Không gian sáng tạo

Không gian sáng tạo

Mô hình khởi nghiệp từ nghề truyền thống Hội An- Củi lũ

 

 Củi lũ được ra đời với mục tiêu nhằm tạo sinh kế cho các nghệ nhân làng nghề, mang lại thu nhập ổn định mỗi tháng cho nhiều đối tượng lao động (từ nghệ nhân chạm khắc đến chú bảo vệ, cô tạp vụ, các em nhân viên bán hàng, bạn trẻ học nghê, học việc, thực tập…). Xây dựng ý thức, định hướng phát triển sự sáng tạo nghệ thuật cho đội ngũ nghệ nhân gần hơn với nhu cầu của thị trường về sản phẩm chạm khắc trang trí, có tính ứng dụng trong đời sống. Đồng thời mở các lớp học về chạm khắc gỗ để du khách trong và ngoài nước có những tri nghiệm mới, có cơ hội thực hành chạm khắc để tạo ra tác phẩm nghệ thuật độc đáo của riêng mình, tạo ra một sản phẩm du lịch xanh, bền vững tại Hội An.

          Làng Củi Lũ do anh Lê Ngọc Thuận, một nghệ sĩ nghiệp dư địa phương và là chủ chuỗi các nhà hàng, villa, homestay nổi tiếng ở Hội An sáng lập.

  Được hình thành từ năm 2020, với vài nghệ nhân điêu khắc tài giỏi nhưng bị mất việc vì dịch Covid, đến nay Làng đã có hơn 20 nhận sự phân bổ trong các công việc khác nhau từ điêu khắc chạm trổ đến sơn phủ tạo hình tác phẩm cũng như chăm sóc khách tham quan… Làng Củi Lũ là khu workshop về chạm khắc gỗ và là xưởng sản xuất sản phẩm gỗ mỹ thuật, quy tụ hàng chục thợ lành nghề, nhà điêu khắc và thợ gỗ đến từ tỉnh Quảng Nam để tạo nên những tác phẩm đẹp, mang tính nghệ thuật và độc đáo từ củi lũ (gỗ trôi từ thượng nguồn sông Thu Bồn), gỗ tái chế và các vật liệu tự nhiên bền vững khác. Sau hơn ba năm vận hành, cho đến nay Làng củi lũ đã sản xuất hàng nghìn sản phẩm với mẫu mã đa dạng từ gỗ trồng bền vững, đặc biệt có hơn 300 tác phẩm nghệ thuật chứa đựng ý nghĩa văn hoá đặc sắc từ củi lũ được sáng tác và trưng bày tại khu triển lãm cho du khách tham quan. Củi lũ thường xuyên tổ chức các workshop khắc gỗ và trang trí sản phẩm gỗ đã được chạm khắc, sử dụng các phôi từ gỗ rừng bền vững, qua đó giúp du khách cơ hội trải nghiệm sáng tạo các tác phẩm thủ công mỹ nghệ, hiểu sâu thêm về văn hoá địa phương và nâng cao nhận thức về việc sử dụng các vật liệu tái chế một cách bền vững, giữ gìn môi trường sống. 

         Mô hình ghe thuyền tại Làng Củi lũ

Củi lũ cũng tổ chức các Chợ phiên nghệ thuật tương tác hàng  tháng như một sự kiện quy tụ, kết nối các thợ thủ công, nhà sáng tạo và cộng đồng cùng nhau chia sẻ nghệ thuật thông qua các trải nghiệm tương tác, workshop và xây dựng cộng đồng. Công chúng đến chợ phiên có cơ hội được trải nghiệm các hoạt động học tập giải trí đa dạng như: tham gia tạo tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, giao lưu với các nghệ sĩ, nghệ nhân, tìm hiểu và thưởng thức các món ăn độc đáo của địa phương, mua sắm các sản phẩm từ các gian hàng thân thiện với môi trường và củng cố niềm tự hào, sự cố kết cộng đồng.

          Làng Củi Lũ cũng là nơi hỗ trợ, truyền cảm hứng và ươm mầm cho các thợ thủ công mới vào nghềcác nhà sáng tạo trẻ ở địa phương phát triển kỹ năng và tài năng của họ. Củi lũ  cung cấp miễn phí các Chương trình Cố vấn cho các bạn trẻ Việt Nam quan tâm đến việc học về nghệ thuật điêu khắc gỗ và mong muốn tiếp tục nối dài truyền thống của nghề mộc, nghề chạm khắc gỗ của địa phương.  

 Làng Củi Lũ, workshop chạm khắc gỗ và Chợ Phiên nghệ thuật tương tác Hội An đang từng bước nhận được sự quan tâm của cộng đồng và tạo nên những trải nghiệm ý nghĩa, đáng nhớ và độc đáo. Sau những năm tháng xây dựng, phát triển, hiện nay Làng củi lũ đã là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi đến với Hội An, là sự lựa chọn ưu tiên của các đoàn tham quan giao lưu văn hoá làng nghề từ nhiều quốc gia trên thế giới đến tham quan học hỏi. Bên cạnh đó, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ do những nghệ nhân lành nghề của địa phương sáng tạo nên đã chiếm đựơc cảm tình của nhiều du khách như một món quà lưu niệm ý nghĩa, một sản phẩm trang trí ưa thích trong những không gian sống hiện đại.

 Củi lũ đã tham gia một số hoạt động văn hoá trong nước và quốc tế, qua đó góp phần truyền đi các thông điệp, thiết thực nâng cao nhận thức về sử dụng vật liệu tái chế, bảo vệ môi trường và giữ gìn văn hoá địa phương. Người sáng lập Củi lũ vinh dự được là một trong 100 nghệ nhân làng nghề tham gia gặp mặt  chủ tịch nước trong sự kiện “Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam 2023”. Đại diện Cũi lũ cũng liên tục tham gia các Diễn đàn “khởi nghiệp quốc gia - Đại hội công nghiệp du lịch quốc gia”  tham gia triển lãm tại địa phương với thông điệp về bảo vệ môi trường biển. Ngoài ra, Củi lũ cũng tham gia nhiều sự kiện giao lưu văn hoá nghệ thuật quốc tế như: Hội ngộ sắc màu giữa Việt Nam - Ba Lan năm 2023, Ngày hội văn hoá Hội An tại Paris năm 2023, Seminar project on Asean green Cultural Entrepreneur”tại Thái lan năm 2023, tham gia thiết kế thi công và trưng bày tác phẩm cố định tại Khu vườn Hội An, thành phố Wernigerode (bang Sachsen-Anhalt, CHLB Đức) năm 2023 nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ hữu nghị giữa thành phố Hội An và thành phố Wernigerode (2013 – 2023).

Hoà chung vào động lực, khát vọng của thành phố Hội An với tư cách là thành viên của mạng lưới thành phố Sáng tạo Unesco, Làng củi lũ tiếp tục  hướng đến các mục tiêu như: bảo tồn, phát huy làng nghề mộc truyền thống Kim Bồng tại địa phương, thúc đẩy giao lưu, học hỏi kinh nghiệm ở lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian của các thành phố sáng tạo trong mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO, từ đó có thể tạo thêm nhiều giá trị mới nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của các nghệ nhân chạm khắc, đồng thời góp phần vào xây dựng Hội An như một thành phố văn hoá - sinh thái, du lịch, thành phố sáng tạo, xanh và bền vững. 

        Lê Ngọc Thuận

 

 

Go top