Chọn hướng du lịch sinh thái để phát triển du lịch Cù Lao Chàm (Hội An). Nhưng sản phẩm du lịch sinh thái vùng biển đảo này hiện vẫn còn hạn chế, cần tìm hướng đa dạng để thu hút khách!
Vùng biển đảo Cù Lao Chàm thuộc vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, được đánh giá là một trong những khu vực có độ đa dạng sinh học vào loại cao nhất Việt Nam với các loài san hô, cỏ biển, các loại thân mềm, các loại hải sản như tôm hùm, cá rạn…
Hệ sinh thái biển, rừng:
Trên địa bàn Cù lao Chàm hiện có 8 bãi biển, tập trung chủ yếu ở Hòn Lao, với tổng chiều dài khoảng 3100m, diện tích phần bãi cát khoảng 54.650m2. Phần lớn các bãi biển có chiều sâu bãi cát hẹp, dao động khoảng 10 – 25m. Các bãi cát trắng mịn xếp vào loại bậc nhất, có thảm thực vật xanh mượt và những hàng dừa thơ mộng với những khe nước tự nhiên đổ xuống từ trên cao và những hình đá kỳ thú, thảm rừng xanh mướt, rạn san hô đầy màu sắc… là những điểm thu hút đông đảo du khách dừng chân, ghé tham quan, đặc biệt là Bãi Chồng.
Trong những năm qua, du lịch Cù Lao Chàm không ngừng phát triển, thu hút một lượng lớn khách du lịch với các hình thức du lịch được khai thác chủ yếu là lặn khám phá đáy biển, ngắm san hô, cắm lều trại ở bãi biển và lưu trú cùng dân. Tuy vậy, các dịch vụ và sản phẩm du lịch vẫn còn nghèo nàn, chưa tạo được bản sắc, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của cư dân miền biển. Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam nói: “Nghề biển là một nghề rất mạnh của Cù Lao Chàm. Khi không đưa điểm mạnh đó vào và không tìm cách bảo tồn thì chúng ta thiếu quy hoạch phát triển bền vững bởi vì nghề đó là xương sống, là linh hồn của du lịch Cù Lao Chàm chứ chúng ta mới chỉ dựa vào thiên nhiên nhiều quá!”.
Cùng với những giá trị văn hóa đặc trưng của cư dân miền biển đảo, gắn bó lâu năm với nghề khai thác thủy hải sản, khai thác yến sào với những lễ hội dân gian, truyền thống như: lễ hội cầu ngư, giỗ Tổ nghề yến… Cù Lao Chàm còn có nguồn tài nguyên rừng đa dạng, độc đáo. Cán bộ và nhân dân trên đảo đang bảo vệ 580 ha và khoanh nuôi hiệu quả gần 460 ha rừng đặc dụng. Rừng Cù Lao Chàm có hơn 500 loài với nhiều loại lâm sản quý (như gõ, kiền kiền, dẻ, chua…), có hơn 220 loài cây làm thuốc, nhiều loại dược liệu quý (như mã tiền, sơn máu, ngũ gia bì…). Đặc biệt có 2 loại cây thuốc Nam quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam là cây Cỏ nhung và Trầm hương. Có 4 loài cây đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Viêt Nam công nhận là cây Di sản gồm: cây đa, 3 cây ngô đồng đỏ, cây nánh và cây nén cổ thụ tại Miếu tổ nghề Yến. Hệ động vật có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát, trong đó có loài Khỉ đuôi dài và chim Yến quý hiếm.
Thế nhưng, hiện nay du khách đến tham quan Cù Lao Chàm chủ yếu được trải nghiệm các loại hình du lịch sinh thái biển như: tham gia các hoạt động thể thao biển, tắm biển, lặn ngắm san hô; kết hợp theo tour tham quan các di tích lịch sử, đi dạo trên đảo và một số hoạt động dã ngoại khác rồi thưởng thức đặc sản biển, rau rừng, cua đá… chứ chưa khai thác ưu thế du lịch sinh thái rừng. Rõ ràng, so với tiềm năng và lợi thế, chừng đó loại hình là còn hạn chế, chưa thật phong phú và chưa hấp dẫn. Ông Lê Ngọc Thảo – Trưởng Ban Thư ký Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm – Hội An cho biết, mặc dù đã nói rất nhiều lần nhưng thực tiễn vẫn chưa tiếp cận được trên rừng. “Phải đưa du khách lên để tìm hiểu về sự đa dạng và vai trò quan trọng của rừng Cù Lao Chàm đối với tài nguyên nước, tài nguyên đa dạng sinh học và đặc biệt là đời sống con người ở đây qua bao đời dựa vào rừng như thế nào, trong đó có tài nguyên nước”, ông Thảo nói.
