Nghệ thuật dân gian

Nghệ thuật dân gian

Tiếng thơm Bài chòi Hội An

Bài chòi là một thú chơi khá phổ biến của người dân các tỉnh thuộc miền Trung Việt Nam vào mỗi dịp đầu xuân hoặc hội hè, đình đám, lễ lộc… nhưng có một thời gian dài bài chòi chỉ là hoài niệm đẹp của thời xưa cũ.

Với những nỗ lực phục hồi và phát huy loại hình nghệ thuật Bài chòi gắn với đời sống, Hội An đã góp phần tạo ra “tiếng thơm” và sức lan tỏa để Bài chòi mièn Trung Việt Nam trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bài chòi là một thú chơi khá phổ biến của người dân các tỉnh thuộc miền Trung Việt Nam vào mỗi dịp đầu xuân hoặc hội hè, đình đám, lễ lộc… nhưng có một thời gian dài bài chòi chỉ là hoài niệm đẹp của thời xưa cũ.

Với những nỗ lực phục hồi và phát huy loại hình nghệ thuật Bài chòi gắn với đời sống, Hội An đã góp phần tạo ra “tiếng thơm” và sức lan tỏa để Bài chòi mièn Trung Việt Nam trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

 

*Dấu ấn sáng tạo:

Chỉ từ khi có Đêm rằm phố cổ Hội An (1998), bài chòi mới xuất hiện trở lại với hình thức “hội” chơi và được phục hồi những nét văn hoá đặc sắc của nó. Không phải là chiếc nôi của bài chòi nhưng với ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá của ông cha, người Hội An đã tạo được một vị thế đặc biệt cho loại hình văn hoá phi vật thể này. Năm 2004, cùng với “Đêm phố cổ Hội An”, bài chòi Quảng Nam được trao giải thưởng “The Guide Award” – giải thưởng du lịch – dịch vụ uy tín nhất Việt Nam được tổ chức thường niên, sánh vai với cồng chiêng Tây Nguyên (lúc đó đang được đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại) cùng các loại hình: quan họ Bắc Ninh, rối nước Hà Tây, ca trù Hà Nội, ca Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ… Và hiện nay, trò chơi bài chòi đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu được của người dân và du khách thập phương khi đến tham quan, thưởng lãm khu phố cổ – di sản văn hoá thế giới. Năm 2017, nghệ thuật Bài chòi Miền Trung Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Những thước phim tư liệu của hồ sơ quốc gia Nghệ thuật bài chòi trình UNESCO công nhận được quay rất nhiều cảnh và hoạt động ở Hội An. Thạc sĩ văn hóa Phùng Tấn Đông trao đổi: “Cách làm của Hội An có thể nói là cách làm phục hồi bài chòi một cách mạnh mẽ nhất, tức là đã đưa bài chòi gắn với đời sống.  Đó là yếu tố thứ nhất. Thứ hai là những diễn viên không chuyên, dân gian của Hội An đã sống được bằng bộ môn nghệ thuật bài chòi, tức là bài chòi trở thành một sản phẩm du lịch. Thực sự như vậy! Trong quá trình làm hồ sơ để trình UNESCO công nhận di sản bài chòi là di sản phi vật thể của nhân loại thì Hội An trở thành một bộ phận rất quan trọng trong việc thực hành văn hóa bài chòi, tức là thực hành trò diễn bài chòi trong đời sống đương đại”.

Nhìn lại quãng đường nỗ lực phục hồi đã qua (từ 1998 đến nay), tuy không dài nhưng ghi dấu ấn sáng tạo và nỗ lực lớn lao của những người làm văn hoá ở Hội An. Từ chỗ chỉ còn là trò chơi đánh bài tới (6 người), bài trùng (4 người) ở nhà, ở hàng xóm rồi tiến đến sân đình (ngồi chiếu). Từ đất lên dàn (tre) rồi lên chòi, bài chòi chỉ là trò chơi dân gian thông thường của những nông dân có giọng hát hay, có tài hô diễn trong các cuộc vui của thôn xóm. Được chơi bài chòi là dịp để người chơi thả mình thư giãn trong tiếng trống rộn ràng, trong giọng hô hát nồng nàn ấm áp với những lời ca bình dị, ứng đáp nhanh nhạy thông minh, giàu hình ảnh, gợi tưởng và cũng rất ý vị, khôi hài. Sau một thời lãng quên, đến khi Hội An đưa vào hoạt động trong các đêm phố cổ thì bài chòi còn được dàn dựng bài bản hơn: có chòi đẹp để ngồi, có trống chầu, trống con, có đàn cò, đàn nhị, song lan… để đệm khi hô hát và có trang phục, đạo cụ biểu diễn đẹp hơn. Cũng dần dà theo từng hội chơi, từ chỗ chỉ là trò chơi dân gian, Hội An đã dựng thành những tiết mục nghệ thuật hoàn chỉnh đúng phong cách “diễn xướng dân gian bài chòi” và liên tục được cử tuyển hoặc mời chọn tham dự các liên hoan nghệ thuật dân gian, dân ca cấp khu vực cũng như toàn quốc ở trong Nam ngoài Bắc.

