặp ông Nguyễn Thế Hùng cũng cho các con của mình cũng đến để học nấu ăn, làm bánh. Gương mặt ông ánh lên hạnh phúc khi thấy còn được hoà vào thiên nhiên. Đánh giá về An Farm, ông Nguyễn Thế Hùng cho biết: “Khu vườn mới xây dựng được hơn một năm và đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng cách tổ chức vận hành của farm là một trong những mô hình tối ưu từ sản xuất tới chế biến sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm độc đáo theo hướng organic. Đầu ra rất phong phú không chỉ dừng ở rau củ quả, các sản phẩm chế biến sâu là giải pháp giải quyết khó khăn của nông nghiệp hiện tại. Mô hình này mang nhiều giá trị cho nông nghiệp.
Không chỉ dừng ở đó, An Farm còn tổ chức các mô hình liên quan đến giáo dục cho trẻ nhỏ về môi trường, về thực phẩm sạch, về tình yêu của con người đối với thiên nhiên. Kết nối với du lịch rất thành công, trở thành điểm đếm tham quan thu hút nhiều du khách nước ngoài và trong nước đến Hội An, nhất là du khách châu Âu. Họ đặc biệt đánh giá cao Hội An, điểm đến an toàn về sức khoẻ. Điều đó chứng tỏ người Việt mình hoàn toàn cạnh tranh ngang hàng với các nước tiên tiến khác.
Chúng ta có những người trẻ thể hiện tinh thần dân tộc vô cùng đáng quý. Hy vọng cách làm này không chỉ dừng lại ở Hội An. Nếu được chính quyền chú ý, hỗ trợ, nhân rộng ra, các vùng khác sẽ làm điều rất tốt, mở ra hướng du lịch nông nghiệp cho người nông dân vốn đang rất khó khăn, giải bài toán thu nhập, kể cả hướng sản xuất sạch”.
Đánh giá về ưu thế của nông pháp organic so với canh tác khác và sự đồng hành của chính quyền thành phố, ông Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh: “So với các đại gia sản xuất nông nghiệp đại trà trên cánh đồng mẫu lớn, dễ gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái cây trồng và môi trường, dù mỗi địa phương mô hình organic có khác nhau, nhưng phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu từng vùng, tương thích với loại cây trồng, vật nuôi từng vùng. Organic có ưu thế cơ bản lớn nhất là không khai thác đất, nguyên tắc đầu tiên là phải nuôi đất, có nghĩa phải chăm sóc đất cho tốt, sau đó đất sẽ trả lại cho mình sản phẩm tốt nhất dưới góc độ tự nhiên, chúng ta phải nương tựa và tự nhiên.
Organic là không độc canh, còn nông nghiệp công nghệ cao là áp dụng kỹ thuật can thiệp nhiều đề có thể độc canh. Khi trồng đa loài, tác dụng tương tác, hỗ trợ lẫn nhau, giúp cho sâu bệnh giảm đi rất nhiều. Khi nuôi đất tốt, có quần thể đa loài, thì các loại côn trùng sẽ có cơ hội tồn tại, như vậy cân bằng trong tự nhiên mới được khôi phục; có thể bị sâu hại nhưng vẫn có cách khắc phục, không lây lan thành đại dịch.
Đây là sự khác biệt giữa làm nông theo phương pháp organic với các cách làm nông khác, giúp trạng thái cân bằng giữa đất và các loại cây trồng trong khu vực đó được phục hồi. Chính quyền Hội An đang có chính sách hỗ trợ cho người nông dân có xu hướng làm oganic, trước mắt là hỗ trợ 20% cho một vài mô hình mới ở Cẩm Kim, Cẩm Thanh, Trà Quế… đang chuyển đổi trồng rau hữu cơ. Tạo điều kiện cho người nông dân đi học về trồng rau hữu cơ, biết chuyển đổi đất bị thoái hoá sang đất sạch, sau đó không dùng phân thuốc nữa.
Chúng tôi sẽ cho các kỹ sư xuống kiểm nghiệm thường xuyên. Bên cạnh đó còn có mô hình “ tổ hợp tác” gồm những nhóm nông dân cùng trồng và chia sẻ các kinh nghiệm trồng rau với nhau, giám sát lẫn nhau và chúng tôi cũng có một ban giám sát gọi là ban điều hành của thành phố để kiểm tra, điều phối gồm nhà quản lý, kỹ sư nông nghiệp, nông dân… cuối cùng sẽ bảo đảm đầu ra cho họ.
Vì đây là con đường an toàn phù hợp với điểm đến Hội An, một điểm đến của du lịch sinh thái và văn hoá, tất cả vấn đề liên quan đến môi trường như nông nghiệp sạch. Hiện thành phố có chương trình mỗi xã một sản phẩm, tương thích với nó, An Farm khi hội đủ điều kiện chắc chắn thành phố sẽ hỗ trợ. Các bạn rất giỏi, tự lực hết!
Động viên tinh thần của các cấp lãnh đạo với các bạn srartup bằng organic cũng rất quan trọng, để tạo động lực làm việc, cống hiến. Bạn Thời, người phụ trách kỹ thuật của An farm nói rất hay: “Nếu chỉ nhìn vào lời lỗ, lợi nhuận, sẽ không bao giờ làm được mô hình organic. Mô hình này đòi hỏi sự kiên trì, động cơ làm việc không phải là lợi nhuận mà còn vì nhiều giá trị khác.
Để thực hiện được giấc mơ này rất khó, đòi hỏi bản thân các bạn phải có niềm tin và chắc chắn trong quá trình làm cần sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân khác như sự quan tâm, đồng hành, động viên của bà con chóm xóm quanh đây, giúp các bạn tự tin hơn. Vì con đường các bạn đi còn rất mới, cái mới bao giờ cũng rất khó, phải thay đổi thói quen, kế cả thói quen tiêu dùng. Sự đồng hành của các cơ quan chính quyền, nhà nước càng nhiều bao nhiêu càng tốt cho cả các bên”.
Kim Yến