Không gian sáng tạo

Không gian sáng tạo

Hội An – Từ thành phố Di sản thế giới đến thành phố sáng tạo toàn cầu

Hội An là một trong 7 thành phố được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn để thực hiện “Đề án phát triển Mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO”. Đây là sự chuyển động mới cho hành trình từ Thành phố di sản thế giới đến Thành phố sáng tạo toàn cầu.

      Thành phố sáng tạo và phát triển bền vững


      “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO” được thành lập năm 2004 (hiện có 246 thành phố thành viên) nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố được vinh danh quốc tế với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.

      Tham gia vào mạng lưới này, các thành phố cam kết chia sẻ những thực hành tốt nhất, đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức gắn liền với trách nhiệm, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, phát triển hợp tác với khu vực công và tư cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp nhằm: Tăng cường sáng tạo, sản xuất, phân phối và truyền bá về các hoạt động, hàng hóa và dịch vụ văn hóa; phát triển các không gian sáng tạo và đổi mới, mở rộng cơ hội cho những người sáng tạo và chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa; nâng cao việc tiếp cận và tham gia vào đời sống văn hóa, đặc biệt đối với các nhóm và cá nhân yếu thế, dễ bị tổn thương; lồng ghép văn hóa và sáng tạo vào các kế hoạch phát triển bền vững.

      Các địa phương thuộc các quốc gia có thể lựa chọn 1 trong 7 nội dung để làm tiêu chí khi xây dựng hồ sơ đề nghị tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO” gồm: 1) Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, 2) Thiết kế, 3) Điện Ảnh, 4) Ẩm thực, 5) Văn học, 6) Nghệ thuật truyền thông đa phương tiện, 7) Âm nhạc.

      Hội An có rất nhiều lợi thế, cơ hội tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO”. Là một thành phố rất nhỏ nhưng Hội An luôn mang tính quốc tế cả trong quá khứ lẫn hiện tại, có thể chỉ ra rất nhiều thực thể là kết quả của quá trình giao thương và giao lưu văn hóa ở cấp độ quốc gia, khu vực, châu lục và toàn cầu. Các yếu tố văn hóa từ nhiều nguồn đã trải qua quá trình giao thoa, thẩm thấu, quyện hòa, gạn lọc, tiếp biến, sáng tạo để rồi ngưng kết, định hình nên sắc riêng, rất độc đáo. Di sản văn hóa Hội An do tiền nhân sáng tạo trong lịch sử đã vượt qua sự tác động khắc nghiệt của môi trường tự nhiên, xã hội, sự tàn phá của chiến tranh và cho đến nay vẫn được bao thế hệ con người Hội An trân trọng, nâng niu, giữ gìn, bảo tồn, phát huy một cách đầy sáng tạo và hiệu quả.

      Văn hóa Hội An ngày càng được nhận diện đầy đủ hơn với tư cách là một phức hợp di sản lịch sử, văn hóa, nhân văn, kiến trúc đô thị. Hội An cần có những cơ chế, chính sách, giải pháp tiếp tục chủ động mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường. Trong dòng chảy của toàn cầu hóa, Hội An rất cần tiếp nhận các yếu tố ngoại sinh một cách có chọn lọc để không ngừng làm giàu thêm và tiếp tục tạo ra giá trị gia tăng từ văn hóa bản địa, phát triển du lịch một cách bền vững. Việc được công nhận “Thành phố sáng tạo của UNESCO” là cơ hội tốt để thành phố Hội An quảng bá sự đa dạng các biểu đạt văn hóa của một vùng đất giàu tiềm năng sáng tạo, đóng góp vào những mục tiêu bền vững và tăng trưởng đa chiều như: bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa, sự thịnh vượng về kinh tế và cố kết xã hội, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt, qua đó củng cố, tiếp nối truyền thống sáng tạo đã có gốc rễ bền lâu trong lịch sử thành phố và tiếp tục thích ứng, nâng lên một tầm cao mới phù hợp với bối cảnh đương đại, dựa trên đổi mới sáng tạo và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn văn hóa, nguồn vốn con người và các nguồn tài nguyên khác của Hội An.

