Các thành phố trong cùng mạng lưới đã đặt sự sáng tạo và công nghiệp văn hóa vào trung tâm của kế hoạch phát triển.'
Thủ đô Hà Nội là thành phố đầu tiên ở Việt Nam gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN) trong lĩnh vực thiết kế vào ngày 31/10/2019. Sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chọn 7 thành phố tiếp theo tham gia Mạng lưới gồm Cần Thơ, Đà Lạt, Đà Nẵng, Hạ Long, Hải Phòng, Hội An, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu. Dự kiến năm 2023, Việt Nam sẽ trình hồ sơ của hai thành phố là Hội An (lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật dân gian) và Đà Lạt (lĩnh vực âm nhạc).
* Hướng tới sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa
Theo Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ra đời năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố, xác định sáng tạo là yếu tố chiến lược để phát triển bền vững. Các thành phố trên khắp thế giới đang tạo nên mạng lưới, cùng đặt sự sáng tạo và công nghiệp văn hóa vào trung tâm của kế hoạch phát triển ở cấp địa phương và hợp tác tích cực ở cấp quốc tế.
Các thành phố tập trung vào 7 lĩnh vực chính là: Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; thiết kế; điện ảnh; ẩm thực; văn học; nghệ thuật truyền thông đa phương tiện; âm nhạc. Các thành phố cùng cam kết đóng góp vào tầm nhìn chung của mạng lưới thông qua chia sẻ kinh nghiệm, phát triển quan hệ đối tác, tôn trọng sự đa dạng và đảm bảo sự tích hợp của văn hóa, sáng tạo vào mọi mặt của đời sống xã hội.
Tính đến năm 2023, trên thế giới, 301 thành phố đã gia nhập mạng lưới này, trong đó có 61 thành phố đăng ký với lĩnh vực âm nhạc. Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã chọn lĩnh vực âm nhạc để xây dựng đăng kí hồ sơ trình UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo.
Mới đây, tại Đà Lạt, hội thảo quốc tế “Tham vấn xây dựng hồ sơ thành phố Đà Lạt gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO”đã diễn ra. Các chuyên gia trong nước, quốc tế đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho “Thành phố Ngàn hoa”. Đặc biệt, các ý kiến đều bày tỏ mong muốn thành phố trở thành một thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO, quyết tâm đưa công nghiệp âm nhạc Đà Lạt lên tầm cao mới. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, quá trình này phải được thực hiện cùng với việc duy trì các giá trị văn hóa bản sắc đậm chất truyền thống của vùng đất này.
Tiến sỹ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: Cùng với tài nguyên thiên nhiên, Đà Lạt sở hữu kiến trúc độc đáo với các công trình hàng trăm năm tuổi do bao thế hệ tư duy sáng tạo xây dựng nên. Đây cũng là vùng đất đã lôi cuốn, giữ chân nhiều người dân khắp mọi miền đất nước tụ hội, phát huy trí tuệ, tạo ra những sản phẩm phong phú về văn hóa, ẩm thực, mỹ thuật, thủ công mỹ nghệ, âm nhạc, kiến trúc, thiết kế, văn học, nhiếp ảnh, điện ảnh... Chính họ tạo nên phong cách người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch, mến khách.
Đà Lạt nay được mệnh danh là thành phố Festival hoa, Trung tâm di sản kiến trúc Pháp của Việt Nam và khu vực. Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là một trong 1.000 công trình kiến trúc đẹp nhất thế kỷ XX. Đà Lạt là thành phố bền vững môi trường ASEAN. Nơi đây được Booking.com ghi nhận đứng thứ 3/10 địa danh ngắm hoa đẹp nhất trên thế giới năm 2022. Hãng CNN của Mỹ bình chọn Đà Lạt là một trong 18 "kho báu châu Á" năm 2023... Có thể nói, sự kết hợp hài hòa, cảnh quan tự nhiên, kiến trúc bản sắc văn hóa các dân tộc và phong cách người Đà Lạt đã trở thành “kho báu” quý giá, hiếm có. Đây là nguồn tài nguyên vô tận để mọi người dân thỏa sức sáng tạo các lĩnh vực theo tiêu chí thành phố sáng tạo, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc.
Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa cho rằng, Đà Lạt cần tạo được sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp của cộng đồng người dân, doanh nghiệp, nghệ sỹ; đẩy mạnh truyền thông về vai trò của thành phố sáng tạo, chủ thể sáng tạo để tạo niềm tự hào, cống hiến của các chủ thể tham gia…Tuy nhiên, bà Nguyễn Phương Hòa cũng nêu rõ, Đà Lạt đã có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực âm nhạc, trở thành điểm đến của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng Việt Nam và các ban nhạc quốc tế. Nguồn vốn về con người, tài năng sáng tạo tại địa phương vẫn chưa được nổi bật. Do đó, Đà Lạt cần có chính sách thu hút nhân tài; đặc biệt là nuôi dưỡng cộng đồng sáng tạo với các sáng kiến về âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn...
