Ở đâu thì không rõ chứ ở Quảng Nam, Hội An thì biển đảo có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế và định vị bản sắc văn hóa. Trong quá khứ cũng vậy và hiện nay cũng vậy. Có thể nói thời kỳ nào mà chính quyền và cộng đồng dân cư biết dựa vào biển, biết quản lý và khai thác hợp lý các thế mạnh của biển đảo thì thời kỳ ấy kinh tế phát triển ngoạn mục và giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ và ngược lại, một khi không mặn mà với biển đảo thì kinh tế và văn hóa có sự chững lại.
Trên phương diện văn hóa vật thể, quá trình tổ chức cuộc sống dựa vào môi trường địa – sinh thái biển đảo đã hình thành nên các cộng đồng dân cư làng vạn chuyên nghề đánh bắt, khai thác, nuôi trồng hải sản. Rồi gắn với làng vạn là các vạn nghề chuyên về buôn bán, dịch vụ đường biển hoặc dựa vào biển, trong đó có những vạn ghe bầu từng nổi tiếng một thời như vạn Bàn Thạch, vạn Cẩm Phô, vạn Thanh Châu, vạn Tam Kỳ, vạn An Hòa…
Ở phương diện văn hóa phi vật thể, yếu tố biển đảo để lại dấu ấn khá rõ nét ở các hình thái, loại hình văn hóa từ tiếng nói chữ viết cho đến phong tục tập quán, lễ hội, diễn xướng, ngữ văn, tri thức dân gian…
Dấu ấn của biển đảo thể hiện rất rõ nét trong các loại hình văn hóa văn nghệ dân gian ở Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng và là cơ sở quan trọng để khẳng định truyền thống tương tác và thích nghi mạnh mẽ với biển đảo của người Việt.
Truyền thống là di sản của quá khứ nhưng nó phải được kế thừa và phát huy trong cuộc sống đương đại. Cần phải làm sống lại truyền thống và như vậy truyền thống mới thực sự có giá trị. Và có thể thấy hiện nay, văn hóa dân gian đang sống một cách mạnh mẽ cùng đời sống hiện tại. Nó không phải là cũ, là quá khứ hay đứng yên một chỗ. Văn hóa dân gian như một dòng chảy vậy. Càng được nâng niu, gìn giữ, càng bật lên những giá trị sâu sắc… Những giá trị cần được “thấu hiểu - bảo tồn - phổ biến - diễn xướng”. Trong quá trình này, văn hóa dân gian sẽ chịu theo quy luật đào thải của tự nhiên, tức là những gì là hồn cốt, là tốt đẹp sẽ được giữ lại, còn những gì chưa đẹp sẽ tự bị mất đi.
Văn hóa dân gian là văn hóa gốc để tạo nên bản sắc văn hóa của từng vùng miền, từng quốc gia. Để phát huy được văn hóa dân gian trước hết cần phải nhận diện được các giá trị của nó, cần có sự trân trọng, yêu quý di sản của các thế hệ cha ông đã bồi đắp lên và truyền lại. Thứ nữa là phải có các hình thức để giới thiệu, quảng bá các giá trị và truyền sự trân trọng, yêu quý di sản văn hóa dân gian cho thế hệ trẻ. Về cách làm thì có nhiều cách, trong đó có thể kể như đưa dân ca vào giảng dạy trong nhà trường; tổ chức dạy dân ca và hội thi; sử dụng công nghệ thông tin để giới thiệu các trò chơi dân gian; giới thiệu về ca dao, tục ngữ, lễ hội; tôn vinh và đãi ngộ các nghệ nhân dân gian; xây dựng các sản phẩm văn hóa dân gian của các địa phương và quốc gia...
Để cho thế hệ trẻ hiểu và thích, trân trọng chèo, hát bội, bài chòi là trách nhiệm của các thế hệ đi trước, nhất là các nhà quản lý - hoạch định chính sách và các nhà chuyên môn. Trước hết là phải cho thế hệ trẻ/giới trẻ nhận thức được giá trị của các loại diễn xướng này bằng nhiều con đường, nhiều cách thức thông qua truyền thông, giáo dục, tuyên truyền giới thiệu. Đồng thời trên cơ sở truyền thống cần có những đổi mới phù hợp để thu hút sự quan tâm của giới trẻ, ví dụ rút ngắn thời gian trình diễn bằng cách xây dựng nội dung mới, lồng ghép kỹ thuật hiện đại về âm thanh, ánh sáng…
Trần Văn An - Nguyên Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An
Theo Báo Quảng Nam