*Lưu truyền thường xuyên:

Vang tiếng bay xa, liên tục những năm qua bài chòi Hội An được mời diễn giao lưu văn hoá và phục vụ các hội nghị cấp cao quốc gia cũng như quốc tế, từ Châu Âu (CHLB Đức, Hunggary), sang Châu Á (Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản) và Châu Úc… Dằng dặc suốt 12 tháng trong năm, trò chơi bài chòi luôn được tổ chức trong các cuộc hội lễ, biểu diễn nghệ thuật ở phố cổ cũng như phục vụ nhân dân trong và ngoài thành phố với hàng trăm lượt và tăng dần hàng năm mà vẫn không thoả được lòng mong chờ của người dân. Đó là minh chứng sinh động cho sức sống và sự lan toả của loại hình nghệ thuật dân gian này. Bây giờ, người dân Hội An hễ thấy không tổ chức trò chơi bài chòi trong những dịp vui vầy là như thấy trống vắng, hụt hẫng điều gì đó. Du khách trong và ngoài nước cũng vậy: hễ đến Hội An là nằng nặc đòi đi chơi bài chòi ngay. Hội An không phải là nơi sinh ra bài chòi nhưng ai cũng muốn đến Hội An để nghe hô bài chòi. Điều đó cho thấy Hội An có cách làm hay và tiếng thơm bài chòi đã vang xa… Anh hiệu trẻ Minh Nhanh – người trưởng thành từ trong phong trào hô hát bài chòi quần chúng, gắn bó với chòi chơi từ xã phường đến phố cổ cho biết: “Trò chơi này gọi là diễn xướng bài chòi nên chúng ta phải vừa hát vừa diễn để khách hiểu và biết được loại hình dân gian này. Dần dần sau đó khách yêu mến hơn và mỗi lần về Hội An, khách thường hay hỏi là trò chơi bài chòi ở đâu, mấy giờ để đến cùng tham gia chơi cho vui”.

 

 

Có được “hoa thơm trái ngọt”, những người làm văn hoá ở Hội An luôn tự hào về những giá trị văn hoá độc đáo của cha ông để lại. Ý thức “lần trong di cảo” luôn thường trực trong các lớp cháu con hôm nay! Càng không quên được bao nghệ nhân quần chúng bình dị nhiệt thành, bao lớp công chúng mê say theo tiếng trống lời hô của bài chòi. Và cũng không thể quên được những đóng góp tích cực, đầy tâm huyết của những người làm văn hoá lâu năm ở Hội An như nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Trương Đình Quang (ở Đà Nẵng, đã mất), bác Trần Sung, anh Phạm Phú Sương, Xuân Giá (ở Hội An, đã mất) và các anh chị đã và đang làm công tác nghiên cứu, sáng tác và sưu tầm văn hóa ở thành phố như: Võ Phùng, Trần Đình Châu, Trần Văn Nhân, Phùng Tấn Đông, Phùng Sơn… Đặc biệt, theo ông Võ Phùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam, người đã gắn bó lâu năm trong công tác quản lý và tổ chức các hoạt động hội thi, hội diễn, truyền lưu loại hình hô hát bài chòi ở Hội An là cần phải kể đến những đóng góp bền lâu, hiệu quả của các anh, chị hiệu tài năng và triển vọng ngay trên mảnh đất quê nhà như: Nguyễn Đáng, Ngọc Hụê (đã được phong tặng nghệ nhân ưu tú), Thu Hương, Lệ Nga, Văn Quí, Hạnh Hoa, Minh Nhanh, Thu Sang và lớp trẻ hơn đã xuất hiện thêm các em thiếu nhi… Đây là lớp nghệ nhân hô hát bài chòi thật sự hấp dẫn, đã góp phần đáng kể đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của đông đảo công chúng. Đó là những người yêu quê hương qua từng câu hò điệu lý, được nuôi nấng vỗ về từ dòng sữa, lời ru của Mẹ quê hương.     

Bài và ảnh: Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An

Go top