Ẩm thực

Ẩm thực

Bánh mì phố Hội

Mỗi lần về phố cổ Hội An, khi thưởng thức một ổ bánh mì, bạn sẽ cảm nhận bề dày văn hóa hàng trăm năm giao lưu, hội tụ và sự sáng tạo, công phu của mỗi người chủ tiệm.

Phố Hội là cách gọi trìu mến, thân thương của nhiều người đối với Phố cổ Hội An. Ca dao Hội An có câu: “Hội An trăm vật trăm ngon/Người thanh cảnh lịch, tiếng đồn chẳng sai”. Thật vậy, môi trường tự nhiên ưu đãi cho Hội An các nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú, tươi non để những người dân phố Hội tạo tác nhiều món ngon, đưa ẩm thực địa phương ra thế giới.

Trong những món ăn nổi tiếng ở Hội An, có lẽ bánh mì là món thể hiện tính nghệ sĩ của người làm ra món ăn này hơn cả. Cũng ổ bánh mì của một lò, với chừng ấy nguyên liệu để bỏ vào nhưn (nhân), chỉ cần người bán thêm một chút nguyên liệu ở ổ này hay bớt một chút nguyên liệu ở ổ khác sẽ sáng tạo các ổ bánh mì hoàn toàn khác nhau theo khẩu vị của từng thực khách. Hẳn sẽ không hề quá lời khi nói rằng, mỗi ổ bánh mì là sản phẩm của nghệ thuật ẩm thực sáng tạo không trùng lặp. Xung quanh ổ bánh mì, không chỉ là những câu chuyện về khẩu vị mà còn là những câu chuyện về văn hóa ứng xử của người phố Hội.

Nhộn nhịp phố cổ Hội An. Ảnh: Vnexpress

Bánh mì Hội An xưa

Bánh mì (baguette) là món ăn được chế biến từ bột mì. Theo một số nghiên cứu, bánh mì chính thức có mặt ở nước ta gần như cùng thời điểm với công cuộc viễn chinh của người Pháp ở Đông Dương. Rất nhanh chóng, món bánh này được người Việt đón nhận và thưởng thức theo phong cách ẩm thực riêng tùy theo vùng miền. Theo một cách, hay nhiều cách thú vị nào đó của sự giao thoa văn hóa, bánh mì đã, đang trở thành nét tiêu biểu cho ẩm thực của người Việt - là một di sản văn hóa hiếm hoi từ thời Pháp thuộc vẫn còn tồn tại và không ngừng phát triển cho đến ngày hôm nay.

Ở Hội An, vào khoảng những năm 1944 -1945, người dân đã biết đến món điểm tâm có tên là mạc nạm. Gần giống như món bò kho ở chỗ cùng được nấu bằng phần bạc nhạc của thịt bò nhưng món mạc nạm khác hẳn ở cách thức chế biến và đặc biệt ở gia vị. Theo ông Minh Hương (1), vào những năm 40 thế kỷ trước, người Hội An ăn bánh mì con cóc với món mạc nạm. Ổ bánh giống nắm tay và hỉ to hơn nắm tay người lớn một chút nên gọi gọi bánh mì con cóc. Một xu (2) đến một xu rưỡi một ổ, tùy cỡ lớn nhỏ.

Theo hồi cố của ông Thái Tế Thông (người Hội An thường gọi là ông Chảy), vào trước năm 1945, ở Hội An có lò bánh mì của ông Mợ Phu - người Hoa, bang Gia Ứng. Sau năm 1945 ở Hội An có lò bánh mì Quân An của ông Mang Chược (3). Lò bánh mì này phát đạt đến mức sau đó người chủ mua được nhà của gia đình ông Thông trên đường Trần Phú, xây thêm một cơ sở sản xuất nữa. Cũng theo lời kể của ông Thông, sau năm 1945, một người thợ của ông Mợ Phu tên là ông Xường, nguyên là lính Vân Nam, trong thời gian lưu lạc ở Hội An, ông Xường làm thợ trong lò bánh của ông Mợ Phu, học được kỹ thuật làm bánh và sau đó mở lò riêng ở ngôi nhà sát bên hông hội quán Quảng Triệu. Cũng khoảng thời gian này, ở khu vực Sơn Phong(4) có lò bánh mì của bà Bùi Thị Trung, hoạt động trong khoảng 10 năm.

