Tin tức

Tin tức

Vai trò của lĩnh vực thiết kế đối với Thủ công và Nghệ thuật dân gian

 

Trong 7 lĩnh vực sáng tạo mà UNESCO ghi danh thì thủ công và nghệ thuật dân gian là lĩnh vực nổi trội, tiêu biểu được Hội An lựa chọn, đăng ký xây dựng hồ sơ tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo. Song trên thực tế, ở vùng đất đa diện về văn hóa như Hội An, sáu lĩnh vực còn lại là thiết kế, ẩm thực, điện ảnh, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc cũng rất phong phú và có đủ nguồn lực để thúc đẩy phát triển mạnh trong đời sống xã hội. Xét trong mối quan hệ với thủ công và nghệ thuật dân gian, có thể thấy các lĩnh vực nói trên có vai trò là chất xúc tác, tương hỗ, thúc đẩy đắc lực cho thủ công và nghệ thuật dân gian trở nên thăng hoa, tiếp biến không ngừng trong diễn trình phát triển của thành phố.

Xưởng Tái sinh của họa sĩ Nguyễn Quốc Dân

Nằm trong sự giao thoa mạnh mẽ giữa văn hoá bản địa với các nền văn hoá Đông - Tây, kế thừa những di sản và tiếp nối mạch nguồn thương cảng trên bến dưới thuyền xuyên suốt nhiều thế kỷ, Hội An chứa đựng nhiều loại hình kiến trúc của nhân loại. Trong đó tiêu biểu là các công trình đậm chất kiến trúc Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc bên bờ sông Hoài, không chỉ làm nên quần thể di tích trong di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An mà còn tạo mối liên hệ mật thiết, khơi gợi ý tưởng, cảm quan sáng tạo, thiết kế đối với bao thế hệ người làm nghề truyền thống thủ công, chế tác như nghề mộc, xây dựng, nghề làm gốm, làm gạch, ngói, đóng sửa tàu thuyền, ghe bàu...

Đặc biệt, trong đời sống đương đại hiện nay, nhờ chủ trương giáo dục di sản trong cộng đồng, lối thiết kế kiến trúc mang dáng dấp cổ xưa vẫn được thể hiện đậm nét trong cách thiết kế không gian sống, không gian kinh doanh của người phố Hội. Những không gian thân thiện, hài hòa với môi trường, gần gũi với thiên nhiên, thô mộc, giản tiện đã đi vào đời sống và tâm thức cộng đồng, tạo nên những thiết kế phù hợp với cảnh sắc của đô thị cổ. Chính điều đó đã làm nên những màu sắc riêng của một đô thị phố trong làng, làng trong phố, làm chậm tiến trình đô thị hóa, phát huy được cả hai yếu tố sinh thái và văn hóa truyền thống trong thiết kế kiến trúc, đô thị. Không chỉ nhà ở mà các cơ sở kinh doanh lưu trú, các cơ sở dịch vụ nhà hàng, cà phê... ở Hội An cũng đều được thiết kế giàu chất sáng tạo từ những ý tưởng từ nghệ thuật dân gian và thủ công truyền thống của địa phương.

Bàn tay tài hoa từ làng gốm Thanh Hà, Hội An

Nguồn cảm hứng từ lĩnh vực thiết kế còn thể hiện sâu sắc trong một số nghề thủ công trong cộng đồng, như thiết kế nghề may đo, nghề làm đèn lồng, nghề mộc, nghề gốm…Yếu tố thiết kế được đưa vào trong từng sản phẩm thủ công tạo nên sự đa dạng, mới mẻ, đầy sáng tạo. Không chỉ tạo ra hàng triệu sản phẩm mỗi năm xuất khẩu đến các quốc gia trên thế giới, lĩnh vực thiết kế còn đem đến cảm hứng sáng tạo những công trình thể hiện sự tài hoa của những nghệ nhân làng nghề như Trụ gốm công viên Hội An, Trụ gốm công viên Hội An tại lòng thành phố kết nghĩa Thanh Hóa, Công viên gốm đất nung Thanh Hà, Khu vườn Hội An tại thành phố kết nghĩa Wernigerode... tôn thêm vẻ đẹp cho thiết kế kiến trúc đô thị từ các sản phẩm làng nghề của Hội An, hay sản phẩm đèn lồng thương hiệu Hội An được mang đi tô đẹp thêm nhiều vùng đất.

Đặc biệt, hiện nay, lĩnh vực thiết kế còn được nhiều nghệ sỹ, họa sỹ, kiến trúc sư, các đơn vị liên quan thiết kế nên những không gian mới như không gian chợ phiên làng chài Tân Thành, không gian làng nghề cũi lũ, không gian làng mộc Kim Bồng, Xóm thủ công, Xưởng tái sinh,... tạo nên sức sáng tạo từ các nghề thủ công truyền thống, đi liền với hơi thở của cuộc sống đương đại, vừa tạo nét mới mẻ, vừa truyền thống cổ xưa, làm cho Hội An đậm chất văn hóa đặc trưng.

Ngọc Cẩm – Lê Hiền

 

Go top