Với quan niệm “xa giá đi tuần du cốt để xem xét phương dân, kiểm soát quan lại, ra ơn cho dân chúng” (sách Minh Mạng chính yếu của Quốc sử quán triều Nguyễn), vua Minh Mạng từng có 3 lần tuần du đến Quảng Nam để khảo sát tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội, chính trị. Trong đó, lần thứ hai nhà vua được tiến dâng loại bánh đậu xanh ngon nhất.
Trong lần ngự du thứ hai vào trung tuần tháng 5 năm Minh Mạng thứ tám (1827), vua ngự du đến Ngũ Hành Sơn thăm đài Điện Hải, núi Tam Thai. Về sự kiện này, sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn cho hay: “Vua sắp đi tuần miền Nam, dụ Bộ Hộ rằng: “Điển lễ tuần thú là muốn khiến dân ta vui vẻ về sự giúp đỡ: phàm những nơi đi qua, vật liệu cung ứng đều trả giá hậu, không phiền phí cho dân. Nên truyền dụ cho quan địa phương ở Thừa Thiên và Quảng Nam thể tất ý trẫm, nghiêm cấm lại dịch, không được quấy rối một tý nào, để cho cờ quạt đàn sáo đến đâu cũng đều vui vẻ thì tốt”.
Vua Minh Mạng đại giá Nam tuần từ kinh đô Huế đến Quảng Nam bằng đường thủy và ở lại đất Quảng gần một tuần lễ. Đại Nam thực lục tường thuật khá chi tiết hành trình của nhà vua như sau:
“Ngày Ất Dậu (10 tháng 5 năm Đinh Hợi, 4-6-1827 - NV), xa giá tự Kinh sư đi ra. Ngày Đinh Hợi đến Đà Nẵng, xem đài Điện Hải, rồi đi chơi núi Tam Thai (1), nghỉ chân ở hành cung động Thiên Phước Địa. Sai lấy trầu rượu ban yến cho quan lính đi theo, thưởng tiền bạc theo thứ bậc. Ngày Canh Dần, xa giá đến dinh Quảng Nam, sai Trung sứ mang biểu thỉnh an và quả Nam trân về Kinh dâng cung Từ Thọ… Ngày Nhâm Thìn (17 tháng 5 năm Đinh Hợi, 11-6-1827 - NV), xa giá về Kinh sư”.
Trong lần tuần du lần thứ hai của vua Minh Mạng vào năm 1827, người dân Hội An đã tiến dâng bánh in lên nhà vua. Năm đó, để phục vụ cho việc đón tiếp nhà vua, chức dịch xã Minh Hương (nay thuộc phường Minh An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), được quan trên giao nhiều việc quan trọng như: chỉnh trang lại phố xá và các bến sông cho thật sạch sẽ; cử 12 người ra quỳ lạy nghinh cung lúc vua giá hạnh đi qua trên phố; cung ứng khá nhiều vật phẩm phục vụ cúng tế…
Xã Minh Hương hình thành vào khoảng nửa giữa thế kỷ XVII. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Chí Trung, vào đầu thế kỷ XVII, nhà Minh (Trung Quốc) đã đến giai đoạn suy tàn, phong trào nông dân khởi nghĩa liên tiếp xảy ra khiến thương nhân, thợ thủ công và cả nông dân Trung Quốc ồ ạt đi tìm con đường “tha phương cầu thực” chủ yếu ở phương Nam, trong đó có Hội An. Tiếp theo là thất bại của nhà Minh trước người Mãn Thanh, thần dân và quan lại triều Minh bất phục nhà Thanh đã ra đi, tạo thành làn sóng di cư lớn thứ hai của cư dân Trung Hoa đến Hội An.
Ngoài các nguyên nhân chính trị kể trên, còn một nguyên nhân quan trọng nữa thúc đẩy sự ra đời của xã Minh Hương, đó là sự gặp gỡ giữa chính sách mở cửa “nhu viễn nhân” (mềm mỏng, khoan hòa đối với những người từ phương xa đến) của các chúa Nguyễn với sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới thương mại toàn cầu trên Biển Đông ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á vào thế kỷ XVI - XVII. Đặc điểm nổi bật của cộng đồng dân cư Minh Hương ở Hội An là bao gồm nhiều nghề nghiệp, nhiều giai tầng xã hội khác nhau: thương nhân, buôn bán nhỏ, thợ thủ công, thầy thuốc, thầy lý số, lao động thủ công và binh lính, quan lại, quý tộc, nho sĩ… Những tri thức, kinh nghiệm nghề nghiệp của họ rất cần đối với các chúa và vua triều Nguyễn nên người Minh Hương luôn được ưu đãi và trọng dụng.
Điều thú vị là khi tìm hiểu các tư liệu về xã Minh Hương liên quan đến cuộc đại giá Nam tuần của vua Minh Mạng năm 1827, chúng tôi bắt gặp phiếu sức cho hương chức dịch mục xã Minh Hương ngày 27 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 8 (1827) về việc tiến dâng bánh in đậu xanh cho vua. Phiếu sức này được Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An sưu tầm và giới thiệu trong cuốn Di sản Hán Nôm Hội An, Tập 3, Quyển 1, NXB Đà Nẵng, 2017.
Tờ phiếu nguyên văn chữ Hán, được dịch nghĩa như sau:
Ngày 27 tháng 4 năm Minh Mạng thứ tám (1827).
Phiếu sức cho hương chức dịch mục xã Minh Hương, nay phụng. Trong khi đại giá Nam tuần cần có các vật kiện để cung vào việc cúng tế. Do đó phiếu sức cho y xã phải biện mua 500 gói bánh in bột đậu thứ hảo hạng. Hạn cho đến tháng sau ngày mồng một phải đệ nạp tại doanh trấn giá bao nhiêu được trả tiền y số. Số bánh in đậu này là để cúng tiến dâng lên cho vua nên phải được kính cẩn giữ gìn chu đáo và đúng kỳ hạn đệ trình.
Nay phiếu.
Phải chăng việc tiến dâng bánh in đậu xanh lên vua Minh Mạng trong cuộc đại giá Nam tuần năm 1827 là cơ sở quan trọng để mấy chục năm sau đó đặc sản của đất Quảng này được Quốc sử quán triều Nguyễn thời vua Tự Đức vinh danh trong Đại Nam nhất thống chí, mục Thổ sản của tỉnh Quảng Nam: “Bánh đậu xanh: sản ở phố Hội An là ngon nhất”.
Điểm đáng lưu ý nữa, trong phiếu sức nói trên có quy định: “Giá bao nhiêu được trả tiền y số”. Đây là sự thực thi nghiêm túc chủ trương của vua Minh Mạng trước khi Nam tuần: “Phàm những nơi đi qua, vật liệu cung ứng đều trả giá hậu, không phiền phí cho dân”. Điều này càng giúp cho hậu thế cảm nhận được tình cảm gần dân, thương dân, không gây phiền hà cho dân của vua Minh Mạng - vị hoàng đế thứ hai của nhà Nguyễn, người để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX.
VÂN TRÌNH