Từ sau năm 1960 trở đi, ở Hội An có hai lò bánh mì điện, làm bằng bột mì của Mỹ. Ông Thông kể, ngày hiệu buôn Hoàng Hiệp mang lò bánh mì điện từ ngoài Đà Nẵng về Hội An là một sự kiện đối với người trong phố, nhiều người kéo đến xem. Ông Thông là chỗ thân quen với những người công binh mới có thể mượn được xe để chở lò bánh mì đó vào phố, và họ đã làm đường ray để đưa cái lò đó vào nhà.

Tiệm bánh mì Phượng ở số 2 Phan Châu Trinh. 

Theo lời kể của ông Lê Châu (5), vào khoảng năm 1970, ở Hội An có hai lò bánh mì: lò bánh mì của nhà Hoàng Hiệp và lò bánh mì ông Lang. Trong đó, lò bánh mì Hoàng Hiệp (mang tên hiệu buôn của gia đình), người chủ lò tên là Hứa Thiên Phước, tên thường gọi là ông Hột, chỉ cách nhà ông Châu vài ngôi nhà. Ngày ông Hột khai trương lò bánh mì, cha của ông Châu(6) - khi đó là hiệu trưởng trường nam Hội An - được mời đến nhận những chiếc bánh mì của mẻ ra lò đầu tiên do ông Hột trao tặng cho các  học sinh để ăn nửa buổi. Ở gần lò bánh mì gần nhà nên mỗi sáng sớm mở cửa đi học, ông đã nghe mùi thơm từ lò bánh mì của nhà Hoàng Hiệp.

Trải qua thời gian, khi các lò bánh mì kể trên không còn hoạt động, nhiều lò bánh mì ở ngoại vi thành phố đã ra đời. Trong đó, nổi bật là lò bánh mì 304 (7) - nơi có nhiều thợ giàu kinh nghiệm, giỏi những kỹ thuật, cung cấp bánh cho nhiều tiệm bánh mì ở ngã tư đường phố và những tiệm bánh mì sang trọng, có thương hiệu trong và ngoài nước như tiệm bánh mì Madam Khánh và bánh mì Phượng.

Khẩu vị của những tủ bánh mì bình dân ở ngã tư đường phố

Mỗi lần có việc đi công tác vào Sài Gòn, tôi đều hỏi hỏi bạn thích món gì ở Hội An thì tôi mang vào. Lần nào bạn cũng trả lời: “Mang cho anh vài ổ bánh mì Phố Cổ là nhất rồi”.

Bánh mì Phố Cổ bạn tôi thích là bánh mì ở tủ bánh nằm ở ngã tư đường Trần Hưng Đạo - Lê Lợi, một ngã tư ngay gần khu phố cổ. Lần nào về Hội An, anh cũng ngồi ăn hai ổ bánh mì Phố Cổ rồi mới tiến hành các công việc của mình. Không lớn như tiệm bánh mì Phượng và tiệm bánh mì Madam Khánh - những thương hiệu đã nổi danh trong và ngoài nước -  những tiệm bánh mì Phố Cổ, bánh mì bà Lành, bánh mì cô Cúc, bánh mì cô Tâm Hoa... chỉ là các tủ bánh mì nhỏ, thường nằm ở ngã tư, một phần do thuận tiện cho người mua dễ dàng tạt qua, dừng lại để mua, một phần do đúng gu “đậm vị”, đậm chất ẩm thực địa phương theo cách chưa bị lai tạp để phù hợp khẩu vị của số đông du khách nên những tủ bánh mì ngã tư này thu hút hầu hết dân nghiền bánh mì Hội An.

Tiệm bánh mỳ Madam Khánh số 115 Trần Cao Vân

Đặc trưng của những ổ bánh mì này là lát thịt xíu và nước nhưn đậm đà, thấm thía. Người bán dường như nhớ khẩu vị của từng khách, biết rõ ai ăn nhiều rau, ai không ăn ớt, người nào thích chan ớt tương chưng, người nào thích thêm vài lát ớt xanh xắt mỏng ... Những buổi sáng sớm, khách ghé tủ bánh mì thường vội nhưng họ gần như không bao giờ nói lời hối thúc. Người mua kiên nhẫn chờ đến lượt mình, người bán từ tốn xẻ bánh mì, ân cần rưới nước sốt, gắp từng lát thịt xíu, bỏ rau, nước nhưn và đưa cho khách.