      Nội lực sáng tạo của Thành phố di sản thế giới

      Có thể đưa ra nhiều minh chứng về sự sáng tạo điển hình của cộng đồng cư dân Hội An qua diễn trình lịch sử. Các thế hệ tiền nhân Hội An đã đồng cam cộng khổ, biến bờ bãi hoang vu thành những làng quê trù phú, lao động sáng tạo dựng nên đô thị thương cảng quốc tế một thời phồn thịnh. Các thế hệ cộng đồng Hội An với tất cả tấm lòng tri ân công đức tiền nhân, trân trọng di sản ông cha tạo dựng, đã sáng tạo trong việc gìn giữ, tô bồi làm cho các giá trị văn hóa càng thêm tỏa sáng. Hội An vừa hội nhân (nơi tụ cư, hợp cư của con người từ nhiều lớp, nhiều nguồn, nhiều dân tộc), hội thủy (hợp lưu của ba nguồn sông lớn xứ Quảng), hội văn (kế thừa văn hóa Sa Huỳnh - Champa, văn hóa Việt và sự hội nhập văn hóa Nhật Bản, Trung Hoa, phương Tây), vừa mang trong mình những chồng lớp sáng tạo cộng đồng với dấu ấn văn hóa đặc sắc.
 

toan canh pho co nhin ve cu lao

Một góc phố cổ nhìn từ hướng tây - Ảnh: Quang Ngọc


      Bên cạnh những giá trị nổi bật toàn cầu của Khu phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới và Cù Lao Chàm Hội An - Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Hội An còn được biết đến là nơi du nhập Thiên Chúa giáo đầu tiên ở Đàng Trong, là cái nôi ra đời chữ Quốc ngữ, là nơi khai sinh Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh của Phật giáo ở Đàng Trong vào cuối thế kỷ XVII. Hội An còn là nơi lưu giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo mà tiêu biểu là nghệ thuật hô hát Bài chòi đã được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hội An là một “Thành phố văn hóa” tiêu biểu của cả nước và là “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu thế giới” (được vinh danh 3 năm 2019, 2021, 2022 của Ban tổ chức giải thưởng du lịch thế giới).

      Quần thể kiến trúc đô thị cổ Hội An là một di tích sống, là nơi cư trú, sinh hoạt, giao tiếp, lao động sáng tạo và lưu giữ các giá trị văn hóa. Từ bao đời nay người Hội An vẫn “sống cùng phố cổ, sống với phố cổ, sống vì phố cổ”. Có thể nói hiếm có nơi nào tập trung mật độ di tích dày đặc như ở Hội An với một quần thể kiến trúc nghệ thuật thuộc các công trình dân dụng (nhà ở, cầu, giếng, chợ), công trình tín ngưỡng (đình, chùa, lăng miếu, hội quán, nhà thờ tộc) và công trình đặc thù (mộ). Mỗi loại hình kiến trúc đều có những đặc điểm, sắc thái riêng nhưng đó là sự kết hợp hài hòa giữa không gian, bố cục và sự đan quyện tài tình giữa các phong cách kiến trúc Việt - Hoa - Nhật - Phương Tây. Những đường phố nhỏ, mái chùa cong uyển chuyển, tường nhà so le trồi thụt, mái ngói âm dương nhấp nhô, bờ nóc giật cấp mềm mại, ngõ hẻm thâm trầm rêu phong, đôi mắt cửa huyền bí, hoa văn chạm trổ tuyệt nghệ,... làm cho “vẻ đẹp không trùng lặp” của phố cổ Hội An chứa đựng trong sự phong phú của các kiểu dáng kiến trúc, những cái điển hình gắn kết trong sự đa thể, đồng thời được tô điểm ở sự kết dính hoàn hảo từng di tích với nhau.

      Các thế hệ cộng đồng Hội An đã sáng tạo ra một cấu trúc làng trong phố và phố trong làng; hình thái đô thị lồng ghép và đan xen bên trong hệ thống cảnh quan sinh thái, tạo nên mô hình đô thị có bản sắc và lưu giữ những giá trị về đa dạng sinh học của Hội An. Hạt nhân của mô hình đô thị đặc trưng này chính là văn hóa và con người, tinh thần cố kết cộng đồng ở làng cũng như ở phố, vai trò và trách nhiệm chủ thể của người dân trong các hoạt động văn hóa, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Sẽ không quá lời khi khẳng định rằng phẩm chất và nếp sống “Nhân tình thuần hậu” là phần tinh túy nhất và hồn cốt của văn hóa Hội An. Bên cạnh đó, Hội An chứa đựng trong mình những di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú và đa dạng. Trong đó, văn hóa làng nghề, nghề truyền thống vang tiếng khắp nơi, cùng với kho tàng văn nghệ dân gian muôn hình muôn vẻ là những thành tố quan trọng tạo thành và truyền tiếp dòng chảy văn hóa Hội An.
 

lang rau tra que

Làng rau Trà Quế - Ảnh: Quang Ngọc
 

      Nghề thủ công của cộng đồng cư dân Hội An sáng tạo rất đa dạng, phong phú, đặc sắc. Các làng nghề là những thực thể văn hóa sống động, gắn với quá trình phát triển của các vùng đất và cộng đồng dân cư, với các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, không gian văn hóa, cảnh quan địa lý - sinh thái của từng làng xã. Với những nỗ lực không ngừng trong bảo tồn và phát huy, đến nay các nghề khai thác yến sào Thanh Châu, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà và nghề trồng rau Trà Quế đã được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, Hội An cũng nổi tiếng với các nghề thủ công như: làm đèn lồng, da, may mặc, đầu lân, mặt nạ, hoa đăng, chạm trổ, điêu khắc, đắp vẽ,… Đặc biệt gần đây, Hội An đã xuất hiện những nghệ nhân tiên phong trong các nghề thủ công sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật độc đáo từ đất sét, tre, củi lũ, bẹ dừa nước, gốc cây, các vật liệu tái chế hay những thứ rác thải. Ở một góc nhìn khác, nghề thủ công chế biến gắn với văn hóa ẩm thực dân gian là kho tàng sáng tạo độc đáo của cộng đồng Hội An.

