Như vậy, mỗi con bài là một bài hô, bài vè/thơ dẫn dắt về đặc điểm, tính chất, ý nghĩa của quân bài theo kiểu câu đố, buộc người nghe phải phán đoán, suy xét tên quân bài. Dưới góc độ trò chơi, mỗi bài hô là một khoảng lặng để suy đoán, chờ đợi - cho đến khi anh Hiệu xướng tên quân bài một cách sáng tỏ - tạo nên khoái cảm thẩm mỹ của trò chơi/trò diễn như khi anh Hiệu hô: “đi đâu mang tráp đi hoài - cử nhân không thấy tú tài cũng không”(đáp án là quân “nhứt trò”),...
Ngoài chất giọng tốt, khả năng “ứng tác” giỏi, đặc biệt là luôn có nhiều phương án thay đổi nội dung bài hô để tăng tính hấp dẫn, kích thích khả năng suy đoán của người chơi, anh Hiệu còn là người diễn viên đa năng, tài hoa khi phải luôn thay đổi làn điệu, loại hình hô/ca của mình như khi xen vô lối hô một vài câu hát bội, vài làn điệu hò, lý, vè, ngâm,... của dân ca, của biểu diễn thơ.
Về cái tên “hô bài chòi” - các nhà nghiên cứu cho rằng “lâu nay “hô bài chòi” thường bị hiểu lầm “là bắt nguồn từ tên “con bài” trong bộ bài trùng, với việc “hô” tên con bài trong trò chơi bài chòi. Trong trò chơi bài chòi thì “việc “hô”không hoàn toàn chỉ là việc tuyên bố tên con bài, mà là một thể loại trong diễn xướng dân gian xưa gồm: hò, hố, hô, lý,... “Hô” là thể gốc trong ca nhạc phù thủy có lẽ do bắt nguồn từ việc “hô phong hoán vũ” (kêu mây gọi gió). Rồi từ đó hình thành thể loại “hô bài” trong dân ca miền Nam Trung Bộ. “Hô bài” không phải là “hô tên con bài” như hiểu nhầm sau này, mà là hô một bài vè. Giọng điệu “hô” trong âm nhạc phù thủy và giọng điệu “hô bài” nguyên sơ mang sắc thái “tấu” nhiều hơn là ca hát. Cũng xin nói thêm rằng, trong diễn xướng dân gian, các thể hò, hố, hô được áp dụng cho những điệu diễn xướng tự do, chưa có kết cấu khúc thức và các thể hát, lý, ca được áp dụng cho các ca khúc dân gian” (8).
Hô bài chòi ở Quảng Nam còn gọi là hô thai, có gốc từ trò chơi thai đề xổ cổ nhơn (cử nhân). Hội chơi xổ cổ nhơn diễn ra vào dịp tết âm lịch, tương truyền ban đầu chỉ là một trò chơi nhỏ trong cộng đồng người Hoa, sau dần người Minh Hương, người Việt có chữ nghĩa đều tham gia vì trò này tương tự như trò “thả thơ” - nghĩa là xem câu thai (câu đố) rồi suy đoán ý nghĩa của quân bài được đố. Hô thai xổ cổ nhơn - được lý giải khác nhau - có người cho rằng “cổ nhơn” là “người xưa - lối giải trí của người xưa truyền lại, dựa vào cách suy luận, ý nghĩa của từ, ý ẩn trong câu thơ, câu văn - thể loại hội chơi mang tính chất văn chương” (9).
Có người cho rằng khi thắng cuộc chơi thì người thắng cuộc xứng đáng với danh hiệu “cử nhân” - một học vị tương đối cao khi học trò ngày trước đỗ đạt trong khoa thi Hương. Trong trò chơi thai đề - khi ban tổ chức “khui đề”/mở đáp án thai đề - người ta hô cả câu thai đố và tên con vật/sự vật được “ra đố” lên cho mọi người tham gia chơi được biết gọi là “hô thai”.