Đã hơn ba mươi năm gắn bó với tủ bánh mì, bà Lành bảo “cũng có vài người trong gia đình phụ giúp, nhưng tôi vẫn thức dậy từ bốn năm giờ sáng để tự tay xíu thịt và làm nước nhưn, nước sốt”. Người Hội An nói riêng, người Quảng Nam nói chung, ăn gì cũng phải thấy “thấm thía” mới cho là ngon. Miếng thịt xíu được ướp hàng chục loại gia vị, thời gian ướp phải đủ lâu và khi xíu phải chú tâm vào việc điều khiển bếp để ngọn lửa chỉ liu riu. Để có miếng thịt xíu thấm thía, đậm đà mà không quá mặn - một trong những loại nguyên liệu dùng làm nhưn bánh - là cả một nghệ thuật.

Khẩu vị của những thương hiệu bánh mì nổi danh thế giới

Hôm chuẩn bị quà để mang vào Sài Gòn, tôi không chỉ mua bánh mì Phố Cổ như bạn dặn mà mua cả bánh mì ở tiệm cô Phượng và tiệm Madam Khánh. Bạn tôi ăn bánh và nhận ra ngay bánh của từng tiệm, dù tôi có ý đánh đố khi để chung các ổ bánh mì với nhau.

Nếu bánh mì của những tủ bánh nằm ở ngã tư đường phố ngon ở sự thấm thía, đậm đà hương vị theo gu của người địa phương thì bánh mì Phượng và bánh mì Madam Khánh ngon ở sự hài hòa các hương vị trong từng ổ bánh. Để có sự hài hòa ấy, người làm bánh cần có sự cảm nhận tinh tế về mức độ trong quá trình chế biến, gia giảm nguyên liệu.

Tiệm bánh mì Phượng: Trước hết, tôi đề cập, chia sẻ về tiệm bánh mì Phượng và cách sáng tạo nhân bánh mì của chị - người chủ thương hiệu bánh mì Phượng giờ đây danh tiếng đã lan khắp thế giới. Cha Nam, mẹ Bắc, sau ngày đất nước thống nhất chị Phượng mới được về Hội An cùng gia đình. Hội tụ trong chị là những tố chất của một người miền Bắc giỏi giang trong chế biến ẩm thực đến mức được công nhận trong câu truyền khẩu của dân gian qua nhiều đời, rằng “ăn Bắc, mặc Nam”.

Bên cạnh đó, về nguyên tắc ẩm thực, “chất” Hội An, Quảng Nam cũng rất đậm trong chị: Từ hơn 30 năm trước, khi tiệm bánh chưa nổi tiếng trên thế giới cho đến bây giờ, chị vẫn là người thích sự rõ ràng, cụ thể, nói theo cách người Quảng, đó là “cái chi ra cái nấy” và chị cũng là một người tài hoa trong việc sử dụng kết hợp các loại gia vị từ tự nhiên trong khi chế biến nhân bánh mì.

Còn nhớ, ngày Hội An bắt đầu đón những du khách quốc tế đầu tiên, ý thức tiệm bánh mì của mình giờ không chỉ phục vụ cho những người Hội An mà còn cho du khách các nước, chị Phượng đã tìm hiểu về sở thích ẩm thực của các quốc gia qua những người thân, qua bạn bè và qua chính những khách hàng ngoại quốc của mình.

Để chế biến thực phẩm làm nhưn bánh, bên cạnh việc áp dụng kinh nghiệm nấu nướng của ông bà thể hiện ở những câu thành ngữ như “Con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi”, chị Phượng tăng thêm nhiều tỏi, sả vì biết khách nước ngoài đặc biệt thích hai vị này. Khi các loại thịt, các loại nước sốt đã được chế biến xong để làm nhưn bánh, chị vẫn tiếp tục linh hoạt điều chỉnh liều lượng của các loại nhưn trong từng ổ bánh mì để phù hợp với thực khách đến từ mỗi quốc gia khác nhau.

Không hề quá lời khi nói rằng mỗi ổ bánh mì do chị Phượng làm ra là một tác phẩm của nghệ thuật ẩm thực sáng tạo không trùng lặp.

