Tin tức

Tin tức

Phát huy "danh hiệu" thành phố sáng tạo

Du khách thích thú tìm hiểu về các sản phẩm thủ công sáng tạo ở Hội An. Ảnh: Phan Sơn

Du khách thích thú tìm hiểu về các sản phẩm thủ công sáng tạo ở Hội An. Ảnh: Phan Sơn

Nằm trong chương trình của chuỗi sự kiện “Hội An chào năm mới 2024”, không gian sắp đặt nghệ thuật, trình diễn nghề thủ công tại khu vườn tượng An Hội (TP.Hội An) thu hút đông đảo người dân và du khách tham quan, tìm hiểu.

Nhiều du khách tỏ ra thích thú với các sản phẩm gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, tre mỹ nghệ, tượng gốc tre, mặt nạ giấy... Qua đó, du khách cũng hiểu hơn về các giá trị văn hóa bản địa truyền thống, tinh hoa làng nghề của Hội An, Quảng Nam.

Với đôi tay tài hoa, những nghệ nhân, thợ thủ công ở Hội An khiến nhiều du khách không khỏi trầm trồ, thán phục trong quá trình tạo tác các sản phẩm. “Lần đầu tiên đến Hội An được nhìn thấy các sản phẩm thủ công ở đây khá là độc đáo và rất đẹp, mình cảm nhận được sự tinh túy và khéo léo của những người thợ” - một du khách bày tỏ.

Thời gian qua, tại TP.Hội An, nhiều không gian sáng tạo mới đã được hình thành từ bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của người Hội An như Công viên đất nung Thanh Hà, Làng củi lũ, trại chế tác tre Cẩm Thanh…, đã để lại ấn tượng cho nhiều nhà nghiên cứu và du khách đến tham quan. Thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, phát huy sức sáng tạo của cộng đồng như “Con đường nghệ thuật và sáng tạo”, “Không gian sáng tạo Hội An”...

Nghệ nhân Võ Tấn Tân (xã Cẩm Thanh) nói: “Hoạt động sáng tạo cần rất nhiều yếu tố. Trong đó, tôi mong rằng sẽ có những hoạt động, không gian trưng bày, giới thiệu, giao lưu giữa những người thợ với nhau và với du khách. Làm sao không gian đó chỉ dành riêng cho hoạt động sáng tạo, cho sản phẩm sáng tạo, có thể là con đường sáng tạo, góc phố sáng tạo hoặc là một điểm sáng tạo”.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An, việc trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao vị thế, thương hiệu Hội An, lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc của Hội An với bạn bè trong nước và quốc tế.

Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng là trọng trách to lớn của chính quyền và nhân dân thành phố trong việc nỗ lực thực hiện các chương trình hành động và sáng kiến đã cam kết để mang lại các giá trị, lợi ích cao hơn cho cộng đồng, dân cư Hội An và qua đó góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, con người Hội An – Quảng Nam đến với bạn bè khắp năm châu.

Theo bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT&DL), điều quan trọng khi trở thành thành phố sáng tạo là chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư cùng đồng lòng đặt “văn hóa sáng tạo” vào trọng tâm của các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, coi văn hóa sáng tạo là nguồn lực để phát triển bền vững.

Hội An đang đứng trước rất nhiều cơ hội, trong đó có sự giao lưu, trao đổi, hội nhập với 350 thành phố khác đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới, không chỉ trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian mà còn trong cả 6 lĩnh vực sáng tạo còn lại của mạng lưới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Hội An trở thành thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch bền vững, truyền cảm hứng cho các thành phố trong nước và quốc tế.

“Bộ VH-TT&DL, cụ thể là Cục Hợp tác quốc tế cam kết sẽ luôn đồng hành, ủng hộ và sát cánh cùng chính quyền và nhân dân TP.Hội An để triển khai các sáng kiến và cam kết quốc tế, để Hội An không chỉ là “nơi hội tụ của sự an lành”, hạnh phúc, mảnh đất “nhân tình thuần hậu”, mà còn lan tỏa và kết nối nguồn tài nguyên vô tận, không ngừng tái tạo và chuyển động. Đó là sức sáng tạo của con người, những trí tuệ và tài năng trên thế giới để tạo nên những giá trị mới” - bà Nguyễn Phương Hòa nói.

baoquangnam

Go top