Những món ăn như cao lầu, mỳ Quảng, cơm gà... chắc hẳn từng để lại chút vị riêng của phố Hội đối với bạn bè phương xa. Trong hằng hà vô số ẩm thực Hội An, có một món bánh dân giã mà người địa phương ai cũng thích nhưng du khách hầu như ít khi biết… đó là bánh da lợn.
Bánh da lợn với đủ sắc màu
Nghe qua cái tên thôi đã hiện lên nét mộc mạc, đượm tình của món bánh này. Nếu có dịp đến Hội An, đi dạo buổi sớm mai ở các phố Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng hay ngồi ở các quán cà phê dọc đường, thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp hình ảnh các cô trung niên một tay cầm giỏ xách, một tay bưng cái mâm hoặc rổ tre, trong đó có nhiều loại bánh được người địa phương ưa chuộng như bánh ram, bánh xoài và có cả bánh da lợn. Chỉ cần vài chiếc bánh nhỏ đa sắc màu nhâm nhi cùng ly cà phê đã đủ sức tạo nên một buổi sáng tưng bừng, cũng vừa đủ no với chiếc dạ dày mới được đánh thức sau một đêm dài.
Gọi là da lợn vì từng lớp bánh xếp chồng lên nhau gần giống như da heo. Nhưng điều đặc biệt là “da heo” này lấp lánh các màu xen kẽ hấp dẫn người nhìn. Sắc xanh của lá mát rượi, cam óng ánh như mặt trời buổi bình minh hay trắng trong veo. Từ nguồn nguyên liệu hoàn toàn thiên nhiên như lá dứa, củ dền, gấc, khoai tím... Loại bánh này nhìn đơn giản nhưng quá trình chế biến đòi hỏi sự kỳ công và khéo léo với thao tác thủ công hoàn toàn.
Bột năng, bột nếp, đậu xanh, nước dừa và đường kết hợp lại với nhau để tạo ra vị dẻo dai, thanh ngọt. Đó là những nguyên liệu hoàn toàn truyền thống và phổ biến trong đời sống dân gian xưa và nay. Trong số những nguyên vật liệu làm bánh, tôi từng được nghe các cô lớn tuổi bảo rằng: phải canh sao lượng nước dừa và đậu xanh vừa đủ, cũng như công đoạn nhồi bột và hấp bánh là điều quan trọng nhất để tạo nên một chiếc bánh da lợn ngon đúng điệu.
Nếu muốn thưởng thức bánh da lợn ở Hội An, bạn có thể đến một số địa điểm như cô Hoa ngã 4 dốc chợ, gần giếng cổ Hội An 200 năm tuổi; cô Xuân trước chợ vải; dọc các trục đường trung tâm phố cổ vào sáng sớm hay đến tại cơ sở bánh đậu xanh Bo Bo đường Lê Lợi để đặt mua bánh.
Chị Anna Seyss, du khách đến từ nước Đức khi lần đầu tiên ăn món bánh này chia sẻ “Bánh có mùi thơm nhè nhẹ, thoang thoảng và màu sắc trông thật bắt mắt. Lần này đến du lịch Việt Nam trong một tháng, tôi đã đi qua nhiều tỉnh, thành phố và giờ dừng chân tại Hội An. Ẩm thực Hội An thu hút tôi thật sự với nhiều món ăn đường phố hấp dẫn, món bánh này là một trong số ấy. Tôi sẽ quay lại Hội An năm sau để thưởng thức thêm nữa các món ăn đặc sắc tại nơi đây mà lần này tôi chưa có cơ hội thưởng thức hết”.
Chị Anna Seyss, du khách đến từ nước Đức thưởng thức bánh da lợn đặc sản Hội An
Ngày nay, người Hội An biến tấu bánh da lợn thêm nhiều kiểu dáng, màu sắc để thu hút người mua và du khách. Ngoài các vị truyền thống như màu trắng, xanh và cam, sau này có thêm vị hoa đậu biết, củ dền... Khi thưởng thức, người địa phương thường gỡ từng lớp bánh, nhai một cách từ tốn để cảm nhận đầy đủ vị dai dai, ngọt nhẹ và hương thơm quyến rũ từ nước dừa cùng các vị rau củ, hoa lá hòa quyện cùng.
Khi về phố Hội, một sáng nào đó bạn thong dong bên tách cà phê ngắm phố, thưởng thức chiếc bánh bánh da lợn- nét quê dân dã còn lưu lại, phảng phất nét văn hóa “làng trong phố, phố trong làng” của người Hội An để rồi lưu luyến một ngày quay trở về!
Huỳnh Kim Hoa- Báo Văn hóa