Nghệ nhân Dương Quý thủ vai nam chính trong các sự kiện, chương trình biểu diễn dân ca, Bài chòi ơ Hội An
Nhiều năm qua, những chương trình biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật Bài chòi Hội An tại nhiều sự kiện trong nước và quốc tế luôn có sự tham gia của nghệ nhân Dương Qúy. Gần nhất là tháng 9.2022, nghệ nhân Dương Qúy cùng đoàn diễn viên, nghệ sĩ của Trung tâm VH-TT&TT-TH TP Hội An đã có những ngày giao lưu, biểu diễn nghệ thuật dân gian Bài chòi tại “Tuần văn hoá-du lịch Long An năm 2022” để lại dư âm tốt đẹp, được khán giả và bạn bè vùng quê miền Tây yêu thích và mến mộ.
Nghệ nhân Dương Qúy (tên khai sinh là Nguyễn Văn Qúy) sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo thuộc thôn An Long, xã Quế Phong, huyện Quế Sơn. Ngày ấy, mỗi dịp Tết đến, xuân về, người trong làng lại tổ chức hội Bài chòi. Những câu hô hát của các cô, các chú, rồi những lần được vào vai lính lệ, cầm cờ hiệu chạy quanh sân khấu đã dần “thổi” niềm đam mê hô hát Bài chòi trong Dương Qúy.
Những năm 1994 – 2001, vừa đi học, đi làm và sinh sống tại thành phố Đà Nẵng, mặc dù cuộc sống khó khăn, vất vả, Dương Qúy vẫn thường xuyên tìm đến các nghệ sĩ, nhạc sĩ để xin học hát và tham gia phong trào hát dân ca tại đây. Sau đó, trong thời gian quân ngũ, Dương Qúy đã thể hiện được năng khiếu của mình khi tham gia biểu diễn phục vụ bộ đội và các chuyến làm công tác dân vận tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam.
“Rời quân ngũ ngũ, về địa phương, vì quá đam mê ca hát nên tôi quyết định tìm kiếm cơ hội để thử sức mình tại TP. Đà Nẵng. May mắn tôi gặp được thầy Nguyễn Ngọc Kỳ (đạo diễn của Đoàn ca múa Quân Khu 5). Thầy đã nhận tôi làm con nuôi và chỉ dạy tôi về nghệ thuật ca – kịch Bài chòi. Nhờ đó, tôi được thầy cho đi tham gia biểu diễn các chương trình văn nghệ, hội thi, hội diễn”.
Hát dân ca, diễn xướng dân gian Bài chòi luôn là niềm đam mê của nghệ nhân Dương Quý..
Cuối năm 2003, Dương Qúy được thầy Nguyễn Ngọc Kỳ giới thiệu làm cộng tác viên của Trung tâm VH-TT&TT-TH thành phố Hội An. Đây có thể coi là bước ngoặt trong hành trình nghệ thuật của anh. Tại đây, cùng với việc tự học hỏi, hành nghề, Dương Quý còn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ và các anh chị diễn viên đi trước. Những ngày cuối tuần, Dương Qúy còn tranh thủ chạy xe vào Tam Kỳ học thêm kỹ năng hát, học diễn kịch từ các nghệ sĩ chuyên nghiệp của Đoàn ca kịch Quảng Nam.
Chính nhờ sự cố gắng học hỏi, dần dần, Dương Qúy đã có thể đảm nhận vai trò là diễn viên chính trong các tiểu phẩm, kịch hát dân ca, hô hát Bài chòi đến thủ vai nam chính trong hầu hết các sự kiện, hội diễn của thành phố và các hội thi cấp tỉnh cũng như các hoạt động giao lưu quốc gia và quốc tế.
