Nghệ thuật dân gian

Nghệ thuật dân gian

Sáng tạo phát huy nghệ thuật dân tộc

Nhiều năm qua, TP.Hội An luôn chú trọng đầu tư và tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống để tạo thêm sản phẩm du lịch văn hóa và góp phần kết nối, giao lưu với bạn bè quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này để trở thành thành phố sáng tạo UNESCO trên lĩnh vực “Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian” là mục tiêu Hội An hướng tới.

Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An- số 66 Bạch Đằng

Liên tục nhiều năm qua, lãnh đạo thành phố và ngành văn hóa thông tin Hội An thường xuyên mở lớp và đào tạo được nhiều nhân tố hát dân ca tại các xã phường trên địa bàn thành phố, phát hiện các em có năng khiếu gửi đi đào tạo hoặc thu hút vào làm việc tại cơ quan, vào các hoạt động văn nghệ quần chúng trên địa bàn với những chính sách khuyến khích, động viên nhằm gầy dựng lực lượng nòng cốt, làm hạt nhân cho phong trào văn hóa – văn nghệ tại địa phương.


Từ năm 2004 đến nay, Trung tâm VHTT&TTTH (trước đây là Trung tâm VH-TT) có sáng kiến phối hợp với ngành GD-ĐT đưa chương trình dạy hát dân ca cho học sinh vào các trường THCS, mở lớp dạy nhạc cụ dân tộc cho các đối tượng yêu thích và có nhu cầu… Nhờ các lớp dạy hát dân ca trong trường học mà các trường có điều kiện thuận lợi để truyền thụ cho các em những kiến thức sinh động về nghệ thuật dân tộc mang dấu ấn Quảng Nam, miền Trung và phát hiện kịp thời những em có năng khiếu hát dân ca, bổ sung lực lượng cho phong trào văn nghệ quần chúng tại địa phương.


Bên cạnh đó, Trung tâm luôn chú trọng đến loại hình kịch, hát dân ca, các tác phẩm mang âm hưởng dân ca bằng các quy định bắt buộc trong các chương trình hội thi, hội diễn phối hợp với các đoàn thể, ban ngành tổ chức, hoặc tham gia dự thi cấp tỉnh, cấp khu vực và toàn quốc. Ngoài ra, từ năm 2010 Trung tâm còn mở các lớp dạy hát dân ca, dạy hô hát bài chòi… hằng đêm hay lồng ghép đưa các hoạt động: hát hò khoan đối đáp, biểu diễn nghệ thuật truyền thống vào hoạt động “Phố đêm” cũng như sự kiện “Đêm phố cổ”. Những cách làm sáng tạo và đầy nỗ lực của Trung tâm đã góp phần định hướng thị hiếu, đặc biệt là giáo dục tình yêu âm nhạc dân tộc trong lớp trẻ, đào tạo được các lớp diễn viên, nhạc công kế cận hoạt động hiệu quả, góp phần giới thiệu, quảng bá cái hay, cái đẹp của nghệ thuật truyền thống dân tộc và quê hương đến với du khách trong cũng như ngoài nước.


Trò chơi diễn xướng bài chòi – một loại hình văn hóa phi vật thể quý giá của miền Trung Việt Nam tưởng chừng như đã bị mai một và thất truyền nhưng với cách làm riêng và hiệu quả, chính quyền và các ngành, các đơn vị chức năng của thành phố đã góp phần phục hồi và phát triển lên tầm cao mới. Chính thức đưa vào hoạt động trong hoạt động “Đêm phố cổ” từ năm 1998, bài chòi Hội An nhanh chóng được phục hồi và vang tiếng muôn nơi, không chỉ nhiều lần được tổ chức ghi hình phát sóng, mời giao lưu tại thủ đô Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đồng Tháp, Huế… mà còn được mang chuông “đi đánh xứ người” ở các nước Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hồng Kông – Trung Quốc, Ý, Đức, Hung-ga-ry… Hồ sơ nghệ thuật bài chòi trong quá trình xác lập để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cũng được các chuyên gia và các nhà nghiên cứu thu thập thêm tư liệu và thực hiện nhiều cảnh quay tại Hội An. Thạc sĩ nghiên cứu văn hóa Phùng Tấn Đông cho rằng: “Cách làm của Hội An có thể nói là cách làm phục hồi bài chòi một cách mạnh mẽ nhất, tức là đã đưa bài chòi gắn với đời sống. Những diễn viên không chuyên, dân gian của Hội An đã sống được bằng bộ môn nghệ thuật bài chòi, tức là bài chòi thực sự trở thành một sản phẩm du lịch”.


Biết chọn lọc và phát huy những giá trị đặc sắc, Hội An đã đóng góp xứng đáng vào việc nâng tầm, quảng bá nghệ thuật truyền thống của dân tộc và quê hương. Không chỉ có nghệ thuật bài chòi mà các tiết mục hát bả trạo, múa Chăm, các điệu hò, điệu lý Đất Quảng, trình tấu tác phẩm âm nhạc của các nước bạn bằng nhạc cụ dân tộc (đàn bầu, đàn nhị, sáo trúc)… trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật của Hội An cũng được khán giả các nước đánh giá cao.

Với năng lực tổ chức không ngừng được nâng cao và ngày càng bài bản cùng hướng đi đúng về việc bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật dân tộc trên quê hương Di sản văn hóa thế giới, dần dần Hội An đã trở thành địa điểm thường xuyên tổ chức các sự kiện và hoạt động giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới. Ông Trần Ánh – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, hằng năm Hội An đã có một số hoạt động đối với Nhật, Đức và Hàn Quốc… “Sắp tới chắc chắn thành phố tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng giao lưu văn hóa với các nước quốc tế. Thông qua giao lưu này, một mặt góp phần tuyên truyền quảng bá giá trị của Hội An đến với nước ngoài, bạn bè quốc tế, mặt khác người dân Hội An còn được xem những tiết mục rất độc đáo, rất đặc sắc từ những nền văn hóa khác đến đây biểu diễn. Qua những cuộc giao lưu như vậy, đội ngũ quản lý và chuyên môn cũng học tập được rất nhiều về năng lực, về nghiệp vụ”, ông Ánh nói.


Có thể nhắc lại rất nhiều sự kiện mà TP.Hội An đã đảm nhận tổ chức thành công, để lại ấn tượng tốt đẹp trong nhiều năm qua như: Lễ hội giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản tổ chức liên tục từ năm 2003 đến nay, 5 lần đăng cai tổ chức Hội thi Hợp xướng quốc tế, các hoạt động phục vụ Hội nghị cấp cao SOM III, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch, các đoàn quan chức cấp cao APEC; và Hội An cũng đã từng thu hút nhiều đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ nổi tiếng đến biểu diễn như Gyppsy Queen (Nhật Bản), đoàn nghệ thuật dân gian Quảng Tây (Trung Quốc), đoàn nghệ thuật Flamenco (Tây Ban Nha), đoàn nghệ thuật dân gian Đan Mạch, An Đông (Hàn Quốc)…


Tiếp tục sáng tạo, phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống để tạo thêm những sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo và tăng cường mối quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế, tin rằng Hội An sẽ sớm trở thành điểm đến trong mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.

Bài và ảnh: Trung tâm Văn hóa- Thể thao và  Truyền thanh - Truyền hình Hội An

Go top