Giá trị văn hóa, lịch sử:
Không chỉ nổi bật với hệ sinh thái biển, sinh thái rừng đa dạng và phong phú, cảnh quan thiên nhiên hữu tình đặc sắc, Cù Lao Chàm còn được biểt đến như một địa chỉ văn hóa, lịch sử nổi tiếng với các di tích, công trình kiến trúc cổ thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt… Đã tự bao đời, Cù Lao Chàm được ví như bức bình phong che chắn, án ngữ cho Cửa Đại (Đại Chiêm hải khẩu) và thương cảng Hội An, Cư dân sống trên đảo cũng đã tạo dựng nên một bề dày lịch sử văn hóa độc đáo với kho tàng tri thức dân gian, ca dao, tục ngữ về nghề nghiệp, kinh nghiệm cuộc sống, văn hóa ẩm thực… phong phú, đặc trưng. Theo nghiên cứu, từ thế kỷ X Cù Lao Chàm đã được tư liệu, thư tịch của Ả Rập, Ba Tư nhắc đến là vùng đảo mà tàu thuyền các nước ghé đến để lấy nước ngọt, tiếp tế lương thực (chủ yếu là gạo, củi) và trao đổi hàng hóa với nhiều tên gọi khác nhau. Từ thế kỷ XVIII, Cù Lao Chàm được xuất hiện rất nhiều trên bản đồ nước ta với các tên Cù Lao Chàm hoặc Xã Cù Lao. Tấm bia hiện còn ở Cù Lao Chàm, có lẽ là xưa nhất (1757 – thế kỷ XVIII) xuất hiện với tên là Cù Lao Xứ, chứng tỏ từ lâu Cù Lao Chàm đã là điểm tiền tiêu trên biển và là nơi tàu thuyền qua lại buôn bán và tiến vào thương cảng Hội An. Tuy là cụm đảo gồm 8 đảo nhỏ với tổng diện tích phần đất hơn 15km2 nhưng hiện còn rất nhiều di tích lịch sử văn hóa với 7 di tích cấp quốc gia, 1 di tích cấp tỉnh và 19 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Văn An – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An cho biết: “So với các đảo biển khác, ví dụ như Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Côn Đảo, Lý Sơn thì số lượng di tích không nhiều bằng ở đây mặc dù cư dân chúng ta sống chỉ ở Bãi Làng, Bãi Hương thôi (khoảng hơn 2000 người). Trải qua quá trình lịch sử thì khối lượng di tích còn lại ở đây đáng nể, bao gồm cả di tích khảo cổ 3000 năm và đây là điểm chúng ta phát hiện dấu tích của con người đảo ven bờ rất sớm so với đất liền!”.
Trong chương trình đối tác phát triển của JICA từ năm 2016, trường Đại học Nữ Chiêu Hòa, Nhật Bản đã triển khai thực hiện “Dự án đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản ở các làng nông, ngư nghiệp” tại Cù Lao Chàm. Dự án này nhằm mục tiêu thúc đẩy các hoạt động du lịch cộng đồng, đa dạng hóa sinh kế của người dân. Trong dự án, người ta tìm ra sức hấp dẫn tiềm năng ở Cù Lao Chàm, phát triển du lịch hướng đến văn hóa và ngành nghề có kế thừa truyền thống lâu đời. Đưa những ngành nghề địa phương và những câu chuyện được truyền từ xa xưa vào du lịch, quảng bá hình ảnh, cung cấp những chương trình trải nghiệm văn hóa cho du khách, tiếp cận và phát triển du lịch. Tiến sĩ Ando Katsuhiro – trường Đại học Yamanashi, Nhật Bản cho rằng: “Cách làm đó đã giúp du khách hiểu hơn về cuộc sống của những người dân, biết đến những ngành nghề lao động trên đảo, từng bước thương mại hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm tiềm năng như: trà lá rừng, võng đan từ cây ngô đồng, bánh ít lá gai, điểm tham quan Suối Tình… góp phần đáng kể nâng cao đời sống cho người dân”.
Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An