Tin tức

Tin tức

Khách Tây nhìn qua mắt cửa phố Hội

manuel-buemberger-1(1).jpg

Vì thích Hội An, Manuel Buemberger đã chọn chụp ảnh cưới tại không gian phố Hội. Ảnh: NVCC

Giữ hồn phố, hồn người

Dừng chân trước nhà cổ Phùng Hưng (số 4 Nguyễn Thị Minh Khai) - căn nhà với hơn 240 năm tuổi, Manuel thắc mắc về hai “mắt cửa” được gắn phía trên cửa chính của ngôi nhà này và hàng loạt công trình kiến trúc khác.

Manuel kể, thành phố Innsbruck - nơi anh sinh sống là một trong những điểm đến quyến rũ nhất ở nước Áo. Innsbruck có những khu phố tồn tại từ thời Trung cổ, có những con đường hẹp dài và những ngôi nhà cao tầng mang phong cách Gothic.

“Thế nhưng, Innsbruck và những nơi tôi đã đi qua ở châu Âu không có “thần giữ nhà” như thế này. Tôi nghĩ “mắt cửa” được chạm khắc cầu kỳ và những họa tiết trang trí ở các công trình tại Hội An đều mang triết lý của phương Đông”, Manuel bày tỏ.

Và Huyền My - cô hướng dẫn viên các di tích tại Hội An, dẫn lại lời của các nhà nghiên cứu văn hóa để Manuel Buemberger hiểu về ý nghĩa “linh vật” này tại Hội An.

Manuel Buemberger nói, ngoài “mắt cửa” ở trung tâm phố cổ, anh đặc biệt thích những khung cửa được làm theo dạng phía trên chấn song, phía dưới là gỗ kín.

Những ô cửa luôn gợi mở nhiều điều, bởi nếu đứng bên trong, ta có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn sự chuyển động có lúc ồn ào, có lúc chậm rãi trên đường phố.

Nếu từ ngoài nhìn vào, qua ô cửa, bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận sự ấm cúng, thông thoáng và bình lặng của ngôi nhà.

Trong không gian lãng đãng và tĩnh mịch của Hội An, những ô cửa tạo không gian vừa đủ để gieo vào lòng người bao cảm thức về đời sống.

“Người Hội An quan niệm con người và vạn vật đều có mắt để nhìn đời và nhìn lòng mình, thì đồ vật gắn với con người cũng phải có mắt. Cái thuyền là nhà nổi trên sông phải được vẽ mắt trước khi hạ thủy, cái nhà trên đất cũng phải có mắt để ngăn ngừa tai ương cho gia chủ.

Người Hội An treo “mắt cửa” ở cửa chính, xem đây là “mắt thần” canh giữ ngôi nhà, canh giữ luồng sinh khí từ ngoài vào nhà và ngược lại, bảo vệ gia chủ khỏi những rủi ro, tai ương; đồng thời thể hiện khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thành ra, “mắt cửa” vừa là vật trang trí, vừa mang yếu tố tâm linh của người phương Đông”, Huyền My nói.

Huyền My (28 tuổi) không phải là người gốc Hội An. Nhưng ngay lần đầu đến phố cổ, cô đã để ý những “đôi mắt” vốn có muôn hình dạng.

“Có câu nói mà mình rất thích rằng, con mắt chúng ta nếu không cung cấp một giới hạn thì nó sẽ rong chơi khắp lượt. Giới hạn của “mắt cửa” ở Hội An này là giữ nhà, giữ hồn phố - hồn người, nên dù nắng mưa, bão lũ, nó vẫn là linh hồn vẹn nguyên của phố Hội”, Huyền My bày tỏ.

Tín ngưỡng thờ môn thần

Có nhiều cách lý giải về “mắt cửa” ở Hội An. Người dân Hội An cho rằng, trước đây, nơi này là thương cảng sầm uất. Phỏng theo tập tục cư dân sông nước ở nhiều nơi trên thế giới, người Hội An đã vẽ lên ghe thuyền những đôi mắt ở hai bên mũi thuyền để dẫn lối đưa đường cho thuyền vượt qua phong ba bão táp và đến những ngư trường đầy tôm cá, đồng thời gắn “mắt cửa” lên nhà ở của họ để bảo vệ ngôi nhà. Tuy nhiên, chưa có công trình khảo cứu nào khẳng định lý giải này.

manuel-buemberger-2-1-.jpg

Hội An trở thành nơi chứng kiến tình yêu của Manuel Buemberger. Ảnh: NVCC

Điều đặc biêt, “mắt cửa” ở Hội An chỉ xuất hiện trong những di tích kiến trúc dân dụng và kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng của người Hoa, nhưng hiếm thấy trong những ngôi nhà, đình, chùa của người Việt.

Tại Trung Quốc, nhiều ngôi nhà của người tộc Bạch, cách trung tâm thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam khoảng 40km, kiểu thức chạm khắc “mắt cửa” không phong phú như ở Hội An, nhưng người dân địa phương nói rằng đây là hình thức tín ngưỡng thờ “thần Cửa”.

Nghiên cứu từ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng, “mắt cửa” là một trong những hình thức thờ “Môn thần” trong tín ngưỡng dân gian của người Hoa ở Hội An.

Song, mỗi du khách có cách cảm nhận khác nhau về “mắt cửa” nên cũng có cách hiểu khác nhau. Lương Khánh Huyền (33 tuổi), đến từ Hà Nội, cho biết “mắt cửa” hiện diện ở mỗi nhà cổ khiến cô cảm giác có ánh mắt dõi theo từng bước chân của mình cũng như bao du khách khác.

Bởi vậy, du khách bất chợt ý thức về việc cần nói năng nhẹ nhàng, đi đứng từ tốn hơn khi tản bộ, khi thăm các ngôi nhà cổ, khi trò chuyện với người bản địa, cũng như khi mua hàng hóa.

Cùng xu hướng hội nhập, Hội An không tránh khỏi những va đập. Trong dòng chảy tiếp biến văn hóa, những “đôi mắt” vẫn hiện hữu cùng hơn 1.400 di tích, là điều cần được gìn giữ để luôn là nét đẹp riêng biệt trong văn hóa tín ngưỡng của người phố Hội.

baoquangnam

Go top