Tin tức

Tin tức

Quảng Nam công nhận danh hiệu 16 nghệ nhân, thợ giỏi năm 2023

Ngày 28/12, UBND tỉnh quyết định công nhận danh hiệu cho 16 nghệ nhân, thợ giỏi vì đã có thành tích xuất sắc trong việc khôi phục, bảo tồn và phát triển ngành nghề thủ công của tỉnh.

Thợ giỏi Lê Văn Nhật (phường Thanh Hà, Hội An) làm gốm mỹ nghệ. Ảnh: N.Q

Theo đó, 5 nghệ nhân nam được UBND tỉnh xét tặng danh hiệu gồm: Nguyễn Hưng (Hội An) với nghề thủ công làm lân sư rồng, mặt nạ; Võ Tấn Tân (Hội An) làm nghề tre mỹ nghệ; thị xã Điện Bàn có 2 nghệ nhân Nguyễn Văn Chung, Huỳnh Đình Trường cùng làm nghề điêu khắc gỗ và 1 nghệ nhân Phạm Duy Nghĩa làm nghề kim hoàn.

Còn 11 nam, nữ được UBND tỉnh xét tặng danh hiệu thợ giỏi gồm: Nguyễn Đức Thắng (Hội An) làm nghề gỗ mỹ nghệ; Nguyễn Văn Hoàng, Nguyễn Viết Lâm, Trần Thị Tuyết Nhung, Nguyễn Viết Sơn, Lê Văn Nhật, Nguỵ Trung (Hội An) làm nghề gốm mỹ nghệ và bà Nguyễn Thị Thủy (Hội An) làm nghề gốm truyền thống; Nguyễn Trung Hiệp, Nguyễn Văn Toàn (Duy Xuyên) làm nghề kim hoàn; Nguyễn Nhất Tuấn (Duy Xuyên) làm nghề vấn chổi đót.

Cùng với danh hiệu, 16 nghệ nhân, thợ giỏi này còn được nhận tiền thưởng kèm theo tại Quyết định số 35/2013/QĐ-UBND ngày 26/12/2013 của UBND tỉnh.

  • Theo Quyết định số 35/2013 của UBND tỉnh, tiêu chuẩn được công nhận nghệ nhân, thợ giỏi như sau: Đối với nghệ nhân: chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, tận tụy với nghề, được cộng đồng làng nghề, dân cư và đồng nghiệp tôn vinh. 
  • Là thợ giỏi tiêu biểu xuất sắc của địa phương, có thâm niên trong nghề tối thiểu là 10 năm, có trình độ kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp điêu luyện, sáng tác, thiết kế được ít nhất 3 mẫu sản phẩm mà người thợ lành nghề khác không làm được. Đã trực tiếp làm ra được 5 sản phẩm đưa vào sản xuất hàng hóa và cung ứng trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế địa phương
  • Có tác phẩm, sản phẩm đạt một trong các tiêu chí sau: sản phẩm, tác phẩm đạt giải thưởng hoặc được cấp chứng nhận thành tích của các tổ chức nhà nước, tổ chức kinh tế và tổ chức xã hội nghề nghiệp tại các cuộc thi, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế... 
  • Nghề làm lồng đèn ở Hội An

Còn đối với thợ giỏi: chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, gương mẫu, thực sự là tấm gương tiêu biểu cho mọi người và đồng nghiệp noi theo. Là thợ lành nghề tiêu biểu của địa phương, có thâm niên trong nghề tối thiểu 5 năm, có khả năng sáng tác mẫu mã sản phẩm đạt trình độ cao mà người thợ bình thường khác không làm được. Đã trực tiếp làm ra được 3 sản phẩm đưa vào sản xuất hàng hóa và cung ứng trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Đạt giải thưởng trong các cuộc thi tay nghề, thợ giỏi cấp tỉnh hoặc quốc gia, quốc tế. Những người không có điều kiện tham gia thi tay nghề, thợ giỏi thì phải có ít nhất 1 sản phẩm đạt trình độ kỹ thuật cao, được nhiều người cùng ngành nghề thừa nhận, nhất trí suy tôn...

Nguyễn Quỳnh

 

Go top