Trong quá trình hô/hát suốt diễn trình lịch sử trên vùng đất Nam Trung Bộ, âm nhạc trong trò chơi/trò diễn bài chòi đã có một bước tiến quan trọng. Về nghệ thuật hô/hát, điệu hô bài “với một điệu thức sơ khai, chỉ hô theo nhịp trống, không có nhạc đệm, đã phân hóa thành bốn điệu thức: Cổ bản, xàng xê, xuân nữ, Hồ quảng, dựa vào các điệu mang tên ấy của nhạc lễ dân gian. Về sân khấu, từ một diễn viên có thể kiêm nhiều vai, ăn mặc giản đơn, tiến đến phân vai và trang phục theo nhân vật (“từ đất lên giàn”)” (10)
Như vậy, nói lối là hình thức mở đầu trong diễn xướng bài chòi. Nói lối là nói có vần, có lối, những bài thơ dân gian. Nói lối trong diễn xướng bài chòi “là hát một nét giọng nào đó và hát một cách tự do không nhịp điệu không tiết tấu. Tuy nhiên, không phải tự do thế nào cũng được mà cách ngân các âm dài ngắn, to nhỏ, trầm bổng phải tùy theo sự diễn đạt tình cảm của nội dung” (11).
Mở đầu bài chòi không phải lúc nào cũng nói lối mà có thể có nhiều cách khác nhau như:
-
- Nói lối xuống hò vào hát;
- Nói lối không xuống hò vào hát;
- Không nói lối vào hát ngay;
- Nói thường vào hát.
Trong đó - cách thứ nhất, nói lối xuống hò vào hát thường có trong bài chòi đơn diễn (một anh Hiệu), các cách còn lại thường có trong song diễn (hai anh/chị Hiệu) và trong sân khấu ca kịch. “Xuống hò” được hiểu là phần tiếp của nói lối, xuống hò đóng vai trò để lấy hơi, để ổn định điệu thức hoặc để “kết đoạn” sau một đoạn hát. Mục đích xuống hò trong bài chòi là: dừng ở âm chủ điệu sau đoạn nói lối; dừng ở âm chủ điệu ở đoạn kết sau một đoạn hát; dừng kết đoạn và cũng là để anh Hiệu nghỉ lấy hơi; thể hiện tình cảm một cách sâu sắc, đậm đà hơn. Hát bài chòi từ lối chơi dần dần trở thành một phương thức diễn xướng dân ca.
Về làn điệu bài chòi - làn điệu được hiểu là yếu tố cơ bản trong cấu trúc chỉnh thể dân ca có tính ổn định và bền vững, đóng vai trò chủ đạo trong việc tổ chức, chi phối, điều tiết lời thơ và diễn xướng - theo nghiên cứu của nhạc sĩ Hoàng Lê thì âm nhạc bài chòi có 6 làn điệu chính và 5 biến điệu phụ. “Sáu làn điệu chính là: Xuân nữ cổ, điệu xuân nữ mới, điệu xàng xê lụy, điệu xàng xê dựng, điệu cổ bản và điệu Hồ quảng. Năm biến điệu phụ gồm: Xuân nữ cổ, xuân nữ chuyển pha, xuân nữ chuyển mi, cổ bản chậm và cổ bản xóc” (12).
Như vậy diễn xướng bài chòi luôn thu hút người xem/nghe ở tính chất trò chơi ngôn ngữ của nó - tính chất này tùy thuộc vào tính “ứng tác” của anh Hiệu về tên quân bài. Trong tính dị bản của văn học dân gian, bản thân bài chòi mỗi lời hô đã sẵn có nhiều dị bản. Lời hô tên quân bài mỗi lần chơi đều được hô/diễn khác nhau và thường có nội dung gắn với đời sống của người chơi ứng vào mỗi thời điểm khác nhau. Về mặt âm nhạc - do tính mở của văn bản lời hô/diễn nên bài chòi luôn “dung nạp” các làn điệu hò, lý, vè, thậm chí các ca khúc mới có chất liệu âm nhạc dân gian địa phương. Người ta nói “bài chòi luôn luôn mới, mỗi năm mỗi mới” ở ý nghĩa như vậy.
Khảo sát một vài đặc trưng có tính chất sáng tạo thông qua tiếp biến/giao lưu văn hóa của folklore vùng Hội An để chúng ta có cơ sở nhận diện các giá trị văn hóa - lịch sử, giá trị nghệ thuật để đặt vấn đề làm thế nào bảo tồn, phát huy các giá trị ấy trong thời hiện tại.
Nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Tấn Đông