Từ cuối những năm 80 thế kỷ XX khi cả nước tiến hành công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội, ở Hội An, loại hình nghệ thuật dân gian (dân ca, dân nhạc, múa dân gian, các diễn xướng dân gian (diễn xướng nghi lễ trong lễ tục, lễ hội, diễn xướng mang tính giải trí trong trò chơi dân gian…)… đã được chính quyền các cấp, ngành văn hoá và quần chúng chú trọng, quan tâm và hưởng ứng sôi nổi trong sinh hoạt văn hoá, văn nghệ cơ sở nhằm mục đích bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử của nghệ thuật dân gian.
Nghệ thuật Hát bội Hội An
Thông qua phong trào văn nghệ quần chúng tại các thôn, khối phố, các xã, phường trong thị xã, nhất là các liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng - các loại hình nghệ thuật dân gian đã thực sự được bảo tồn và phát huy khá tốt trong các sinh hoạt tinh thần như phong trào hát dân ca (hát ru, hát hò khoan, hò chèo thuyền, hò tát nước, hò giã vôi, hò giựt chì, hò hụi, hò hê, hát các điệu lý, vè, hát các làn điệu của bài chòi trình diễn (dân ca kịch bài chòi)…) người dân vùng cửa sông - ven biển thực hành tín ngưỡng dân gian bằng các lễ tục/lễ hội như diễn xướng bả trạo (lễ cầu ngư/cúng Ông), diễn xướng sắc bùa chúc xuân trong trò diễn hát sắc bùa chúc xuân, diễn xướng hộ linh trong tang lễ (chèo đưa linh trong tang ma, trong tang lễ cá Ông Nam Hải (cá Ông Voi)), diễn xướng đua thuyền đảo thuỷ (hò đua ghe), diễn xướng hô thai trong trò chơi thai đề xổ cổ nhơn đầu năm, hô hát lô tô, diễn xướng hô/hát bài chòi trong trò chơi/ trò diễn bài chòi đầu năm…
Trong xu hướng phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian ở Hội An từ cuối những năm 90 đến năm 2000 thì loại hình dân ca bài chòi (còn gọi là bài chòi trình diễn/biểu diễn (baichoi performance) hay diễn viên thể hiện các ca khúc dựa trên làn điệu bài chòi, dân ca và biểu diễn ca kịch/kịch hát bài chòi) là một thành tựu đáng ghi nhận của phong trào nghệ thuật không chuyên ở địa phương. Sau 1975 phong trào hát/ biểu diễn các ca khúc dựa trên các làn điệu bài chòi được phát huy sâu rộng bởi được kế thừa được các sáng tác và đội ngũ nghệ nhân từng tham gia biểu diễn trong chiến tranh cách mạng.
Nhà biểu diễn Nghệ thuật cổ truyền Hội An
Tháng 3/1983 Nhà văn hoá Hội An đã sớm truyền dạy hát dân ca bài chòi. Từ năm 1985 đội thông tin lưu động thuộc Nhà văn hoá là một trong những đội nghệ thuật quần chúng mạnh, đạt nhiều giải thưởng cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ và toàn thị xã hình thành nên các đội thông tin xã, phường mạnh như Cẩm Thanh, Minh An, Cẩm Hà…Từ khi thành lập Trung tâm Văn hóa-Thể thao (VH-TT) vào năm 1997 phong trào sáng tác lời mới cho làn điệu bài chòi, sáng tác ca khúc mới dựa trên chất liệu bài chòi, biểu diễn bài chòi trò chơi (baichoi game), biểu diễn dân ca bài chòi… đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi trội ở nhiều lĩnh vực như chất lượng nghệ thuật, đội ngũ nghiên cứu,sưu tầm, sáng tác lời mới và lực lượng diễn viên quần chúng-nhất là khi có sự kiện văn hoá-du lịch “Đêm rằm phố cổ” (1998) và khi Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An thuộc Trung tâm Văn hóa-Thể thao được thành lập và đi vào hoạt động.
Hô hát bài chòi Hội An
Chỉ riêng việc tổ chức trao truyền dân ca trong các trường THCS, trường tiểu học, các lớp hè hàng năm ở phố cổ, các liên hoan nghệ thuật hô/hát bài chòi, hội diễn nghệ thuật quần chúng ưu tiên khuyến khích các tiết mục dân ca/dân ca bài chòi của Trung tâm VH-TT (sau này là Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An) và việc xây dựng các chương trình hô diễn bài chòi, tuồng, dân nhạc, dân vũ để đưa trò chơi bài chòi ra các nước biểu diễn là những thành tựu đáng ghi nhận để Hội An chọn nghệ thuật dân gian trong đó có bài chòi để ghi danh vào mạng lưới “thành phố sáng tạo thế giới” của UNESCO.
Chương trình nghệ thuật "Hội An- Sắc màu của lụa"
Các loại hình khác như hát bội, diễn xướng dân gian (hát múa bả trạo, hát hộ linh, hát sắc bùa…) trước năm 2000 cũng có nhiều thành tựu nổi bật như việc hình thành các câu lạc bộ tuồng/hát bội như câu lạc bộ tuồng Hội An (thuộc Nhà văn hoá), câu lạc bộ tuồng Đồng Ấu (Cẩm Phô), Đội tuồng Nam Diêu (Thanh Hà), Đội tuồng Trà Quế (Cẩm Hà)…loại hình diễn xướng có câu lạc bộ hát múa bả trạo Cẩm Thanh, câu lạc bộ hát múa bả trạo Cẩm Kim, Cẩm Nam, câu lạc bộ chèo hộ linh Cửa Đại…hoạt động khá sôi nổi, mang hiệu quả nghệ thuật cao.
Nhà Nghiên cứu văn hóa Phùng Tấn Đông