Sau khi được đầu bếp danh tiếng thế giới Anthony Bourdain ghé ăn, quay phim và giới thiệu “Bánh mì ngon nhất Việt Nam” với thế giới, chị càng chăm chút cho từng ổ bánh mì. Nhất là khi chuyển tiệm bánh về nơi khang trang hơn tại số 2 Phan Châu Trinh (Hội An) hiện nay, chị có thể quan sát việc thưởng thức bánh mì của khách ngay tại tiệm nhiều hơn trước, nếu thấy người nào không ăn hết một ổ bánh mì, chị đều đến hỏi tỉ mỉ và trò chuyện thân tình để điều chỉnh và làm ổ khác cho phù hợp với khẩu vị của người đó.

Được khách quốc tế đến ăn và giới thiệu rất nhiều trên các trang cộng đồng mạng như Foursquare, TripAdvisor, tháng 5.2019, bánh mì Phượng nức tiếng từ phố cổ Hội An đã có mặt tại Seoul (Hàn Quốc).

Tiệm bánh mì Phượng mang không gian đậm chất phố cổ Hội An được nằm ở giữa lòng Hàn Quốc. Trước ngày khai trương chính thức, chị Phượng đã sang Hàn Quốc khoảng 10 ngày để hướng dẫn đầu bếp người Hàn các công thức làm bánh đạt chuẩn. Những ngày đầu hoạt động, mỗi ngày tiệm đón khoảng 100 khách. Khách Hàn Quốc tới thưởng thức rất đông, trong đó có cả những ngôi sao đình đám xứ Kim Chi.

Khi được hỏi về lý do lựa chọn Seoul làm địa điểm mở thêm cơ sở mới, chị Phượng nói: “Tại Hội An, khách Hàn ghé quán rất đông, chiếm khoảng 40% lượng khách. Họ có phản hồi rất tích cực về món ăn. Vì vậy, tôi mới quyết định chọn Seoul để thêm cửa hàng”.

Thực đơn bánh mì tại cơ sở Hàn Quốc giữ được đầy đủ nét đặc trưng của bánh mì Phượng (Hội An) ở Việt Nam như bánh mì thịt bò với trứng, bánh mì thịt nướng, bánh mì thập cẩm, bánh mì gà với phô mai và salad, bánh mì sữa đặc. Bánh có giá dao động từ 7.000-8.000 won/cái (140.000-160.000 đồng). Chị Phượng cho biết, hương vị của bánh ở Hàn đạt 70 - 80% hương vị gốc. Ngoài men bánh mì nhập khẩu từ Việt Nam sang, các nguyên liệu còn lại đều được mua tại Hàn.

Tiệm bánh ở Hàn Quốc có không gian thoáng, rộng tạo cảm giác thư thái để thực khách ngồi thưởng thức hương vị bánh mì. Nếu ở Hội An, quán phục vụ hơn chục loại khác nhau, tại Seoul, thực khách chỉ có thể chọn nhưn thịt nướng, gà với phô mai, thịt bò hoặc thập cẩm. Đây cũng là các loại nhân được khách chuộng nhất ở Hội An. Các loại rau ăn kèm trong ổ bánh mì không kém phần đa dạng so với các loại nhưn, gồm dưa leo, ngò, xà lách... như bản gốc. Tiệm nhỏ ở Hàn Quốc còn phục vụ thêm các loại cà phê như cà phê cốt dừa, cà phê sữa đá...

Câu chuyện ẩm thực kể cũng lạ. Khi tiệm bánh mì Phượng được vinh danh là “bánh mì ngon nhất Việt Nam”, “bánh mì ngon nhất thế giới” và mỗi ngày dòng người xếp hàng đến từ năm châu để chờ tới lượt mình mua ổ bánh mì trước cửa tiệm càng dài ra thì người địa phương Hội An lại ít đến ăn ở tiệm bánh mì Phượng hơn. Phải chăng, do người Hội An với bản tính “nhân tình thuần hậu” muốn nhường chỗ cho những thực khách phương xa hay vì người Hội An vẫn chỉ thích chung thủy với chất đậm đà của bánh mì truyền thống mà ngại thử ăn bánh mì với những hương vị mới lạ?

