Không gian sáng tạo

Không gian sáng tạo

Tính sáng tạo và hội nhập quốc tế qua sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An- Nhật Bản

Sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An- Nhật Bản đã trải qua tuổi thứ 19. Năm nay, càng ý nghĩa hơn khi Việt Nam- Nhật Bản kỷ niệm tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023). Trong 3 ngày diễn ra sự kiện từ 4 - 6/8 tại Khu phố cổ Hội An và Vườn tượng An Hội, thành phố đã tổ chức các hoạt động thú vị mang ý nghĩa thiết thực, trải nghiệm văn hóa theo chiều sâu để giúp nhân dân và du khách thẩm thấu văn hóa 2 quốc gia một cách sâu sắc.

 

Các chương trình năm nay được đánh giá mang nhiều tính mới lạ và sáng tạo. Ngoài các hoạt động đã trở thành thường lệ như thư pháp Nhật Bản, chương trình giao lưu nghệ thuật, tái hiện đám cưới công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Araki Sotaro… Năm nay, thành phố Hội An phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng và các đơn vị, địa phương Nhật Bản tổ chức thêm một số chương trình mới hấp dẫn như Cắm hoa Ikebana, lồng ghép nhiều yếu tố mới trong các chương trình trình diễn nghệ thuật, trưng bày điêu khắc gỗ “Thương cảng Hội An xưa”, triển lãm tranh sơn mài của nghệ sĩ Saeko Ando. Trong đêm khai mạc, trích đoạn vở opera nổi tiếng “Công nữ Anio” lấy cảm hứng từ câu chuyện tình yêu có thật đã kết nối nhân duyên Việt- Nhật nửa ngàn năm trước giữa công chúa Ngọc Hoa cùng thương nhân Araki Sotaro ở tỉnh Nagasaki…

 

Tổng quan chung, các chương trình tổ chức đều chứa đựng các giá trị sáng tạo bên trong. Các nghệ sĩ đã đặt tình yêu và niềm đam mê trong mỗi nét vẽ, điêu khắc… Các tác phẩm sáng tạo trên nền thiên nhiên, con người Hội An là trọng tâm như nghệ sĩ Lê Ngọc Thuận với triển lãm củi lũ “Thương cảng Hội An xưa”, hay triển lãm tranh sơn mài “Vũ trụ vi mô x Vũ trụ vĩ mô - Hội An, nơi tôi sống giữa hai vũ trụ-”của nghệ sĩ Saeko Ando, Nhật Bản…

 

Các em thiếu nhi Hội An đã trải nghiệm một buổi sáng đầy ý nghĩa tại Vòng cung Chùa Cầu qua các tác phẩm vẽ tranh mang thông điệp lớn, kết nối tình hữu nghị Việt – Nhật. Mỗi nét vẽ chứa đựng bên trong các giá trị  văn hóa, sáng tạo. Có thể nói tính sáng tạo tại Hội An luôn phát triển và được đầu tư, chú trọng đến các thế hệ mai sau.

 

Chương trình nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu trong đêm khai mạc hay các chương trình giao lưu nghệ thuật là một sự tìm tòi, khám phá mới được lồng ghép tinh tế. Làm sao để mỗi lần biểu diễn phải có sự thay đổi mang đến cho người xem tính mới lạ, tránh khỏi sự nhàm chán. Để làm được những điều đó, đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên môn am hiểu về văn hóa và giỏi nghệ thuật. Cần một sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố truyền thống và đương đại một cách hài hòa, thống nhất là yếu tố then chốt trong các kịch bản chương trình. Trên nền văn hóa, văn nghệ dân gian đa dạng, với nhiều yếu tố nổi bật, lớp hậu sinh hôm nay đã kế thừa, giữ gìn và được đầu tư phát triển, đưa nghệ thuật dân gian tại Hội An bén rễ lâu bền trong đời sống nhân dân và còn lan tỏa ra bên ngoài.

 

Trong quá trình gia nhập hệ thống sáng tạo toàn cầu, Hội An đã chọn hai lĩnh vực Nghệ thuật dân gian và Nghề thủ công, điều này xuất phát từ căn cơ lâu đời và đây cũng là các thế mạnh nổi trội nhất. Hy vọng trên đà này, Hội An sẽ phát triển mạnh hơn nữa các loại hình nghệ thuật truyền thống, làm hồi sinh những giá trị vĩnh hằng mà cha ông đã tạo nên trong hành trình sáng tạo đầy cam go.

 

Thông qua sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An- Nhật Bản tổ chức thường niên, yếu tố giao lưu quốc tế là cơ sở để văn hóa Hội An nói riêng và Quảng Nam, Việt Nam nói chung sẽ trở thành một dòng chảy trong nền văn hóa nhân loại, ở đó văn hóa xứ Hội luôn có dịp tiếp biến và sáng tạo.

Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An

Go top