Theo tờ Money Control, phố cổ Hội An tuy không quá rộng lớn nhưng vẫn thể hiện được rõ nét sự phong phú, đa dạng và bản sắc của nền ẩm thực Việt Nam.
Không giống như những thành phố lớn sôi động của Việt Nam, phố cổ Hội An, nằm trong danh sách di sản được UNESCO công nhận, vẫn lưu giữ những truyền thống lâu đời của nền văn hóa Á Đông.
Phố cổ Hội An mang lại nhiều cảm xúc đặc biệt cho du khách
Từng là một hải cảng quan trọng, nơi hoạt động giao thương phát triển mạnh mẽ, Hội An hiện vẫn giữ được nhiều giá trị truyền thống cổ xưa với nhiều nét truyền thống văn hóa và nghệ thuật. Khi tới đây, du khách vừa có thể tìm hiểu lối kiến trúc đặc biệt từ xa xưa, học hỏi nhiều kỹ năng nấu nướng tại nhiều cơ sở dạy nấu ăn địa phương hay đặt may một chiếc váy vừa với dáng người từ một số thợ may địa phương. Du khách cũng có thể ngồi trên những chiếc thuyền treo đầy đèn lồng đầy màu sắc chạy dọc theo bờ sông hoặc có thể đạp xe quanh khu phố cổ, đi taxi điện địa phương hoặc nghỉ ngơi tại một trong những bãi biển còn hoang sơ.
Nhưng một điều rất quan trọng là phải thưởng thức nền ẩm thực tinh tế tại đây thông qua nhiều món ăn có sự cân bằng giữa vị thanh mát và đậm đà. Trang Money Control đã giới thiệu một số món du khách không thể bỏ qua khi tới Hội An.
Các món ăn thanh mát, nhẹ nhàng
Đầu tiên phải kể tới món gỏi cuốn ngon miệng và tươi mát. Một lớp bánh tráng được nhúng qua nước cho mềm và bao trọn lấy nhiều nguyên liệu bên trong như các loại rau thơm, bún, thịt, tôm tươi. Hương vị sẽ tròn trịa hơn khi chấm cùng nước mắm chua ngọt.
Bánh xèo Hội An cũng là món ăn không thể không thử. Không giống như những chiếc bánh xèo có kích thước khá lớn và vỏ bánh hơi mềm, bánh xèo Hội An nhỏ hơn và giòn hơn. Vỏ bánh làm từ bột gạo, muối và bột nghệ sẽ được chiên giòn và ăn kèm cùng nhiều loại nhân như giá và hành tươi và các loại nhân mặn như tôm và thịt băm. Bánh sẽ được phục vụ cùng nhiều loại rau thơm tươi để mang lại sự thanh mát cho món ăn. Một điều đặc biệt hơn nữa là bát nước chấm cay bên cạnh tổng hòa hương vị của ớt, tỏi, đường, gừng và nước cốt chanh tươi. Là một món ăn rẻ, nhẹ nhàng, tốt cho sức khỏe và ngon miệng, du khách có thể thưởng thức món này vào buổi sáng trước khi bắt đầu ngày mới.
Bánh xèo Hội An có hương vị đặc biệt so với nhiều nơi khác. Ảnh: Visit Hoi An
Một món ăn nổi tiếng khác ở Hội An là bánh mì. Được làm từ nguyên liệu chính là hỗn hợp bột mì, bột gạo, vỏ bánh giòn và thơm và hình dạng bánh nhỏ, thuôn dài 2 đầu đã làm nên tên tuổi của bánh mì Hội An. Bánh mì sẽ được ăn kèm cùng nhiều loại nhân phong phú như pate, thịt quay, thịt luộc, giò,… và các loại rau thơm để cân bằng hương vị. Một chút rau củ muối chua cũng làm cho món ăn đậm đà hơn. Du khách có thể tìm thấy quầy bánh mì ở mọi ngõ phố nhưng 2 tên tuổi lớn tại Hội An là bánh mì Phượng và bánh mì Madam Khánh.
Nhiều món ăn chính đặc trưng
Theo trang Money Control, mỗi khu vực châu Á thường có phiên bản "cà ri" riêng biệt, từ món cà ri Thái có hương vị chua cay từ thảo dược, cho đến món cà ri thơm và đậm hơn ở Malaysia. Và Việt Nam cũng có món cà ri của riêng mình. Món cà ri của Việt Nam cũng sử dụng nước cốt dừa có vị nhẹ hơn và loãng hơn, tuy nhiên, vị béo và vị ngọt lại đậm đà hơn.
Người dân Việt Nam cũng rất thường xuyên sử dụng lá chuối để đựng các món ăn chính. Theo nhiều nghiên cứu, lá chuối có một số chất chống oxy hóa tương tự như trong nhiều loại trà xanh và rau ăn lá rất phổ biến ở Việt Nam. Do vậy, việc đựng đồ ăn trong lá chuối vừa thân thiện với môi trường và vừa tốt cho sức khỏe. Ngay cả một bát cơm thường gói trong lá chuối cũng có một hương vị riêng. Ở Hội An, Du khách sẽ thấy rất nhiều món ăn được gói trong lá chuối, từ tất cả các loại thịt nướng, đồ chiên đến cơm.
Bánh bao bánh vạc đặc sản Hội An
Theo truyền thống của Đông Nam Á, người dân Hội An cũng sử dụng sáng tạo nhiều loại trái cây, mì, cũng như các loại rau độc đáo để tạo hương vị cho món canh địa phương. Từ khoai tây đến súp lơ, nấm cũng như mì, các món canh địa phương của Hội An đều có sự sáng tạo để làm nên kết cấu hoàn hảo và hương vị đặc biệt.
Nổi tiếng nhất ở đây là món cao lầu với sợi cao lầu được làm từ loại gạo nguyên chất của Quảng Nam được chan trong nước dùng từ xương hầm. Không chỉ có nhiều loại nhân phong phú như tôm, thịt heo, xá xíu, các loại rau ăn kèm cũng rất đa dạng như: khế chua, dưa leo, bắp chuối, cải non, diếp cá, xà lách, giá, ngò, rau đắng, cải cúc, rau quế, rau thơm…
An Bình- Báo Mới