* Sáng tạo, mang lại lợi ích cho cộng đồng
Hội An (Quảng Nam) là một trong 7 thành phố được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn để thực hiện “Đề án phát triển Mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO”.
Theo đánh giá từ Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội An là một trong những đô thị nổi trội nhờ tính quốc tế ở cả trong quá khứ và hiện tại. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều yếu tố đặc sắc về văn hóa, lịch sử, con người, kiến trúc đô thị và đặc biệt là các di sản đều phát huy hiệu quả tốt trong đời sống hiện tại.
Hội An sở hữu một số di sản thế giới được UNESCO ghi danh là Phố cổ Hội An (năm 1999), Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (năm 2009), Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại (năm 2017). Hội An cũng là nơi bảo vệ và phát huy rất tốt giá trị của Bài chòi trong phát triển du lịch bền vững.
Hội An còn là điểm đến du lịch nổi bật, thu hút nhiều khách trong nước và quốc tế, tụ hội nhiều trí thức, nghệ sĩ đến hoạt động về lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Những đặc điểm trên đã và đang giúp Hội An từng bước trở thành một không gian sáng tạo, nơi các ngành công nghiệp văn hóa có thể phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Việc Hội An lựa chọn hai lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian để xây dựng hồ sơ đề cử tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo là phù hợp bởi đây là thế mạnh cốt lõi của địa phương..
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh nêu ý kiến, đây là những lĩnh vực mà Hội An có ưu thế và nhiều tiềm năng, thể hiện mối quan hệ đa chiều với các giá trị di sản khác. Hội An luôn nỗ lực giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kế thừa, bảo tồn và phát triển, bản sắc chung cũng như tính đặc thù, văn hóa, văn minh nhất là bảo tồn, phát huy nghề truyền thống, văn nghệ dân gian. Đặc biệt, Hội An hướng đến thành phố sáng tạo là để phát triển du lịch gắn với tăng cường sinh kế, cải thiện đời sống của cộng đồng địa phương.
Mặt khác, sáng tạo phải đáp ứng nhu cầu trải nghiệm đa dạng của du khách, thân thiện với môi trường, tạo ra tính cạnh tranh và hấp dẫn cao của thương hiệu điểm đến du lịch Hội An. Các hoạt động cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng (người dân, nghệ nhân, văn nghệ sĩ, tầng lớp tinh hoa bình dân, văn nghệ sĩ, doanh nhân…) vào các quyết định liên quan đến sáng tạo, phát triển, thực hành sáng tạo vì sinh kế và kết nối cộng đồng; chú trọng phát triển năng khiếu, tài năng trẻ để đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, truyền nghề.
Theo Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, nghề thủ công của cộng đồng cư dân Hội An sáng tạo rất đa dạng, phong phú, đặc sắc. Các làng nghề là những thực thể văn hóa sống động, gắn với quá trình phát triển của các vùng đất và cộng đồng dân cư, sinh hoạt cộng đồng, không gian văn hóa, cảnh quan địa lý - sinh thái của từng làng xã. Các nghề khai thác yến sào Thanh Châu, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà và nghề trồng rau Trà Quế đã được ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hội An còn nổi tiếng với các nghề thủ công như: Làm đèn lồng, da, may mặc, đầu lân, mặt nạ, hoa đăng, chạm trổ, điêu khắc, đắp vẽ... Gần đây, địa phương này đã xuất hiện những nghệ nhân tiên phong sáng tạo nên nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo từ đất sét, tre, củi lũ, bẹ dừa nước, gốc cây, vật liệu tái chế...
Bên cạnh đó, hình thái, loại hình văn nghệ dân gian ở Hội An có sắc thái riêng, không trùng lặp, tạo nên một dấu ấn độc đáo. Có thể kể đến nghệ thuật Bài chòi đã quá quen thuộc và vang danh, cùng dân ca, hát bội, hò khoan, bả trạo, sắc bùa, múa tứ linh, hò đưa linh... Đây chính là chất liệu cơ bản của các sản phẩm văn hóa - du lịch đầy sáng tạo và độc đáo của Hội An.
Nếu trở thành thành phố sáng tạo UNESCO, Đà Lạt và Hội An cũng như những thành phố khác sẽ có động lực sáng tạo hơn nữa, góp phần tạo nét riêng có, gây ấn tượng tốt với bạn bè trong nước, quốc tế về giao lưu văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, công nghiệp văn hoá, hợp tác đầu tư và du lịch... Điều quan trọng là, mỗi thành phố theo cách của mình cần biến văn hóa trở thành trụ cột, tạo ra các giá trị bền vững trong quá trình phát triển./.
Thanh Giang