Tính đến nay, nghệ nhân Dương Qúy đã đoạt nhiều giải thưởng, đáng chú ý là: giải Xuất sắc tại “Liên hoan Nghệ thuật quần chúng” Quân khu V (năm 2001); giải nhất đơn ca, tam ca tại Liên hoan tiếng hát “Hội Hoa Xuân” TP Đà Nẵng (năm 2003); huy chương Liên hoan “Giọng hát hay” tỉnh Quảng Nam năm 2004; huy chương vàng Hội thi “Tuyên truyền lưu động” tỉnh Quảng Nam (năm 2011, 2013, 2016)…
Dương Qúy chia sẻ: “Để có được những thành tích trong nghệ thuật, ngoài sự nỗ lực của bản thân, tôi luôn biết ơn sự chỉ dạy, dìu dắt, giúp đỡ của những người thầy như nhà biên kịch – đạo diễn Nguyễn Ngọc Kỳ (Đoàn ca múa Quân Khu 5), NSND Từ Minh Hiệp, NSƯT Đỗ Linh, NSƯT Trần Ngọc Thủy (Đoàn ca kịch Quảng Nam), tác giả và đạo diễn kịch bản dân ca Phạm Phú Sương (TP.Hội An, đã mất), Nghệ nhân ưu tú Lương Đáng, Nghệ nhân ưu tú Phùng Thị Ngọc Huệ (Trung tâm VH-TT&TT-TH thành phố Hội An)…”
Không chỉ dành tình yêu và niềm đam mê cho dân ca, Bài chòi, nghệ nhân Dương Qúy còn dành tâm huyết để truyền dạy kỹ năng và bồi đắp tình yêu đối với di sản văn hóa truyền thống của cha ông. Từ năm 2004, anh trực tiếp đứng lớp truyền dạy cho học sinh tại các trường THCS theo chương trình phối hợp đưa dân ca vào trường học giữa Trung tâm VH-TT Hội An và Phòng Giáo dục & Đào tạo thành phố.
Còn từ năm 2010 đến nay, nghệ nhân Dương Qúy đảm nhiệm các lớp dạy hát dân ca hàng đêm dành cho thiếu nhi tại phố cổ Hội An. Hình ảnh thầy Qúy cùng các em thiếu nhi say mê hát những làn điệu dân ca khiến nhiều du khách thích thú.
Cùng với việc truyền dạy những làn điệu hô hát, nghệ thuật diễn xướng, nghệ nhân Dương Qúy còn vun vén, khơi gợi cho lớp măng non phố Hội tình yêu, ý thức giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của cha ông, đặc biệt là loại hình nghệ thuật dân ca và Bài chòi đã được UNESCO công nhận là DSVHTG phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng thời cũng là một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, độc đáo của Hội An.
Dương Quý đánh đàn tại điểm hát dân ca trong Chương trình Đêm
Phố cổ Hội An
Bên cạnh đó, trong vài năm gần đây nghệ nhân Dương Qúy cũng tham gia và là nghệ nhân chủ chốt để truyền dạy, tập huấn kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật Bài chòi cho đội ngũ diễn viên, thầy cô giáo và học sinh nhiều địa phương trong tỉnh như: Nông Sơn, Tam Kỳ, Phú Ninh, Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc…
‘Sau đợt dịch Covid-19 kéo dài, ở các địa phương, nhiều người phải tập trung lo cho kinh tế gia đình nên nhiều khi các lớp truyền dạy cũng không đạt số lượng như mong muốn. Bên cạnh đó nhiều lúc đi dạy tại các địa phương ở xa nên việc đi lại cũng vất vả nhưng mình luôn tự nhủ phẩi cố gắng hết sức, tận tâm tận lực để truyền dạy, thỏa lòng yêu thích của lực lượng quần chúng ở các địa phương.
Nói chung, kể từ lúc đến với Bài chòi cho đến nay, có những lúc khó khăn, vất vả nhưng vì niềm đam mê nên mình đã nỗ lực để vượt qua. Lỡ yêu dân ca, yêu Bài chòi rồi nên sẽ luôn “cháy” hết mình, sẽ cống hiến trọn đời mình”, nghệ nhân Dương Qúy tâm sự.
Có được thành công trên con đường nghệ thuật, nghệ nhân Dương Qúy vẫn còn nhiều trăn trở, suy tư về lớp kế cận, về chế độ chính sách để nghệ nhân, nghệ sĩ có thể yên tâm gắn bó với Bài chòi và cũng để nghệ thuật Bài chòi được bảo tồn và phát huy giá trị hơn nữa trong đời sống đương đại.
“Hiện nay lớp nghệ nhân, nghệ sĩ kế cận chưa có nhiều vì nhiều lý do, trong đó có chính sách đãi ngộ còn thấp. Cho nên tôi rất mong muốn có chính sách đãi ngộ tốt hơn để giữ anh chị em nghệ sĩ cũng như giữ lửa nghệ thuật và tiếp tục thu hút nhân tố mới. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao hơn nữa chuyên môn cho nghệ sĩ hiện nay, đầu tư dàn dựng chương trình mới. Mong rằng các địa phương quan tâm nhiều hơn đến việc truyền dạy, mở thêm nhiều lớp tập huấn, truyền nghề với số lượng người học đông hơn”, nghệ nhân Dương Qúy nói.
ĐỖ HUẤN – PHAN SƠN