Từ một người có nhiều đóng góp vào sự khởi động cho lĩnh vực kinh doanh homestay ở làng chài An Bàng, phường Cẩm An nói riêng và TP.Hội An nói chung những năm trước đây, hiện nay anh Lê Ngọc Thuận (39 tuổi) còn được biết đến là người khơi dậy và truyền cảm hứng cho nghệ thuật chế tác, tái sinh vòng đời củi lũ thành các sản phẩm lưu niệm và trang trí giàu sức sáng tạo.
Điểm tham quan và trải nghiệm Làng củi lũ của anh Lê Ngọc Thuận tại thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, TP.Hội An
Lê Ngọc Thuận khởi nghiệp với mô hình kinh doanh homestay từ năm 2012 tại làng chài An Bàng. Lúc đó, anh đã có ý tưởng tái sử dụng những ngôi nhà ba gian mang hồn quê ven biển và sử dụng vật liệu của cộng đồng cư dân nơi đây đưa vào phục vụ du khách. Từ đây, anh đã chịu khó nhặt lượm những thanh củi trôi dạt sau những đợt lũ để làm các vật dụng cho du khách khi vào lưu trú tại homestay của mình. Thật bất ngờ, sau một thời gian thực hiện đã được du khách phương Tây đánh giá cao về tính nhân văn khi tái sử dụng những thứ bỏ đi và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Đến năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động kinh doanh du lịch bị đình trệ, anh Thuận lại dành quãng thời gian gián đoạn ấy để theo đuổi niềm yêu thích, đam mê của mình bằng cách tiếp cận, tìm hiểu về nghề mộc truyền thống ở làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim.
Và cảm hứng về tái sinh củi lũ trong anh lại tiếp tục dâng trào. Thế là anh tranh thủ công việc cá nhân và thời gian rảnh rỗi, ra biển, xuống cửa sông Thu Bồn để thu gom lượng củi mục, gỗ khô từ rừng dạt trôi, tấp về các bãi bồi ven sông, ven biển để biến thành các sản phẩm phảng phất chút hương hoa nghệ thuật. Do vậy mà những người thân quen đã đặt cho anh tên gọi rất kỳ dị là “Thuận củi lũ”.
Ban đầu anh nhặt nhạnh những thanh củi, gỗ mục về rửa sạch làm ra các món đồ trang trí, trang hoàng trong không gian gia đình để tạo sự thân thiện, gần gũi nhưng cũng có chút khác lạ, đẹp mắt. Sau đó, anh tìm gặp những thợ mộc ở làng nghề và đang làm ăn ở các địa bàn dân cư để học hỏi kinh nghiệm và khám phá thêm ý tưởng. Anh Lê Ngọc Thuận tâm sự, nhờ vậy anh mới thấu hiểu được nỗi buồn của những thợ mộc vì nghề bị mai một dần và phải kiếm nghề khác để mưu sinh. Qua đó, anh Thuận cũng nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của anh em thợ nghề và một số nghệ nhân ở làng mộc Kim Bồng với những khát khao khôi phục di sản văn hóa phi vật thể quý giá của ông cha. Anh Thuận đã tận dụng các gian nhà bỏ không vì không thể kinh doanh khi dịch Covid-19 đang bùng phát và mua sắm thiết bị, máy móc, tạo chỗ ăn ở cho anh em thợ để cùng nhau chế tác. Đồng thời, anh Thuận cũng tự suy nghĩ, phác thảo đồ họa, màu sắc cho từng sản phẩm… để thợ nghề thực thi.
Các sản phẩm nghệ thuật tái sinh từ củi, gỗ lũ do nhóm thợ nghề của cơ sở Làng củi lũ thực hiện
Sau hơn một năm tìm tòi, sáng tạo và cần cù làm việc, Thuận và anh em đã cho ra nhiều sản phẩm như ý, đạt mong muốn của mình, truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường và tái sử dụng gỗ lũ, gỗ trồng để từng bước thay đổi suy nghĩ, tạo ra công ăn việc làm lưu giữ được văn hóa làng nghề, giáo dục cộng đồng về sử dụng tài nguyên một cách hợp lý và khoa học. Với vai trò đang là Chủ tịch Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.Hội An, Lê Ngọc Thuận ôm ấp những dự định để tiếp tục tạo sức lan tỏa thông điệp giàu ý nghĩa này trong thời gian tới. “Tôi sẽ mở một lớp đào tạo cho lớp trẻ và phát triển làng nghề theo một xu hướng mới để tiếp biến sản phẩm của những thế hệ đi trước, của ông cha để lại. Tôi tin một ngày không xa, Hội An và Quảng Nam sẽ hình thành một làng mộc tái sinh. Bên cạnh đó, tôi cũng mở một khu trưng bày về nghệ thuật tái chế, kể về câu chuyện văn hóa dòng củi trôi từ thượng nguồn về hạ lưu…”, anh Thuận nói.
Đầu năm nay, Lê Ngọc Thuận đã xây dựng và cho ra mắt không gian Làng củi lũ tại thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà để tạo điểm tham quan và trải nghiệm làng nghề tái sinh cho du khách cùng với các thợ mộc và điêu khắc. Từ đó, dần đưa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, kể những câu chuyện về hành trình thay đổi số phận, biến hóa các thanh củi lũ, gỗ mục thành vai trò “Đại sứ nghệ thuật” của những thứ tưởng đã bị phế bỏ.
ĐỖ HUẤN
Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An