Đặc biệt hò khoan Quảng Nam (hò khoan suông, hò khoan đối đáp…), hò ba lý, các làn điệu lý: Lý thương nhau, lý con sáo Quảng, lý con ngựa Quảng, lý vãi chài, lý thượng,… với chủ đề, nội dung, làn điệu hết sức đa dạng phong phú. Về mặt thi pháp, riêng làn điệu hò khoan trên cơ sở ca từ của câu thơ lục bát, lục bát biến thể,…
Những làn điệu này đã “tích hợp” mọi thể thơ bốn chữ, năm chữ,… đến thể ca từ tự do dài ngắn khác nhau như thể nói lối (tự do) trong hô hát bài chòi, hát bội,… để gieo vần kiểu “bắt vần lưng” hay “vần chân” kiểu “xuống xề” trong hát bài chòi. Chính sự “nới rộng” biên độ câu thơ lục bát này làm nên nét đặc sắc của hò khoan Quảng Nam, của trò chơi dân gian bài chòi (khi bài chòi vận dụng các làn điệu hò khoan, các làn điệu dân ca hò, lý, vè xứ Quảng hay các ca khúc mới giàu chất liệu dân ca,… trong hô/hát). Ngay trong lối hát ru vùng biển đã có những câu dài ngắn đầy chất phóng khoáng tự do nhưng giàu nhạc điệu vì vần „con còng nằm bực biển con còng co - con sóng xô, con còng chạy, ngọn gió lò, con còng lui - lòng ta thương bạn chưa nguôi - bạn ăn ở sao cho con nước chảy xuôi không ngừng”; “làm nhà ở dựa bực sông - đêm nghe con cá quẫy, ngày trông con chim gù - em lấy chồng rồi thời xuất giá tòng phu - chứ dầu ai lên võng xuống dù mược ai”; „gánh một gánh cá trích - leo lên hòn núi bích - nó rớt cái bịch - nghèo mà nó rớt một con - uổng công mình trèo núi lội non - trốn cho hết cực, cực còn chạy theo”…
Diễn xướng dân gian ở Hội An chủ yếu là diễn xướng nghi lễ trong các lễ tục, lễ hội như hát múa bả trạo - cầu ngư cúng Ông (Cá Ông Voi) nhằm phục dựng quá trình ra khơi đánh bắt của ngư dân, tình huống thiên tai được Ông “cứu hộ độ sinh” đến bờ an toàn khiến Ông “lụy”, sau hết là cảnh tang lễ Ông và cảnh tôn xưng công đức trời biển của Ông với ngư dân.
Các diễn xướng nghi lễ thường được thực hiện trong các lễ tục vía nhân thần, nhiên thần thường là phần xướng tế (nghi thức cúng, đọc văn cúng). Một loại hình diễn xướng phổ biến ở Hội An là tục hát kết hợp cảnh diễn trong tang ma (hát đưa linh) và nghi thức này đã “dịch chuyển” thành cảnh diễn nghi lễ trong hát múa bả trạo - cúng Ông (7).
Cũng ở phần kết cấu của diễn xướng Bả trạo - ngay trong phần nghi lễ đã có cảnh diễn đan xen mang tính chất hội hè - thông qua cảnh diễn “câu cá - hát vè đố cá” của Tổng Khậu” - “cắt ra nhiều khúc - cắt ra nhiều khúc - là con cá chình - trai gái rập rình - là chú cá ve - nói phải không nghe - là con cá lạt…”, ngoài ra trong nghi thức đưa linh Ông còn có cảnh diễn múa đèn (màn diễn xướng bả trạo phường Cẩm Nam).
Kết cấu diễn xướng nghi lễ ở Hội An một mặt bảo đảm tính nguyên hợp của văn hóa dân gian - khi mà các loại hình xướng tế, hát/múa, nhạc lễ, mỹ thuật trang trí đều “tích hợp” trong một thể thống nhất, không chia tách - mặt khác tính tiếp biến, “triển nở” các loại hình văn nghệ dân gian khác như “nói thơ”, “nói kẻ”, hát nam, hát khách, ngâm thơ,… (trong hát bội), đố vè,… làm cho lễ hội bả trạo - cầu ngư thêm sinh động trong phần hội.
Một loại hình diễn xướng thuần mang tính chất giải trí của trò chơi/trò diễn dân gian là trò hô hát bài chòi. Diễn xướng trò chơi dân gian bài chòi là loại hình kết hợp của các loại hình âm nhạc (hô/hát, nhạc đệm), sân khấu (ca/diễn, dân ca), văn học (ngôn ngữ của ca từ, ca dao, tục ngữ, vè,…), mỹ thuật (bộ bài Tới, trang trí chòi, trang phục anh chị Hiệu, người chạy cờ, ống nọc, cờ xí,…). Quá trình cuộc chơi - về phần hô hát, anh Hiệu bước ra giữa sân đến chòi cái, xóc cỗ bài trong ống nọc, rút từng con bài, hô bài vè/bài thơ về con bài, hô lên cho các chòi con “ăn”/ “tới” con bài mà mình có trong tay cho đến khi “trúng” cả ba quân bài hết một ván chơi.
Có thể nói nghệ thuật dân gian tại Hội An đa dạng, phong phú sắc màu. Nó phản ánh đầy đủ những nét văn hóa đặc sắc từ vùng non cao cho đến miền biển, hải đảo và cả vùng trung du, đồng bằng. Qua mỗi câu từ, làn điệu đều chất chứa những dấu ấn riêng vùng miền. Tất cả đều mang tính chất thống nhất trong đa dạng.
Nhà nghiên cứu Văn hóa Phùng Tấn Đông