Dòng người rồng rắn xếp hàng ở cổng chùa Ông (Hội An) dịp Tết Nguyên tiêu trở thành hình ảnh ít nhiều mang tính biểu tượng cho sức hút của lễ hội này với cộng đồng.
Vượt trên mọi văn bản hành chính, Tết Nguyên tiêu Hội An từ lâu đã trở thành di sản trong đời sống văn hóa cộng đồng của cư dân tại đây.
Đông đảo người dân tham gia lễ tết Nguyên tiêu ở chùa Ông Hội An. Ảnh: Visit Hoi An
Ông Lê Huyễn (88 tuổi) đã có xấp xỉ 36 năm làm thủ từ chùa Ông. Ông nói, Tết Nguyên tiêu ở chùa Ông luôn là sự kiện trọng đại, chỉ xếp sau Tết Nguyên đán.
“Năm 1995, khi chùa Ông được tu sửa xong, Tết Nguyên tiêu được tổ chức bài bản, trang trọng hơn, với ba món lễ vật chính là heo quay, xôi vò, bánh bao cùng nhiều thức hoa, quả. Bá tánh đến rất đông, người dân phát tâm đến dâng lễ vật, cầu mong sức khỏe, tài lộc...
Sau này càng đông dần hơn, có cả người ở các tỉnh xa lặn lội về dự lễ dịp Tết Nguyên tiêu ở chùa Ông. Năm nào cũng có hàng dài người rồng rắn mang theo hoa đến dâng hương tại chùa dịp này” - ông Huyễn kể.
Dòng người thắp hương tại chùa Ông, Hội An. Ảnh: Visit Hoi An
Theo thời gian, nghi thức cúng Tết Nguyên tiêu cũng có phần thiếu sót so với trước, nhưng theo ông Huyễn, người Hoa tại đây vẫn phải cố gắng đảm bảo kế thừa đúng nhất theo thông lệ. Thời gian mở cửa kéo dài suốt trong ngày 15 và 16 tháng Giêng, giờ mở cửa có thể bắt đầu từ 3 giờ sáng đến tận chiều.
Ông Tăng Xuyên (Ban quản lý Tụy Tiên đường Minh Hương, Hội An) cho biết, ngoài các hội quán, từ đường, người dân cũng cúng lễ tại gia đình. Các gia tộc sắm lễ cúng lớn hơn những dịp rằm khác trong năm. Ông Xuyên cũng cho biết do lớn tuổi nên ông đã rút lui, để mọi việc cho lớp sau đảm trách.
Vẫn còn nhiều quan niệm, nhiều tục lệ cúng tế riêng đối với từng thôn, từng khu phố ở Hội An trong ngày Tết Nguyên tiêu. Nhưng tựu trung lại, vẫn là dịp để người dân bày tỏ lòng tôn kính với thần Phật, tiền nhân, gửi gắm những ước vọng nhân ngày rằm đầu tiên của năm mới.
Bài viết: Tâm Thư- Thành Công, Báo Quảng Nam