Bài chòi, hát bả trạo, hát bội, múa Thiên cẩu…là những bộ môn nghệ thuật diễn xướng dân gian tiêu biểu tại Hội An. Thông qua các loại hình văn hóa truyền thống này đã phản ánh rõ nét đời sống tinh thần phong phú của người Hội An xưa. Hiện nay, nghệ thuật diễn xướng dân gian vẫn được lưu giữ và phát huy bởi thế hệ hậu sinh tiếp nối tại mảnh đất Hội An.
Truyền nghề hát Bội tại Hội An...
Nghệ thuật Bài chòi đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bài chòi có khả năng truyền tải các tri thức văn hóa dân gian, đời sống tinh thần, cũng như các yếu tố nghệ thuật: thơ ca, âm nhạc, ngôn ngữ,… một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và vui nhộn.
Hát bả trạo gắn liền với cư dân vùng biển, thường được tổ chức trong dịp tế lễ cá Ông, cầu mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng và thường được diễn xướng trên thuyền. Trong mỗi lời ca hát thể hiện sự ca ngợi, thương tiếc và thành kính cá ông “Ngọc Lân Nam Hải”, vị thần giúp đỡ những người gặp nạn trên biển. Bên cạnh đó, hát bả trạo còn thể hiện mong muốn, khát khao bình yên, cầu mong một năm mùa màng bội thu, no ấm.
Hát bã trạo trong lễ tế cúng Cá Ông...
Hát bội là bộ môn nghệ thuật mà diễn viên thường trang điểm rất cầu kỳ. Những tuồng tích thấm đẫm đạo lý làm người được thể hiện trong những vở diễn, hướng con người sống tốt đẹp hơn trên những giá trị đạo đức truyền thống được xây dựng từ bao đời.
Múa Thiên Cẩu là hoạt động biểu diễn vật linh và thường đi liền với tết Trung thu, góp phần trừ tà, đem lại sự thái bình, phúc lành cho đời sống nhân dân.
Qua thời gian, vì nhiều nguyên nhân dẫn đến một số loại hình diễn xướng dân gian truyền thống đang trên đà mai một. Với sự quan tâm kịp thời từ các cấp chính quyền địa phương, hiện nay các loại hình nghệ thuật truyền thống đang dần được chú trọng và giữ gìn để vừa bảo tồn văn hóa truyền thống vừa phát huy vào thực tiễn phát triển du lịch địa phương. Bài chòi là hoạt động thường trực trong chương trình tham quan phố cổ Hội An về đêm, diễn ra tại khu vực gần vòng cung Chùa Cầu. Trong các dịp lễ hội vùng biển, hát bả trạo là hoạt động không thể thiếu. Hoạt động hát bội biểu diễn trong đêm phố cổ 14 âm lịch hàng tháng tại khu phố cổ. Múa Thiên Cẩu được duy trì trong các dịp lễ, đặc biệt là vào tết Trung thu.
Vận dụng văn hóa dân gian vào việc tổ chức các lễ hội, sự kiện đương đại nhằm thu hút du khách. Đó là cách làm hiệu quả của thành phố Hội An hiện nay
Đặc biệt khi Hội An đang trong quá trình gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO về lĩnh vực Nghệ thuật dân gian và Nghề thủ công, chính sách bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian đang được chú trọng và phát huy hiệu quả. Điều này không chỉ giúp khôi phục, bảo tồn các giá trị được xây dựng hàng trăm năm qua mà còn là cơ hội tạo động lực phát triển văn hóa, vận dụng vào đời sống, phát triển du lịch tạo nên những sản phẩm du lịch văn hóa chất lượng, đáp ứng thị hiếu cao của du khách.
Chính quyền thành phố Hội An đã bắt đầu triển khai nhiều đề án có tính ứng dụng thực tiễn, để tiếp tục giữ gìn những giá trị văn hóa, cũng như đào tạo thế hệ trẻ tham gia, tiếp nối, lưu giữ những loại hình diễn xướng dân gian truyền thống.
Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An