Còn tôi, tuy chẳng phải là người Hội An theo nghĩa được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này nhưng với 20 năm sinh sống ở Hội An, tôi vẫn vừa thích ổ bánh mì hài hòa hương vị ở tiệm bánh mì Phượng vừa thích ổ bánh mì bình dân, đậm đà hương vị địa phương của những tủ bánh mì nằm ở ngã tư các con đường quen thuộc bởi ở ổ bánh mì nào tôi cũng đều cảm nhận được chất nghệ sĩ của người làm ra nó.

Thi thoảng, trong những buổi chiều rảnh rỗi, đôi khi tôi cũng thử “sắm vai” một du khách, hòa mình trong dòng người chờ sắp hàng trước cửa tiệm bánh mì Phượng, vừa nhẩn nha chứng kiến sự kiên nhẫn của thực khách, ngắm nghía những đôi bàn tay khéo léo của các đầu bếp... Sau cả nửa giờ xếp hàng, tôi cũng mua được ổ bánh mì và vào tiệm ngồi ăn bên những người khách đến từ năm châu. Nhìn họ vừa ăn bánh mì vừa trầm trồ, chụp hình “check in” hay “live stream” thật hạnh phúc.

Bánh mì Madam Khánh: Những năm gần đây, có người nói bánh mì Madam Khánh ngon hơn bánh mì Phượng. Khi đánh giá về ẩm thực sẽ có sự tham gia chủ quan bởi yếu tố phù hợp khẩu vị của thực khách, việc buôn bán, kinh doanh cũng có lúc thịnh, khi suy. Đó là điều tất yếu, bình thường. Tuy nhiên, có một sự thật, bánh mì Madam Khánh được hầu hết tất cả mọi người ưa thích.

Lịch sử hình thành của bánh mì Madam Khánh đã xuất hiện từ nhiều năm trước, nổi tiếng trong phục vụ nhu cầu cho người địa phương và hàng nghìn du khách trên thế giới khi về Hội An. Danh tiếng của thương hiệu bánh mì Madam Khánh còn được lưu truyền trong dân gian Hội An qua câu truyền khẩu: Bún giò bà Lương, bún xương bà Tỳ, bánh mì bà Khánh; quần Nguyễn Tạo, áo Tiến Hưng…

Tên hiệu buôn ra đời trước hết nhằm phục vụ nhu cầu, chức năng định danh, gọi tên về địa điểm, cơ sở buôn bán, kinh doanh dịch vụ. Quá trình hình thành tên các hiệu buôn, hàng quán ở Hội An cũng là một quá trình mang tính quy luật đi từ không có tên đến có tên, từ tên đơn giản đến tên mang những ý nghĩa khác nhau.

Qua khảo sát thực tế, chúng tôi thấy rằng, cách đặt tên hiệu buôn, hàng quán sớm nhất là lấy tên người chủ để đặt tên. Đây cũng là một trong những quy luật đặt tên nơi buôn bán mang tính dân gian (8). Thương hiệu bánh mì Madam Khánh đã bén rễ vào ý thức của cộng đồng cư dân Hội An qua việc truyền khẩu như vậy.

Những ngày đầu tiên thành lập, bánh mì Madam Khánh chỉ là một tủ bánh nhỏ đáp ứng nhu cầu ăn uống của khách du lịch đến nhìn ngắm đô thị cổ. Tuy nhiên, chính nhờ tình yêu và đam mê làm bánh mì của mình, người chủ tiệm bánh mì Madam Khánh đã nỗ lực cho ra đời các mùi vị siêu độc đáo. Bánh mì Madam Khánh đem lại đặc trưng đáng nhớ nếu bạn đã từng một lần ăn.

Theo thời gian, mùi vị của bánh mì này được đông đảo mọi người biết đến và săn tìm. Một câu chuyện đáng nói về tiệm bánh mì Madam Khánh, người chủ quán có tên gọi là Lộc, Khánh là tên của chồng bà. Trải qua hơn 3 thập kỷ, thương hiệu bánh mì Madam Khánh đã nổi tiếng khắp nơi, không chỉ đối với dân bản địa mà còn cả các khách du lịch gần xa. Có được thành công này là bởi trước thời điểm mở quầy hàng bánh mì Madam Khánh, chủ tiệm bánh mì là bà Lộc đã thử hết các loại bánh mì được nhiều người biết đến thời đó rồi nghiên cứu và tự sáng tạo ra món bánh mì đặc biệt gia truyền riêng này. 

