Dẫu bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 song chính quyền và doanh nghiệp địa phương vẫn nỗ lực “Thức giấc Hội An” qua các hoạt động sáng tạo trên nền tảng giá trị văn hóa truyền thống của Hội An. Đến nay, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa mới ở Hội An đã định hình, đưa vào phục vụ thường xuyên cho du khách.
“Hội An – Sắc màu của Lụa” là sự kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn và trình diễn thời trang
Ngay từ tháng 1 năm 2022, Không gian phố cổ Hội An đã được thành phố làm mới trở lại với sản phẩm phố đêm, các trò chơi dân gian, đua thuyền, hoa đăng, trình diễn thời trang, chợ ven sông, triển lãm xe, các show diễn nghệ thuật…
Tiếp đó, phố cổ khởi sắc hẳn ra sau những tháng năm dài vắng vẻ vì dịch bệnh với hàng loạt buổi trình diễn thời trang Dáng phố, Đêm Hội An, Hội An – Ký ức thời gian… Hội An còn tạo sức hút đối với du khách với chương trình “Đến phố Hội qua thế giới phẳng”. Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật vừa tổ chức trực tiếp vừa kết hợp tường thuật online trên các nền tảng mạng xã hội đã tạo hiệu ứng lan tỏa hình ảnh về một Hội An an toàn và thân thiện. Và “Đêm Hoài giang” được trình diễn vào thời điểm đó là một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo.
Mô phỏng nhiều loại hình nghệ thuật dân gian trong không gian “trên bến, dưới thuyền” của dòng sông Hoài thơ mộng, “Đêm Hoài Giang” đưa người xem vào thế giới đa âm, đa sắc của sinh hoạt cộng đồng vốn đã diễn ra nơi phố Hội hàng mấy trăm năm qua.
Thạc sĩ Phùng Tấn Đông, nhà nghiên cứu văn hóa Hội An chia sẻ: “Lần đầu tiên làm thực cảnh như vậy và mô phỏng rất nhiều loại hình dân gian như là hò khoan, hò chèo thuyền, sự giao đãi nam nữ trên sông kết hợp dân ca bài chòi của miền Trung với chất thể hiện rất đặc biệt của người Hội An. Một chương trình tổng thể kết hợp với nghệ thuật lồng đèn thắp sáng, bối cảnh phố phường sông nước, sinh hoạt cổ truyền được tái hiện sinh động, đó là sự thành công”.
Không gian sông nước trong “Đêm Hoài Giang”
“Đêm Hoài giang” có 3 phần mang chủ đề “Tương phùng – Giao duyên”, “Sắc màu Hoài giang” và “Trăng nước Hoài giang” với sự tham gia của hàng tẳm diễn viên Đội Nghệ thuật Trung tâm VH-TT&TT-TH và các nghệ nhân người Hội An. Chương trình là một show diễn thực cảnh, có cách thể hiện đặc biệt, kết hợp ánh sáng của nghệ thuật lồng đèn, tái hiện không gian sông nước cùng các sinh hoạt cổ truyền,…
Không chỉ “Đêm Hoài Giang”, từ sau ngày 15.3, khi Chính phủ có phương án mở cửa hoàn toàn trở lại với du khách quốc tế, hàng loạt sản phẩm du lịch văn hóa tại Hội An được xây dựng và tổ chức, tạo ấn tượng mạnh mẽ cho Năm Du lịch quốc gia – Quảng Nam 2022.
Trong Năm Du lịch quốc gia có tổng cộng 25 chương trình, sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế, trong đó có 15 sự kiện do Hội An chủ trì. Đó là những sự kiện giới thiệu các sản phẩm dịch vụ – du lịch mới theo hướng du lịch xanh, mang đậm chất riêng của bản sắc văn hóa Hội An.
Chị Nguyễn Ngọc Trang Thanh – Du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ:“Mình thích nét cổ kính cũng như những gam màu vàng tại phố cổ Hội An. Chính vì điều đó nên khi mở cửa du lịch trở lại mình đã chọn Hội An là điểm đến. Mình thấy khi mở cửa trở lại thì Hội An rất là nhộn nhịp vì Hội An là nơi mà ai cũng muốn đến. Ở đây có rất nhiều hoạt động rất vui như: thả hoa đăng, hát bài chòi,… Mình thật sự rất thích Hội An.”
Giới thiệu Trà Việt trong lòng phố
Một dấu ấn khá đặc biệt trong chuỗi các sự kiện diễn ra tại Hội An trong năm 2022 chính là “Nét hoa Nghề Hội An”, nơi trưng bày, giới thiệu các sản phẩm từ nghề, làng nghề truyền thống; tôn vinh các giá trị nghiên cứu, sáng tạo, truyền nghề của nghệ nhân, thợ thủ công. Sự kiện không chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách, quảng bá hình ảnh văn hoá du lịch Hội An mà còn là một trong những sự kiện thúc đẩy xây dựng hồ sơ Hội An – Thành phố sáng tạo toàn cầu, tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc – UNESCO trong thời gian đến.
Và mới đây, 2 chương trình được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm du lịch văn hóa mới và đưa vào hoạt động thường xuyên tại phố cổ Hội An, đó là trình diễn thời trang “Sắc màu của Lụa” và lễ hội “Tinh hoa Trà Việt”.
“Hội An – Sắc màu của Lụa” là sự kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn và trình diễn thời trang qua các bộ sưu tập trên chất liệu lụa của Hội An. Người dân và du khách được nghe những câu chuyện về dòng sông mẹ Thu Bồn mang nặng phù sa tạo nên những nương dâu xanh tốt; câu chuyện Tằm Tang rút ruột nhả tơ tô đậm cung sắc cho bức tranh làng quê tươi đẹp. Chương trình còn có những bộ trang phục lụa từ đầu thế kỉ XX đến hiện đại cũng như nét đẹp của sự giao lưu văn hóa với các quốc gia tại Hội An. Còn với lễ hội “Trà Việt – Hội An 2022”, đó là cuộc giới thiệu sự đặc sắc, đa dạng của các dòng trà Việt Nam và hồn cốt Trà Việt trong lòng phố cổ.
Bà Trương Thị Ngọc Cẩm – Giám đốc Trung tâm VHTT&TTTH TP. Hội An, cho biết:“Chúng tôi nỗ lực xây dựng các sản phẩm du lịch cũng như sản phẩm văn hoá nghệ thuật để phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng lãm của du khách. Từ những giá trị văn hoá truyền thống, chúng tôi đã sáng tạo nên các sản phẩm mới như Đêm Hoài giang, Đêm Hội An,… qua đó giới thiệu cho bạn bè, du khách những sản phẩm độc đáo, riêng có của Hội An”.
Có thể thấy, sau sự im ắng của các loại hình, sự kiện nghệ thuật do tác động bởi dịch bệnh Covid-19, đến nay, thành phố du lịch Hội An đã khôi phục trở lại không khí lễ hội bằng nhiều sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo. Nỗ lực đó khẳng định tính sáng tạo không ngừng của người Hội An trên hành trình kiến tạo nhiều giá trị mới mẽ cho đời sống./.
QUỐC HẢI