Nghệ thuật dân gian

Nghệ thuật dân gian

Nghệ thuật hát bội trong đời sống văn hóa dân gian ở Hội An

Hát bội là nghệ thuật biểu diễn dân gian độc đáo, đặc sắc, tổ chức vào những dịp lễ hội đặc biệt của nhiều làng xã ở Hội An ngày trước như lễ cầu an, lễ cầu ngư, lễ giỗ tổ nghề, các lễ khánh thành các công trình trọng đại của làng hay cộng đồng như đình làng, lăng, miếu, từ đường; thậm chí những nhà giàu có cũng thuê gánh hát về biểu diễn phục vụ cho sự kiện của gia đình... Tuy nhiên, trong khoảng 20 năm trở lại đây, họa hoằng lắm mới có một dịp biểu diễn hát bội tại sân đình, sân lăng. Điều này từ lâu đã trở thành nỗi niềm trăn trở của nhiều nghệ sĩ dân gian, người hâm mộ và nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian của địa phương cũng như những người làm công tác quản lý văn hóa trên địa bàn thành phố.


1.Các hình thức sinh hoạt, biểu diễn hát bội
Hát bội bắt đầu xuất hiện tại Hội An, Quảng Nam vào đầu thế kỷ XIX. Tuy rằng khá muộn so với nhiều loại hình diễn xướng dân gian khác, song hát bội đã nhanh chóng được dân cư nơi đây đón nhận và vô cùng ưa chuộng. Niềm đam mê ca hát và thưởng thức nghệ thuật hát bội đã thôi thúc những người lao động bình dân nơi đây họp lại với nhau thành đội, tổ chức tập tành, biểu diễn và động viên nhau, có khi bằng những tiếng trống chầu, tiếng vỗ tay, có khi là những nắm tiền thưởng ném lên sân khấu. Dần dần, những chiếu hát bội dân quê ấy đã trở thành sản phẩm văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng, văn hóa tâm linh linh thiêng tại các sân      đình, sân lăng, miếu thờ.

 Khi gắn với các nghi thức cúng tế tại những cơ sở thờ tự, hình thức biểu diễn hát bội là đặc sản tinh thần dâng lên thần thánh, diễn trước tiên cho các ngài xem, dân làng chỉ là “hưởng ké”. Năm nào hội làng, hội đình to, diễn hát bội hay, năm đó đánh dấu một niềm tin mạnh mẽ trong tâm khảm dân chúng về vụ mùa  bội thu, gia đình sung túc, làng xóm yên vui.

Theo hồi cố của nghệ nhân biểu diễn hát bội và các vị cao niên ở Hội An, khoảng đầu những năm 40 của thế kỷ XIX, Hội An đã từng có hẳn rạp hát bội chuyên nghiệp, tên là rạp Đồng Lạc. Vị trí rạp đối diện với Đình Xuân Lâm, chếch về phía Đông. Đó là một trường diễn chuyên nghiệp có sẵn sân khấu, mái che, phông màn, ghế ngồi cho khán giả và cả hệ thống quạt trần làm mát không khí bằng sức người kéo dây điều khiển. 

Các đoàn hát bội lớn đến Hội An lưu diễn thời kỳ đó sẽ liên hệ thuê rạp, bán vé. Hàng tuần đều có tổ chức. Đoàn Ý hiệp miền Trung cái tên được các vị cao niên còn nhắc đến nhiều, với dàn diễn viên nổi tiếng hát hay, múa đẹp, bộ điệu uyển chuyển do xuất thân từ đất võ Bình Định, Phú Yên. Các đoàn này thường xuyên lui tới Hội An trong khoảng các năm 1940-1954. Khán giả đến xem tại rạp chủ yếu là các công chức, viên chức nhà nước, những gia đình khá giả. Họ dẫn theo cả trẻ con đi thưởng thức. Đó là sân khấu, trường diễn bài bản của những đoàn hát bội chuyên nghiệp, những đào kép nổi tiếng và những khán giả trung-thượng lưu. Trước khi có trường hát cố định như vậy, các đoàn hát bội lưu diễn ở Hội An phải tự che rạp.

Theo lời của các bậc cao niên từng tham gia trong hoạt động biểu diễn và thưởng thức hát bội ở Hội An, những lần tiếp xúc với các đoàn hát lớn về biểu diễn không những tạo cơ hội học hỏi thêm về nghệ thuật mà còn tiếp lửa, nuôi dưỡng niềm đam mê diễn xuất, thưởng thức nghệ thuật hát bội của dân cư nơi đây trong bối cảnh đời sống còn lắm khốn khổ, cơ cực lúc bấy giờ.
2.Giá trị của nghệ thuật hát bội trong đời sống dân gian Hội An

