Dựng cây nêu là một tập tục truyền thống của cư dân Việt Nam nói chung, cư dân Hội An nói riêng. Từ xa xưa, để chuẩn bị ăn Tết, người ta thường lo mua sắm, làm bánh mứt, vệ sinh, trang hoàng nhà cửa… và dựng một cây nêu trước sân nhà, sân đình… Cây nêu là biểu tượng của sự trừ tà, trấn ác, ước mong bình an, mưa thuận gió hòa và khẳng định chủ quyền lãnh thổ đất đai của gia đình, làng xóm, cộng đồng.
Ảnh: Trung tâm QLBTDS
Ở Hội An, tục dựng nêu ngày tết có từ lâu đời gắn với quá trình lập làng xã của người Việt ở vùng đất mới phương Nam. Nét đẹp truyền thống này luôn được người Hội An gìn giữ, phát huy, trở thành hình ảnh lưu dấu những giá trị tết xưa của dân tộc.
Cây nêu là biểu tượng của sự trừ tà, trấn ác, ước mong bình an, mưa thuận gió hòa và khẳng định chủ quyền lãnh thổ đất đai của gia đình, làng xóm, cộng đồng. Chính vì vậy có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt từ bao đời nay.
Từ xa xưa, cây nêu được xem là biểu tượng thiêng liêng tránh những xui xẻo, trừ tà, trấn ác, ước mong bình an, mưa thuận gió hòa và khẳng định chủ quyền lãnh thổ đất đai của gia đình, làng xóm, cộng đồng...đem lại may mắn cho mọi người trong năm mới. Việc duy trì hoạt động này tại Hội An đã góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc.
Bắt đầu từ Tết Nhâm Thìn - 2012, lần đầu tiên thành phố Hội An tổ chức hội thi dựng cây nêu ngày Tết. Kể từ đó, cứ đến ngày 25 tháng Chạp, hơn 50 đình chùa, nhà thờ, miếu mạo và cả những nhà hàng phục vụ cho người nước ngoài trong phố cổ đồng loạt dựng nêu đón Tết.
Và trong hơn 11 năm qua, hoạt động dựng nêu ngày tết thu hút sự tham gia sôi nổi của các di tích, cơ quan, doanh nghiệp, trường học và các điểm sinh hoạt văn hóa thôn, khối phố trên địa bàn thành phố, góp phần tạo nên bức tranh xuân đa sắc màu tại địa bàn dân cư.
Cây nêu không chỉ mang ý nghĩa về mặt tâm linh mà việc trang trí cây nêu bài bản, đúng cách còn tạo thêm sắc xuân, không khí vui tươi của ngày tết; phản ánh ước vọng về cuộc sống hạnh phúc, bình an, ấm no, phát triển của người Hội An vào đầu năm mới.
Theo một số tư liệu xưa, tại Đàng Trong cũng như ở Hội An, tục lệ, cư dân thường dựng cây nêu vào những ngày cuối năm: Trong tác phẩm Gia Định thành thông chí được xuất bản vào thời Minh Mạng, đầu thế kỷ XIX, tác giả Trịnh Hoài Đức viết: “… tục xưa dựng nêu vào ngày ngày trừ tịch, tức ngày cuối cùng của năm và hạ nêu vào ngày Mồng 7 Tết”.
Trong sách Đại Nam thực lục chính biên, tập sáu: “… phần năm Ất Tỵ, Thiệu Trị, năm thứ 5 tức năm 1845, mùa Đông, tháng 12 về định lại ngày tế hợp hưởng có viết về việc dựng nêu như sau: tháng đủ, vào ngày 30, tháng thiếu vào ngày 29 tháng Chạp”.
Qua một số tư liệu lịch sử nêu trên, ngày dựng cây nêu nhằm ngày cuối cùng của một năm: vào ngày 30 nếu là tháng đủ ngày, vào ngày 29 Tết nếu là tháng thiếu. Tuy nhiên, tại Hội An, tư liệu dân gian cũng cho biết một số làng/xã có tục dựng nêu sớm hơn, từ 23 tháng Chạp trở đi.
Nguồn tin: Đài Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Hội An