Hiện nay, Hội An đang triển khai kế hoạch chuyển đổi số, từng bước hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt cộng đồng của người dân.
Thay đổi bằng công nghệ số
Từ năm 2018, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hoá Hội An đã được UBND thành phố Hội An chọn là đơn vị triển khai thực hiện thí điểm mô hình văn bản không giấy, đến nay mô hình đã đi vào nề nếp. Đến năm 2021, Trung Tâm Văn hoá Thể thao và Truyền thanh Truyền hình thành phố Hội An triển khai kế hoạch “Xây dựng hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT- Viễn thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025”.
Cũng từ năm 2021, xã Cẩm Thanh là một trong 15 xã đã được UBND tỉnh Quảng Nam thí điểm xây dựng “Xã thông minh”, tập trung vào 5 nhóm hoạt động chính là xây dựng hạ tầng số, giao tiếp với người dân, thương mại điện tử, quảng bá thương hiệu địa phương và các dịch vụ thông minh.
Bà Trần Thị Thu Hoà – Bí thư Đảng uỷ xã Cẩm Thanh cho biết, với việc ứng dụng các phần mềm dùng chung trong quản lý công việc như Q-office, Hệ thống thông tin báo cáo LRIS, các phần mềm quản lý cán bộ, kế toán, các group Zalo, trang thông tin điện tử…, góp phần truyền tải thông tin kịp thời đến người dân, giữa cán bộ công chức, thuận lợi trong quản lý dữ liệu. Trong giao tiếp với công dân, Cẩm Thanh phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn cài đặt ứng dụng Smart Quảng Nam, PC-Covid, phối hợp với Bưu điện thúc đẩy thương mại điện tử khi phối đưa sản phẩm OCOP 3 sao nước mắm Tư Tài lên sàn Postmart,…
Một góc Hội An trên Bizverse World
“Ban đầu triển khai gặp không ít khó khăn nhưng địa phương đã từng bước hình thành hạ tầng số và đào tạo, hướng dẫn chuyên môn. Từ đó, các thủ tục hành chính, đơn thư của người dân được giải quyết nhanh hơn. Cán bộ cũng đã tiếp cận các phần mềm, thao tác nghiệp vụ nhanh hơn” – Bà Trần Thị Thu Hoà, nói.
Tháng 3/2022, thành phố Hội An hợp tác với Bizverse dùng Metaverse để chuyển đổi số toàn diện trên lĩnh vực du lịch, xây dựng không gian 360 Space của Hội An trên Bizverse World, kết nối website VRTour vào hệ thống Metaverse của Bizverse và đưa hệ thống bán hàng, bán vé tham quan qua hình thức thương mại điện tử của Bizverse,… “Thông qua nền tảng vũ trụ ảo sẽ giới thiệu Hội An với bạn bè thế giới sâu rộng hơn, giúp du khách có thể tham khảo lựa chọn để có trải nghiệm du lịch, qua đó thu hút thêm du khách trong nước và quốc tế đến với Hội An” – Bà Trương Thị Ngọc Cẩm – Giám đốc Trung Tâm Văn hoá Thể thao và Truyền thanh Truyền hình thành phố Hội An, cho biết.
Yêu cầu cấp thiết
Qua hoạt động giám sát, bà Huỳnh Thị Kim Dung – Trưởng Ban KT-XH HĐND thành phố Hội An cho biết: “Trước thực tế đội ngũ cán bộ xã phường và thành phố mỏng như hiện nay, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin là yêu cầu cấp bách”.
Theo kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số thành phố Hội An đến năm 2023, định hướng đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2030 (ban hành cuối tháng 11/2021), chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn thành phố, đưa Hội An trở thành địa phương thuộc nhóm đầu của tỉnh về chuyển đổi số. Hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt cộng đồng của người dân.
Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho hay, để đạt mục tiêu đó, giải pháp nền móng chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số đồng thời phải đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Nhiệm vụ thứ hai là phát triển hạ tầng chính quyền số, tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây đồng thời đưa toàn bộ dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3, mức độ 4,… Nhiệm vụ thứ ba là phát triển kinh tế số, thu hút, khuyến khích phát triển doanh nghiệp công nghệ số; thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh; phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số,… Đặc biệt, để phát triển xã hội số, Hội An có kế hoạch đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, người lao động và cộng đồng.
“Không có công nghệ thông tin thì hoạt động công sở không cách nào hiệu quả được. Thực tế, tất cả các phong trào thi đua trên địa bàn cần phải gắn liền với công nghệ thông tin, phải làm chủ thông tin để phục vụ chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính, làm cầu nối với Nhân dân. Thành phố đã giao cho Phòng Văn hoá và Thông tin lập Đề án chuyển đổi số gắn với xây dựng Hội An – Đô thị thông minh” – Ông Nguyễn Văn Lanh, nói.
Hiện nay, một số lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số là y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, văn hoá thể thao du lịch và truyền thanh truyền hình, hướng tới phát triển chính quyền số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, xây dựng Hội An thành phố thông minh./.
Nguồn tin: Đài Truyền thanh- Truyền hình Hội An