Giá trị văn hóa - xã hội 
Có thể nói, loại hình diễn xướng dân gian phổ biến, được yêu thích nhất của người dân Hội An trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX là hát bội. Tiếng trống chầu giòn giã khai hội sau phần nghi lễ cúng thần linh, lời phụng xướng ca duyên chúc phúc và những màn hát bội lôi cuốn trước sân lăng, đình, miếu thỏa mãn niềm tin và sự khát vọng của nhân dân trước những khởi đầu hệ trọng của làng xã. Đó có thể là dịp cầu an, cầu ngư đầu năm, dịp khánh thành các công trình tín ngưỡng, thiết chế quan trọng. 
Đặc biệt, hát bội là một đặc sản văn hóa gắn liền với lễ hội cầu ngư tại các làng chài của Hội An. Cúng tế cá Ông hàng năm tại các làng vạn chài cũng như bao lễ hội cổ truyền khác của người Việt nói chung và Hội An nói riêng, đều xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt văn hóa- tín ngưỡng- nghệ thuật của cộng đồng dân cư. Ở đó, tính thiêng gắn liền với nhu cầu trần tục, tín ngưỡng phồn thực đi đôi với sự cởi mở, hòa hợp giữa người với người, người với thánh thần, và với thiên nhiên vạn vật. Vì thế, cạnh lễ nghi nghiêm trang bày tỏ sự tôn kính, biết ơn của dân làng đối với thần linh, tiền hiền, hậu hiền và cầu nguyện các vị tiếp tục che chở, ban phước lành thì phần hội gồm các đêm diễn hát bội và các trò chơi dân gian luôn được người tham dự mong chờ nhất.
 Những ngư dân miền biển được vui chơi, giải tỏa những mệt nhọc sau một năm làm lụng vất vả, được sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thi thố tài năng, gây tạo khí thế, khích lệ tinh thần để bắt đầu một vụ mùa mới. Suy cho cùng, ngoài vai trò quan trọng của tín ngưỡng, nghi thức tế lễ thì các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian giàu giá trị thẩm mỹ đã góp phần làm nên sức sống bền bỉ của lễ hội. Và, bản thân lễ hội là môi trường sống, đất diễn lý tưởng nuôi dưỡng các hoạt động sinh hoạt văn nghệ dân gian.
Sân khấu hát bội là nơi những con người lao động chất phác hóa thân thành nhân vật huyền thoại trong tích cổ đậm tính mẫu hình về văn hóa ứng xử. Sân khấu ấy làm xích gần những con người lam lũ trong các dịp hội hè, đình đám: Họ tụ họp nhau tập tành cho làu thuộc lời hát, ăn khớp với từng động tác múa thành thục; để đến ngày ra mắt bà con, cộng đồng thôn xóm được cùng nhau khóc, cùng nhau cười, hoặc ca tụng, hoặc chê bai…, cùng soi vào gương người xưa cho sáng đạo đời mình, cùng ôn với nhau những gian khó trong lao động để động viên tinh thần, gắn bó hơn trong cuộc sống, cùng nhận ra những giá trị của quê hương, của nghề nghiệp để biết ơn, gìn giữ và trân trọng.
 
Hát bội là một nghệ thuật sân khấu cho phép những con người đương thời hình dung một cách rõ ràng, sinh động nhất về những câu chuyện diễn ra trong quá khứ qua lăng kính soi chiếu của dân gian. Thông qua tài nghệ của những nghệ nhân sáng tác, biểu diễn hát bội, tư tưởng, tình cảm, các giá trị văn hóa truyền thống được bộc lộ rõ nét.
Như vậy, không chỉ giải quyết được nhu cầu nhận thức thực tại, nghệ thuật hát bội còn truyền đạt những giá trị đó đến với các thế hệ tiếp sau, góp phần làm sáng rõ, mở rộng biên độ nhận thức về lịch sử địa phương, lịch sử dân tộc thông qua nội dung kịch bản tuồng.
Các nhân vật của hát bội là những nhân vật hành động, có xung đột, có đấu tranh, phải trái phân minh,… nên chính trong giai đoạn hát bộ phát triển rực rỡ nhất ở Hội An, nó đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo huấn, răn dạy con người hành xử theo luân thường, đạo lý, tôn ti trật tự. Có thể nhận thấy, vai trò, hiệu quả giáo dục to lớn mà hát bội đem lại đối với việc hình thành các phẩm chất tốt đẹp, uốn nắn đạo đức, gìn giữ chuẩn mực trong các mối quan hệ xã hội trên vùng đất này.
Giá trị kinh tế
Bên cạnh mục đích quảng bá văn hóa địa phương, việc duy trì biểu diễn hát bội phục vụ tham quan tại đình Hội An vào các Đêm phố cổ, biểu diễn  phục vụ khách du lịch tại một số khách sạn trên địa bàn thành phố còn góp phần tạo thêm một sản phẩm du lịch văn hóa, tạo nguồn thu nhập cho diễn viên và tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ du lịch liên quan phát triển.
Tác giả: Thái Thị Liễu Chi - Thạc sĩ Văn học- Phòng Quản lý Di sản- Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
 

Go top