      Tuy nằm trong không gian văn hóa chung của Xứ Quảng, nhưng các hình thái, loại hình văn nghệ dân gian ở Hội An có những sắc thái riêng, không trùng lặp, tạo nên một dấu ấn sáng tạo, độc đáo. Hội An có một kho tàng văn hóa, văn nghệ vô cùng phong phú, bao gồm ngữ văn dân gian, nghệ thuật diễn xướng dân gian, nghệ thuật tạo hình dân gian, tri thức dân gian,… Trong đó, nghệ thuật Bài chòi đã quá quen thuộc và vang danh, có thể kể đến các loại hình dân ca, hát bội, hò khoan, bả trạo, sắc bùa, múa tứ linh, hò đưa linh,... là những loại hình văn nghệ dân gian khá phổ biến ở Hội An, là chất liệu cơ bản của các sản phẩm văn hóa - du lịch đầy sáng tạo và độc đáo của Hội An như các chương trình Đêm phố cổ, Phố không động cơ, Phố đêm dành cho người đi bộ, Đêm Hoài Giang, Hô hát bài chòi và chơi bài chòi. Đáng kể hơn, văn nghệ dân gian Hội An đã góp mặt hầu như khắp nơi trên đất nước Việt Nam và được mời đi biểu diễn ở Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Italia, Hungary, CHLB Đức,…

      Hành trình đến với Thành phố sáng tạo

      Hội An đã cân nhắc rất nhiều trong quá trình lựa chọn lĩnh vực tiếp cận và cuối cùng đã chọn mảng nghề thủ công và văn nghệ dân gian để tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO” bởi đây là lợi thế cốt lõi của địa phương. Các quan điểm và phương châm hành động là: Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kế thừa, bảo tồn và phát triển, bản sắc chung và tính đặc thù, văn hóa và văn minh; bảo tồn và phát huy nghề truyền thống và văn nghệ dân gian ở Hội An hướng đến thành phố sáng tạo để phát triển du lịch phải gắn với việc tăng cường sinh kế và cải thiện đời sống của cộng đồng địa phương; đáp ứng nhu cầu trải nghiệm đa dạng của du khách, vừa thân thiện với môi trường, tạo ra tính cạnh tranh và hấp dẫn cao của thương hiệu điểm đến du lịch Hội An; có sự tham gia tích cực của cộng đồng (người dân, nghệ nhân, văn nghệ sĩ, tầng lớp tinh hoa bình dân, văn nghệ sĩ, doanh nhân…) vào các quyết định liên quan đến sáng tạo và phát triển và các thực hành sáng tạo vì sinh kế và kết nối cộng đồng; chú trọng phát triển năng khiếu và tài năng trẻ để đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, truyền nghề.

      Nhà nước sẽ có sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động, khi xã hội sáng tạo nhà nước sẽ kiến tạo để truyền cảm hứng sáng tạo, tạo ra con đường cho các sáng tạo được công nhận và thăng hoa. Ngoài tạo mọi điều kiện nâng tầm cho thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, ưu tiên và coi hai lĩnh vực này là trọng tâm, dẫn dắt sự phát triển của thành phố, Hội An cần có tầm nhìn, chính sách, chiến lược cụ thể và phương hướng phát triển bền vững nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa nghệ thuật; chú trọng phát huy các nguồn lực hợp tác, thúc đẩy, thiết kế các dự án, mô hình, không gian sáng tạo nhằm bảo tồn và phát triển các nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống, xây dựng nhiều chương trình khởi nghiệp, khuyến khích giới trẻ phát triển kỹ năng và sáng tạo, kêu gọi sáng kiến hỗ trợ sản xuất thủ công, kết hợp giữa bảo tồn và sáng tạo, đổi mới. Cần một chiến lược bảo tồn, phát huy lâu dài, căn cơ hơn, trong đó ưu tiên sưu tầm, nghiên cứu, nhận diện và tuyên truyền, giới thiệu đến với công chúng, đào tạo xây dựng đội ngũ thực hành kế thừa. Làm được vấn đề này chúng ta sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian xây dựng Hội An - Thành phố sáng tạo có sự gắn kết chặt chẽ giữa truyền thống và hiện đại.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Lanh

Go top