Phần nhưn bánh được bà Lộc chuẩn bị rất công phu, toàn bộ nguyên vật liệu đều được nhà làm 100% và chế biến theo công thức riêng. Những nguyên liệu như trứng, thịt nướng, pate, chả và nước sốt cũng vậy. Đặc biệt, bánh mì bà cũng đặt riêng tại một lò uy tín, có tiếng ở Hội An. Bánh mì của Madam Khánh có nhiều loại nhưn cho bạn tha hồ chọn lựa phù hợp với khẩu vị của bản thân mình: Bánh mì gà, bánh mì thịt heo, bánh mì trứng chiên, bánh mì chay, bánh mì thập cẩm…

Đặc biệt, vừa nghe bánh mì gà dường như ai ai cũng nghĩ rằng nhưn bánh mì được kẹp bằng nguyên liệu gà. Tuy nhiên, bánh mì gà của Madam Khánh nổi bật bởi ngoại hình của chiếc bánh ở chỗ nó không quá dài cũng không quá ngắn mà tròn tròn theo dạng bánh hamburger. Nhưn bánh mì gà cũng khá đặc biệt với nguyên liệu chính từ trứng gà, chà bông, cà rốt, đu đủ xanh, thêm tương ớt với những ai thích ăn cay. 

So với các cửa hàng bánh mì khác, tiệm bánh mì Madam Khánh có khá nhiều các loại nhưn khác nhau. Mùi vị và công thức từng loại nhưn cũng khác xa nhau. Bánh mì Madam Khánh được thực hiện theo một công thức gia truyền riêng tạo nên sự cân đối cho bánh, nước sốt vừa đủ để bánh có độ béo ngậy nhất định.

Thêm một điều đặc biệt, bên cạnh tủ bánh mì Madam Khánh luôn kèm theo lò than nướng kiểu truyền thống. Bánh mì trước khi đưa cho khách hàng sẽ được cho lên lò nướng lại cho đến khi bánh có độ giòn. Thưởng thức bánh mì của Madam Khánh, bạn sẽ được trải nghiệm với ổ bánh mì mà ở đó, lớp vỏ ngoài của bánh mì giòn rụm, ruột bánh mì mềm, thơm phức bởi hương vị đậm đà của nước sốt. Tất cả cùng hòa quyện và làm nên một ổ bánh mì hấp dẫn.

Bánh mì Phố Cổ ở ngã tư Lê Lợi - Trần Hưng Đạo.

Thay lời kết

Trong điều kiện chủ quan của mình, tôi chưa phải là người được nếm nhiều vị bánh mì tại các thành phố lớn và tại những địa phương khác ở trong nước, quốc tế để có thể so sánh, đánh giá. Tuy nhiên, sống ở Hội An nhiều  năm, được trải nghiệm trực tiếp với việc thưởng thức hầu hết các loại bánh mì từ tiệm bình dân ở ngã tư đường phố đến các loại bánh mì nổi danh thế giới ở những hiệu bánh lớn như bánh mì Phượng, bánh mì Madam Khánh cùng với việc hàng ngày chứng kiến cộng đồng, du khách thưởng thức món ăn này, bản thân tôi tự hào về món bánh mì Hội An.

Tôi có niềm tin xác quyết, rằng bánh mì Hội An không chỉ hấp dẫn bởi bản thân vỏ bánh, nhưn bánh ngon theo cách mỗi người chủ đều có kiểu chế biến với công thức riêng, vừa thống nhất với tính gia truyền vừa linh hoạt đầy chất sáng tạo của người nghệ sĩ ẩm thực mà còn bởi, xung quanh việc chế biến, thưởng thức ổ bánh mì, không chỉ là những câu chuyện về khẩu vị mà còn là những câu chuyện có bề dày văn hóa của người phố Hội.

Mỗi lần về phố cổ Hội An, khi thưởng thức một ổ bánh mì, bạn sẽ cảm nhận bề dày văn hóa hàng trăm năm giao lưu, hội tụ và sự sáng tạo, công phu của mỗi người chủ tiệm.

Bài và ảnh: Khiếu Thị Hoài

 

Go top