Tin tức

Tin tức

Văn hóa Tết Hội An

Văn hóa Tết Hội An là sự kết hợp những lễ nghi, phong tục, tập quán của văn hóa gốc Việt kết hợp với sự giao thoa, tiếp biến văn hóa với các địa phương, quốc gia khác trong bối cảnh ra đời và phát triển của thương cảng quốc tế Hội An sầm uất thế kỷ 17, 18. Đến nay những nét văn hóa đẹp ấy vẫn được người dân Hội An giữ gìn và phát huy. Vì thế, Tết cổ truyền Hội An luôn là dịp thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là du khách quốc tế đến khám phá, trải nghiệm.

Người Hội An thường bố trí cặp hoa vạn thọ, cúc vàng, mai vàng hoặc chậu quật cảnh… ngay lối chính vào nhà dịp Tết. Ảnh: Eric Hồ

Đầu tiên phải kể đến là mùi thơm nhan trầm hương phảng phất, lan tỏa khắp các ngõ phố, nhà nhà trong khu phố cổ. Đây là đặc trưng nổi bật của vùng này. Vốn xuất phát từ một vùng đất buôn bán tấp nập, các mặt hàng xuất khẩu của Hội An, Quảng Nam xưa phong phú, đa dạng, trong đó trầm hương xứ Quảng từng là mặt hàng được giới thương gia nước ngoài đánh giá cao. Vào đêm phố cổ 14 âm lịch, buổi sáng sớm, hoặc những ngày cúng kiếng, đặc biệt vào dịp Tết ở Hội An không thể thiếu nhan trầm. Hương trầm thơm dịu nhẹ trong không gian cổ kính, nhằm cầu mong những gì may mắn, tốt đẹp, xua đuổi những gì không hay.

Đốt nhan trầm (đốt giác) Ảnh: Trầm hương Hội An

Bánh in là một loại bánh truyền thống của Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung. Bánh được làm từ bột nếp kết hợp với đậu xanh hoặc một số nguyên liệu khác. Ngoài bánh in, còn có bánh lăn hay còn gọi là bánh da, bánh tổ là những loại bánh truyền thống được làm hoàn toàn thủ công đến nay vẫn còn phố biến trong đời sống người địa phương. Vào dịp Tết, các loại bánh này thường đặt trên bàn thờ gia tiên một cách trang trọng, gói ghém trong đó một niềm hy vọng về một năm mới vẹn tròn, giòn giã, như ý.

 

Trên mâm cúng Tất niên, giao thừa… ở Hội An thường có thêm các loại bánh truyền thống khác như bánh chưng, bánh tét và mâm ngũ quả. Đó là những nét văn hóa đặc sắc của người Việt mà khi dòng chảy văn hóa vào phía nam, dù trải qua quá trình giao thoa với các nền văn hóa khác thì người Hội An vẫn luôn giữ gìn những giá trị tốt đẹp của dân tộc.

Bánh in Hội An. Ảnh: internet

Trước cửa hoặc cổng nhà, người Hội An thường bố trí cặp hoa vạn thọ, cúc vàng, mãn đình hồng, mai vàng hoặc chậu quật cảnh… đặt ngay ngắn ở lối chính vào nhà. Sắc hoa khoe sắc với hy vọng về một năm phát tài phát lộc, sum xuê, đủ đầy.

Thư pháp ngày xuân. Ảnh: Thanh Sơn 

Các trò chơi dân gian như hát bài chòi, bịt mắt đập nồi, hát sắc bùa, chơi cờ người, lô tô cũng diễn ra sôi nổi trong dịp Tết cổ truyền Hội An. Ngoài ra hình ảnh câu đối đỏ, cây nêu ngày Tết, gióng chuông chiêng trống… cũng xuất hiện ở nhiều nơi, nhằm cầu mong một năm đầy vui vẻ, thành công và tốt đẹp đến mọi người mọi nhà.

 

Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An

 

 

 

Go top