Như một điểm hẹn văn hóa tâm linh, vào dịp Tết Nguyên tiêu mỗi năm (rằm tháng Giêng, nhằm ngày 15-16 âm lịch) các di tích ở Hội An đón tiếp đông đảo người dân Hội An và khu vực lân cận như Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ… về dâng lễ, thắp hương cầu mong bình an, may mắn, hạnh phúc trong năm mới, cũng như đón tiếp một lượng lớn du khách tham quan khác từ các nơi đổ về.
Người dân và du khách xin xăm, xin lộc và dâng lễ trong lễ Nguyên tiêu
Du khách thắp hương, khấn vái tại các di tích
Du khách tham quan Hội quán Phúc Kiến
Những nhan hương vòng cầu bình an, may mắn bên trong các di tích
Theo tục lệ truyền thống, Tết Nguyên tiêu cũng là dịp cúng tế xuân, cầu an đầu năm tại các công trình tín ngưỡng của cộng đồng. Các địa điểm như chùa Ông (còn gọi là Miếu Quan Công, nằm ở số 24 Trần Phú); Hội quán Phúc Kiến (còn gọi là chùa Phúc Kiến, nằm ở số 46 Trần Phú); Hội quán Quảng Đông (176 Trần Phú); đình Hội An (27 Lê Lợi); đình Sơn Phong (350 Nguyễn Duy Hiệu); Chùa Cầu (Trần Phú); Minh Hương Phật Tự (13 Nguyễn Huệ) năm nay đều tổ chức phục vụ nhân dân và du khách đến dâng hương. Trong đó di tích chùa Ông và Hội quán Phúc Kiến vào sáng sớm dịp lễ Nguyên tiêu đã có người xếp hàng chờ đến lượt vào dâng lễ, xin xăm.
Múa Lân- Sư- Rồng trong lễ hội Nguyên tiêu
Các địa điểm tổ chức lễ hội Nguyên tiêu hiện nay đều là những điểm tham quan nổi tiếng tại Hội An. Các di tích độc đáo này không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, lịch sử, văn hóa mà còn mang giá trị tâm linh sâu sắc trong đời sống của người địa phương. Với một vùng đất có bề dày lịch sử như Hội An, văn hóa tâm linh góp thêm nhiều sắc thái đặc trưng về văn hóa, tạo nên vẻ thu hút không trùng lặp của thành phố trong mắt du khách bốn phương.
Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An