Tin tức

Tin tức

Về làng gốm Thanh Hà ngắm linh vật rồng

Làng gốm Thanh Hà thuộc khối Nam Diêu, phường Thanh Hà, TP Hội An (Quảng Nam) với tổng số 105 hộ/212 lao động. Cơ cấu kinh tế của làng gồm sản xuất kinh doanh gốm, lao động phổ thông và buôn bán nhỏ lẻ.

Làng gốm Thanh Hà có nhiều điểm di tích như: cụm miếu Nam Diêu, đình làng Xuân Mỹ, tượng đài vua Minh Mạng, miếu Bà, miếu Ông gắn với cây đa, bến nước, sân đình góp phần tạo nên không gian yên tĩnh, làng quê thân thiện.

Làng gốm là điểm đến hết sức lý tưởng với du khách tham quan.

Năm 2015, làng nghề gốm Thanh Hà được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là làng nghề gốm truyền thống, trong đó có 5 nghệ nhân và 2 thợ giỏi.

Đến nay, làng có 32 hộ tham gia sản xuất gốm với 67 lao động. Trong đó làm gốm truyền thống có 2 cơ sở với 10 lao động; làm gốm mỹ nghệ có 2 cơ sở với 9 lao động; làm gốm lưu niệm có 18 cơ sở với 32 lao động. Thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng/người.

Từ khi được công nhận làng nghề gốm truyền thống, Thanh Hà chuyển đổi mạnh phát triển du lịch, thu hút khách tham quan. Từ tổng doanh thu hơn 2 tỉ đồng vào năm 2017, đến năm 2018, làng nghề thu về 17 tỉ đồng từ sản xuất kinh doanh gốm và phục vụ du lịch. 2019 là năm tăng trưởng "khủng" nhất của làng nghề với tổng doanh thu 24,3 tỉ đồng.

Để phục vụ du lịch tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng như tạo điểm nhấn cho làng nghề, các nghệ nhân của làng gốm Thanh Hà đang trổ tài chế tác tượng linh vật rồng.

Năm nay, 4 thợ giỏi của làng được chọn và khuyến khích trổ tài, trong đó có thợ giỏi trẻ mới 30 tuổi Nguyễn Viết Lâm.

Lâm và vợ là Trần Thị Tuyết Nhung mở cơ sở gốm Sơn Thủy sản xuất theo hình thức thủ công phủ thêm men, là sản phẩm mới của làng.

Năm nay Lâm chọn làm linh vật rồng thời nhà Nguyễn. Chất liệu mà anh chọn là cao lanh được nhập về từ Hà Nội. Sau quá trình chế tác, sản phẩm sẽ được phơi khô và đưa đi nung, sau đó sẽ phủ men màu cổ.

Cách đó mấy con ngõ, anh Lê Văn Nhật (35 tuổi) - chủ cơ sở sản xuất gốm Lê Văn Nhật - đang hoàn thiện những chi tiết của linh vật rồng.

Anh Nhật chọn làm hình tượng rồng cuộn bình gốm thể tích lớn, với ý nghĩa linh vật rồng trên sản phẩm đặc trưng của làng gốm. Ông Benjamin - du khách người Canada - cho biết ông và bạn đi du lịch dài ngày ở Việt Nam, khi đến Hội An tham quan làng gốm, ông rất khâm phục tay nghề của các nghệ nhân ở đây.

Ở xóm trên, ông Lê Văn Xê (67 tuổi) và con trai Nguyễn Văn Hoàng (38 tuổi) đã hoàn thành cặp rồng rất đẹp và đưa ra phơi nắng trước khi đưa vào lò nung.

Ông Xê cho biết, mỗi năm phường đều ra chủ đề sản xuất linh vật lớn để phục vụ trưng bày cho làng gốm. Năm nay, có 4 hộ tham gia, trong đó có cha con ông.

Cặp rồng mà cha con ông Xê làm lớn nhất làng, với nguyên liệu là đất sét lấy ở TX Điện Bàn bên cạnh. Vì chất liệu đất sét này không "xịn" bằng đất sét ở các vùng phía bắc nên việc pha trộn, nhào nặn nguyên liệu cũng như khâu nung ra thành phẩm sẽ khó hơn.

“Mỗi linh vật đại diện cho 12 con giáp đều có những cái khó trong quá trình tạo tác. Tuy nhiên linh vật rồng có nhiều chi tiết nên phức tạp hơn. Không những vậy, con rồng là giả tưởng, không có ngoài thực tế nên cũng phụ thuộc vào sự cảm thụ và thổi hồn của người nghệ nhân, đồng thời lại phải gần giống với ý niệm về rồng của đại chúng nên cũng là một cái khó”, ông Xê chia sẻ.

Hiện, các nghệ nhân của làng gốm Thanh Hà đang miệt mài hoàn thiện sản phẩm. Sau quá trình phơi nắng, sản phẩm sẽ được đưa vào lò điện để nung. Sản phẩm hoàn thiện sẽ được đưa ra trưng bày tại các điểm tham quan của làng, trường học…

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh - Phó chủ tịch UBND phường Cẩm Hà - cho biết: Năm 2023 có 55.000 lượt khách đến làng gốm tham quan, thu về 19,3 tỉ đồng. Phường đặt mục tiêu phấn đấu năm 2024 sẽ đón lượng khách và nguồn thu bằng năm 2019".

"Những linh vật mà các thợ và nghệ nhân của làng đang chế tác sẽ là một phần của sản phẩm du lịch, giúp thu hút du khách tham quan dịp Tết”, bà Hạnh nói.

Lê Đình Dũng- Báo PN

Go top