Không gian sáng tạo

Không gian sáng tạo

Sự sáng tạo của người Hội An trong văn hóa ẩm thực

Ẩm thực nắm giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người Hội An. Trên nền ẩm thực đa dạng, phong phú, đã mang đến những tiềm năng hữu hiệu để phát triển kinh tế du lịch.

Xuất phát từ cái nôi lịch sử giao thương, từng là cảng thị sầm uất bậc nhất Việt Nam trong những thế kỷ trước. Chính vì thế ẩm thực Hội An có sự pha trộn, biến tấu của nhiều hương vị, sắc thái, trên cơ sở ẩm thực gốc Việt. Và tất nhiên trong quá trình xen kẽ, cọ xát với ẩm thực các nước thông qua những thương gia đến buôn bán, người Hội An đã có sức sáng tạo đặc biệt để tạo nên những giá trị văn hóa riêng biệt, độc đáo.

Nhắc đến ẩm thực phố Hội, phải kể đến Cao lầu, mỳ Quảng, chè bắp, bánh bao, bánh vạc, cơm gà, hến xào, chè mè đen… Mỗi món ăn tượng trưng cho những sắc vị, hình thái khác nhau. Đằng sau tên gọi đặc sản địa phương, mỗi sản vật, mỗi thức ngon là một câu chuyện của lịch sử, con người và môi trường sinh thái, tự nhiên.

Cao lầu- Món ăn đặc biệt tại Hội An

Chẳng hạn món cao lầu, đến nay vẫn chưa chắc chắn một điều chính xác là nó xuất phát từ đâu, Trung Hoa, Nhật Bản hay Chăm Pa? Nhưng có một điểm chắc rằng Cao lầu là món ăn của người Hội An mang yếu tố sáng tạo cao. Cao lầu là một sợi mỳ đặc biệt, hiện nay chỉ một số gia đình tại địa phương mới sản xuất được. Và món này chỉ xuất hiện ở Hội An, sợi mỳ cao lầu chưa được sản xuất tại bất kỳ nơi nào khác.

Sợi cao lầu gần như mỳ Udon, Nhật Bản, ăn kèm thịt heo xíu gần giống của người Hoa. Lâu nay chúng ta vốn đi tìm câu trả lời nguồn gốc món cao lầu nhưng thực tế, nó là món ăn tích hợp của nhiều nền văn hóa và thể hiện sự gắn kết, giao lưu, tiếp biến giữa các vùng đất khác nhau. Và thông qua đó, mới thấy rõ sức sáng tạo của người Hội An, biến của người thành của mình, một cách uyển chuyển, mượt mà.

Ngoài Cao lầu còn rất nhiều món ăn khác thể hiện sự sáng tạo không kém. Như mỳ Quảng, ngay cả tên gọi, nguyên liệu chế biến đã tạo nên sự khác biệt. Đây là sợi mỳ duy nhất làm từ bột gạo, khác hoàn toàn các sợi mì từ bột mì. Xét về mặt lịch sử phải kể đến những dấu ấn của con người trong thời khai hoang mở cõi về phương Nam, khẳng định vị thế đặc biệt của những bậc tiền nhân dấn chân vào khai phá vùng đất mới.

Mỳ Quảng được du khách gần xa ưa chuộng...

Hay như món chè mè đen, nó ra đời từ quá trình quan sát và có sự nghiên cứu về y khoa, về các loài thực phẩm bổ dưỡng tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, chè mè đen được nấu từ những nguyên liệu dân dã, dễ tìm và cách chế biến cũng không quá cầu kỳ.

 Như vậy có thể thấy rằng, chính môi trường, hoàn cảnh, thiên nhiên, thổ nhưỡng cộng với sức lao động sáng tạo của con người đã cộng hưởng tạo nên những giá trị hữu dụng của một nền ẩm thực đậm đà, chân chất. Từ nền móng đó các thế hệ người Hội An trước và nay củng cố thêm nội lực trong quá trình xây dựng và phát triển vùng đất Hội.

Khi Hội An đang chuẩn bị mọi nguồn lực hướng đến mạng lưới sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên hai lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian, các giá trị khác như ẩm thực cũng được tỏa sáng theo.

Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An

Go top