Một Cẩm Kim vẫn chân quê nhưng đầy tươi mới hiện ra trên hành trình của chúng tôi hứa hẹn về sự chuyển động của “ốc đảo” này trong tương lai gần để hồi sinh điểm du lịch đã từng vang bóng.
Du khách đi thuyền trải nghiệm sông nước Cẩm Kim. Ảnh: P.Q
Cẩm Kim không chỉ có Kim Bồng
Cẩm Kim là một vùng quê thanh bình, yên ả. Nếu có dịp, du khách nên dành hẳn một ngày rong ruổi đạp xe qua những ngóc ngách, cung đường nhỏ mới thấy và cảm nhận rõ vẻ đẹp này.
Tiết trời se mát những ngày đầu thu khiến hành trình càng trở nên thi vị hơn. Tuyến đường đạp xe theo từng lối nhỏ trong làng, đi hết từ bờ ruộng này sang bờ ruộng khác. Bắt đầu men theo triền sông ghé thăm làng mộc Kim Bồng.
Nhiều người ắt hẳn sẽ phải trầm trồ khi nghe những mẩu chuyện của quá khứ về việc nơi đây từng là một trung tâm đóng ghe bầu tầm cỡ góp phần vào sự hưng thịnh của cảng thị Hội An suốt mấy trăm năm.
Nhìn ngắm và quan sát những người thợ mộc tay nghề cao tỉ mẩn chạm trổ những tác phẩm độc đáo với niềm say mê, du khách cũng có cơ hội trổ tài khắc tên mình trên gỗ để làm nên món quà lưu niệm xinh xắn khi rời khỏi “ốc đảo” này.
ảnh: Visit Hoi An
Túc tắc đạp xe vài phút là có thể ghé qua làng rau hữu cơ Kim Hà. Nhấm nháp ngụm trà lá vối và thưởng thức món sắn luộc chấm đậu được trồng ngay tại vườn trong lúc lắng nghe câu chuyện canh tác thích ứng với thời tiết của người nông dân vùng “rốn lũ” mới thấy được sự bền bỉ vượt bao khắc nghiệt để tạo nên vẻ đẹp hiền hòa của vùng đất này.
Khó có vùng đất nào so sánh được về nét điệu nghệ, tài hoa của cư dân vùng này khi họ biết làm “tuốt”. Từ chế tác mộc, đóng sửa tàu thuyền, làm bánh tráng, tráng mỳ, làm lồng đèn, dệt chiếu, đan thuyền thúng...
Điểm dừng tiếp theo trên hành trình là ngôi nhà cổ thuần Việt của ông Huỳnh Kim Sen. Ngôi nhà nằm giữa một vườn đu đủ bạt ngàn hoa trái. Nếp nhà cổ 3 gian với những nét kiến trúc đặc trưng của một ngôi nhà Việt có tuổi đời hơn 100 năm được xây dựng bởi chính những người thợ tài hoa của làng mộc Kim Bồng.
Điều đặc biệt là chủ nhân của ngôi nhà vẫn còn giữ rất nhiều vật dụng của những ngày xưa cũ, từng bộ bàn, ấm trà, những vật trang trí nhỏ xinh. Tất cả làm nên một không gian ấm cúng, thân mật và đầy hoài niệm. Du khách khi đến đây còn có cơ hội thưởng thức đu đủ mát lành được hái ngay từ vườn nhà. Dân dã và chân chất như những con người hồn hậu nơi đây.
Mơ về làng quê hạnh phúc
Chậm rãi chèo thuyền dọc theo tuyến sông trước làng trong ánh hoàng hôn, có lẽ nhiều du khách sẽ cảm nhận được cảm giác bình yên và hạnh phúc đôi khi thật giản đơn.
Từ lâu người Cẩm Kim đã lặng lẽ gìn giữ khúc sông quê, không thả lưới lồng và các hình thức khai thác tận diệt mà hướng đến các phương pháp khai thác truyền thống bền vững hơn, để cá tôm lại về và dòng sông luôn giàu có cho những thế hệ tiếp nối.
Đã nhiều lần, lãnh đạo TP.Hội An cho biết là thành phố kiên định giữ cho được hệ sinh thái của Cẩm Kim. Bởi “ốc đảo” này vẫn trong veo giữa những biến chuyển mạnh mẽ trong nhịp sống đô thị hóa đang dần bao trùm lấy đô thị cổ.
Ở đây mọi thứ dường như chậm lại và tách biệt hẳn với sự tất bật của thành phố phía bên kia sông. Vừa qua, Hội An cũng đã phê duyệt dự án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và hệ sinh thái tự nhiên tại làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim”, thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2025.
Một trong những mục tiêu quan trọng là việc cải thiện sinh kế cho cư dân từ chính nghề truyền thống, thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng Cẩm Kim trở thành “Ngôi làng hạnh phúc”. Để đây thực sự là một “điểm đến hạnh phúc”, những trải nghiệm dung dị mà tinh tế sẽ được hình thành để phục vụ du khách như làm vườn, thu hoạch nông sản, nấu ăn và tráng mỳ…
Ông Phan Công Sanh - cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng là một người dân Cẩm Kim, cho hay: “Phát triển du lịch bền vững ở Cẩm Kim nên xây dựng trên nền tảng phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, tri thức làng nghề, làng quê sinh thái, câu chuyện, kinh nghiệm cộng đồng để hướng đến sinh kế bền vững.
Tổ hợp tác Du lịch học tập làng Kim Bồng, xã Cẩm Kim được thành lập với những thành viên tích cực từ cộng đồng, hy vọng sẽ mang lại luồng gió mới đưa ngôi làng trở thành một điểm sáng về du lịch sinh thái gắn với bảo tồn trong khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An…”.
Bài viết: Phạm Quốc