Tin tức

Tin tức

Làng gốm cổ Thanh Hà hút khách tham quan

 Làng gốm cổ Thanh Hà, P. Thanh Hà, TP Hội An (Quảng Nam) lại tấp nập đón khách đến tham quan, trải nghiệm. Không chỉ được hòa mình trong không gian làng quê mộc mạc, thanh bình, họ còn được trải nghiệm khi tự tay làm ra những sản phẩm gốm độc đáo, hay thích thú lựa chọn những món quà lưu niệm cho người thân và bạn bè.

Gốm Thanh Hà đặc biệt bởi được làm từ loại đất sét màu nâu, đặc, dẻo và có độ kết dính cao nằm dọc hạ lưu sông Thu Bồn. Nét độc đáo của gốm Thanh Hà là đất màu vàng, khi nung lên màu đỏ, giữ được độ ẩm rất tốt. Hoa cắm trong bình gốm Thanh Hà có thể tươi lâu hoặc nấu cơm, kho cá bằng nồi gốm Thanh Hà cũng rất ngon. Trải qua dòng chảy của cuộc sống cùng những phương tiện hiện đại hấp dẫn người tiêu dùng nên gốm Thanh Hà nổi tiếng một thời ở xứ đàng trong có giai đoạn tưởng chừng như rơi vào quên lãng. Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, những trã, nồi, om làm ra không có người mua, những nghệ nhân trong làng phải chuyển sang làm bùng-binh (bình đựng tiền tiết kiệm), ngói… để giữ cho ngọn lửa nghề được cháy mãi.

Đến khi phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản Văn hóa thế giới, nhờ sự tích cực của chính quyền địa phương cùng tinh thần giữ lửa của các nghệ nhân và dân làng nghề, gốm cổ Thanh Hà bước vào giai đoạn hồi sinh, trở thành điểm kết nối du lịch không thể thiếu trong hành trình thăm đô thị cổ, là bảo tàng sống động của di sản văn hóa thế giới… Ông Nguyễn Thanh Hùng- thành viên Ban Quản lý làng gốm Thanh Hà cho biết: Sau dịch COVID-19, lượng khách du lịch quay trở lại làng gốm rất đông. Trung bình mỗi ngày, làng gốm đón khoảng 1.500 du khách với giá vé 35.000đ/người. Khách du lịch đến làng gốm cổ rồi từ đây đi thuyền trên sông Thu Bồn, vui chơi trong đêm ở phố cổ. Ông Hùng cho biết thêm, vào giai đoạn khó khăn, cả làng chỉ còn 8 hộ gia đình còn theo nghề gốm. Gần như các lò gốm đều đã tắt lửa. Nhiều người bỏ nghề đi nơi khác tìm kế sinh nhai. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền thành phố cùng sự nỗ lực của từng gia đình nghệ nhân, làng gốm đã thật sự hồi sinh, vươn lên mạnh mẽ...

Bà Nguyễn Thị Vân, trú KP Nam Diêu, P. Thanh Hà, cho biết, gia đình bà đã 5 đời làm nghề gốm. Nổi tiếng nhất là nghệ nhân Nguyễn Thị Được-bà nội bà Vân. Sau nhiều thăng trầm, cả gia đình bà Vân với 9 lao động đều sống bằng nghề gốm. Ngoài lò gốm là nơi làm ra sản phẩm cũng là nơi dành cho khách trải nghiệm, gia đình còn có không gian trưng bày, bán nhiều sản phẩm gốm đẹp mắt. Mỗi người có một công việc riêng, như bà Vân cùng con gái biểu diễn các công đoạn làm gốm, chồng bà Vân có thể sử dụng 5-6 ngoại ngữ làm công việc giao tiếp, bán hàng… Ngoài thu nhập từ việc bán sản phẩm làm ra cho khách du lịch, những nghệ nhân làm gốm còn nhận một khoản hỗ trợ từ nguồn bán vé cho khách tham quan.

Qua tìm hiểu được biết, UBND TP Hội An thực hiện chủ trương bán vé, đầu thu tiền khách tham quan cách đây 10 năm. Toàn bộ số tiền thu từ bán vé được sử dụng để làm đẹp cảnh quan làng gốm, tôn tạo bờ kè và chi trả lương cho những nghệ nhân làm gốm. Theo Ban Quản lý làng gốm Thanh Hà, mức chi trả tùy theo số lượng vé bán ra. Tháng cao nhất được 5-6 triệu đồng/người/tháng. Thấp thì gần 3 triệu đồng/người. Hiện tại, làng gốm Thanh Hà có 60 người được hưởng mức lương này. Ngoài ra, người dân có cửa hàng bán sản phẩm cho khách sẽ được miễn thuế nhưng tuyệt đối không được bán với giá cao vì có sự theo dõi, giám sát từ Ban Quản lý. Ông Lê Hương (1958-nghệ nhân), cho biết: Công việc của ông là nhồi đất, phơi gốm và đưa gốm vào lò. Nếu làm đủ công thì được 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông Hương cũng được hưởng lương 3 triệu/tháng để giữ nghề. Tương tự, nghệ nhân Nguyễn Lành, tâm sự: “Những năm trước, cả làng “xác xơ” vì sản phẩm làm ra chẳng biết bán cho ai. Thế nhưng, từ khi khách du lịch đến với Hội An ngày càng nhiều cùng với những chính sách đúng đắn của Nhà nước được áp dụng, ngọn lửa lò gốm tưởng lụi tàn ngày nào đã được nhen nhóm, vụt sáng lên. Sản phẩm gốm Thanh Hà nay đa dạng hơn, vừa phục vụ khách du lịch và phục vụ trang trí cho một số công trình…”.

Có thể nói, Việt Nam có không ít làng gốm cổ đứng trước nguy cơ thất truyền, cần bảo vệ khẩn cấp. Có làng gốm chuyển đổi sang các sản phẩm sành sứ tinh sảo, hoa văn đẹp mắt để thích nghi với đời sống hiện đại. Với gốm Thanh Hà, bảo tồn, phát huy giá trị vốn cổ gắn với phát triển du lịch đã tạo được sự đồng thuận từ người dân. Hy vọng, các lò gốm nơi đây luôn đỏ lửa để đời sống người dân ngày càng khấm khá hơn.

M.T- Báo CADN

Go top