Tin tức

Tin tức

Hội An, thành phố sáng tạo trên nền truyền thống

 

 

Hai lĩnh vực thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian là thế mạnh nổi trội của Hội An, cũng là nội lực để địa phương này được nhận chân qua danh hiệu "Thành phố sáng tạo". Định vị lại các giá trị này để tìm hướng đi lâu dài từ chính câu chuyện của các nghệ nhân, nghệ sĩ - hạt nhân trung tâm của danh hiệu thành phố sáng tạo...

Hệ sinh thái làng nghề

Từ làng mộc Kim Bồng, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Huỳnh Sướng nói, danh hiệu "Thành phố sáng tạo" mở ra nhiều cơ hội hơn cho các nghệ nhân. Trong các cam kết để phát huy thành phố sáng tạo, "Không gian làng nghề mộc Kim Bồng" sẽ trở thành một không gian sáng tạo, trình nghề là điều được các nghệ nhân, thợ thủ công mong đợi nhất.

NNƯT Huỳnh Sướng nói, không chỉ thợ làm nghề, cả người dân xứ này, họ đều mong dựng lại những dấu ấn riêng của làng mình, từ nghề mộc đóng ghe thuyền, nghề mộc xây dựng, mộc gia dụng và mộc mỹ nghệ. Là chiếc ghe bầu, một căn nhà cổ mô phỏng, một vật phẩm mỹ nghệ tinh túy... để khách tới với làng mộc không chỉ biết được lai lịch trăm năm làng nghề mà còn tận mắt nhìn thấy câu chuyện giữ nghề của người làng. 

 

Các nghệ nhân làng nghề ở Hội An. 

Và tài nguyên bản địa của Hội An có nhiều những làng nghề trăm năm như Kim Bồng. Thông tin từ chính quyền TP.Hội An, địa phương này hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động, từ nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, làm đồ da... Hẳn đó cũng là lý do để các trang chuyên về du lịch nổi tiếng trên thế giới bình chọn Hội An là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới nhờ sở hữu hệ thống làng nghề truyền thống, di sản văn hóa, lịch sử đậm đặc và giá trị.

Không chỉ vậy, những mô hình kết hợp giữa yếu tố sáng tạo và tái chế ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ của Hội An đã phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc về bảo vệ môi trường, bảo vệ khí hậu. Chính điều này đã khiến Hội An "ăn điểm" để ghi danh vào danh mục Thành phố sáng tạo của thế giới. 

 

Sáng tạo trên nền truyền thống

Một "Công viên nghệ thuật tái chế" đang dần bắt đầu từ hoạt động của trại sáng tác "Không gian sáng tạo" Hội An, bên cạnh lễ hội "Nét hoa nghề Hội An" đã lần thứ 2 tổ chức sẽ là những điều để nối dài hệ sinh thái làng nghề Hội An. Để hệ sinh thái này thật sự hiệu quả, NNƯT Huỳnh Sướng nói, các nghệ nhân cần có chính sách hỗ trợ nhiều hơn và cần có "sân chơi" để họ được phát huy vốn liếng nghề nghiệp đang nắm giữ.

"Riêng với làng mộc Kim Bồng, nếu không thể bán vé như là một điểm đến riêng biệt vì mọi điều kiện đều không thuận tiện, tôi nghĩ nên được đưa vào điểm đến trong vé tham quan chung của Hội An, để thứ nhất du khách sẽ biết thêm về làng, thứ 2 làng sẽ có thêm nguồn lực" - ông Huỳnh Sướng nói. Được biết, các tour tuyến tham quan đến Kim Bồng hiện nay vẫn chỉ là các khách lẻ hoặc tour tự phát.

Nghệ nhân bài chòi cùng các hoạt động nghệ thuật biểu diễn tại Hội An góp phần định vị giá trị riêng có cho Hội An.

Nghệ nhân bài chòi cùng các hoạt động nghệ thuật biểu diễn tại Hội An góp phần định vị giá trị riêng có cho Hội An.

Ở lĩnh vực nghệ thuật dân gian, Hội An gần như được nhận diện là địa phương làm khá tốt việc mở rộng không gian sống giá trị này, đặc biệt ở nghệ thuật biểu diễn. Nghệ thuật dân ca bài chòi được khôi phục và phát huy và trở thành sản phẩm riêng có của Hội An dành cho dành du khách. Chưa kể rất nhiều các hoạt động đưa bài chòi vào học đường cũng như các lớp truyền dạy bài chòi đủ để nối dài các giai điệu cổ truyền qua lớp lớp thế hệ.

Ở các lễ hội tiêu biểu, Hội An luôn có các màn diễn xướng từ loại hình nghệ thuật truyền thống. Khi mở rộng không gian sống cho các loại hình nghệ thuật dân gian, cũng đồng thời mang đến nhiều cơ hội về sinh kế lẫn phát triển cho cư dân bản địa Hội An.

Tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu UNESCO là quá trình Hội An thể hiện cam kết phát triển bền vững trên nền tảng tài nguyên bản địa. Tất cả hoạt động liên quan đến thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian đều phải có tính tương tác, nếu tách rời khỏi cộng đồng thì tài nguyên, di sản văn hóa ở Hội An sẽ bị đứt gãy... Đây chính là điều mà Hội An cho thấy mình vượt trội so với các vùng đất khác cũng như thể hiện được mối quan hệ tương hỗ, đa chiều với các giá trị di sản khác.

 

 

Gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO không đơn thuần là một danh hiệu, ở chặng đường phía trước Hội An sẽ còn nhiều việc phải làm để sự công nhận đó thực sự mang lại lợi ích cho đô thị này.

Làng nghề gốm ở Hội An

Làng nghề gốm ở Hội An

Từ danh hiệu…

Hội An là một trong hai thành phố đầu tiên được Việt Nam trình UNESCO hồ sơ gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo trong năm 2023. Điều này cho thấy bản thân nội lực của Hội An vun đắp qua nhiều thế hệ đã phần nào đáp ứng được tiêu chí của một thành phố sáng tạo.

Theo các chuyên gia, về cơ bản tiêu chuẩn của thành phố sáng tạo toàn cầu ở lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian gồm: có nghề thủ công lâu đời và nghệ thuật dân gian ở một dạng nhất định; có nền sản xuất hiện đại với số lượng lớn hàng thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, trong đó bao gồm sản phẩm thủ công mới đáp ứng nhu cầu con người trong cuộc sống đương đại; có cơ sở hạ tầng cho sự phát triển của thủ công và nghệ thuật dân gian; có nguồn nhân lực sáng tạo/vốn con người dồi dào.

TP.Hội An tổ chức diễu hành đón nhận danh hiệu Thành phố sáng tạo của thế giới.

TP.Hội An tổ chức diễu hành đón nhận danh hiệu Thành phố sáng tạo của thế giới.

Dù vậy có thể thấy, ngoại trừ tiêu chuẩn đầu tiên thì với 3 tiêu chuẩn sau Hội An sẽ còn phải nỗ lực cải thiện rất nhiều trong thời gian tới. Ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tại TP.Hội An đề xuất, tại Hội An cần hình thành thêm chợ nghệ thuật hoặc trung tâm bán đồ thủ công mỹ nghệ để tạo cơ hội cho các chủ thể khởi nghiệp sáng tạo thiên về thủ công và nghệ thuật dân gian ở địa phương có thể tiếp cận thị trường tiêu thụ quốc tế quy mô vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương cần hài hòa các tiêu chí văn hóa - hạnh phúc - phúc lợi - giáo dục - di sản - du lịch cộng đồng thì hệ sinh thái cộng đồng Hội An sẽ tồn tại bền vững, tạo dựng được bản sắc đặc trưng và thương hiệu riêng biệt.

Đến cam kết

Cam kết gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu, Hội An xác định 3 dự án chính nhằm đạt được các mục tiêu của mạng lưới tại địa phương, gồm dự án mộc Kim Bồng - khơi nguồn sáng tạo, dự án ươm mầm sáng tạo tài năng trẻ, dự án sáng tạo Hội An qua môi trường công nghệ số.

Với các dự án trên, Hội An cam kết sẽ nâng cấp Trung tâm làng nghề mộc Kim Bồng thành không gian sáng tạo, chế tác, trình diễn và truyền nghề, tổ chức trại sáng tác các sản phẩm có mẫu mã đặc trưng, đa dạng, tính sáng tạo và giá trị gia tăng cao.

Hàng năm thành phố tổ chức hội thi “Bài chòi - Sáng tạo trên nền di sản” dành cho tuổi trẻ, gồm các nội dung chính: Kiến thức về di sản bài chòi, sáng tác ca từ mới và phong cách diễn xướng mới cho bài chòi, thực hành hô hát bài chòi. Tích hợp thông tin và hình ảnh các cơ sở thủ công, không gian sáng tạo, hoạt động nghệ thuật dân gian và các lĩnh vực sáng tạo liên quan trên địa bàn thành phố lên nền tảng Metaverse.

Ở cấp độ sáng kiến hướng tới các mục tiêu của mạng lưới ở cấp quốc tế, đặc biệt là các sáng kiến liên quan đến các thành phố thành viên khác của mạng lưới, Hội An sẽ tổ chức Liên hoan nghệ thuật dân gian quốc tế tại Hội An (dự kiến định kỳ 3 năm/lần), Lễ hội đèn lồng quốc tế (dự kiến định kỳ 2 năm/lần) và chương trình “Ngôi nhà sáng tạo Hội An”. 

Trong 4 năm tới thành phố sẽ thúc đẩy phát triển hợp tác công - tư và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, huy động sự tham gia sáng tạo của mọi thành viên trong cộng đồng (như người dân, nghệ nhân, nghệ sĩ, tầng lớp tinh hoa bình dân, doanh nhân…). 

 

 

 

Hội An sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa bằng tài nguyên sẵn có từ dánh hiệu Thành phố sáng tạo. Tuy nhiên, tìm một lối đi khác biệt để mở ra những giá trị, để đô thị này không cuốn vào sự phát triển "nóng" của du lịch, là điều cần làm...

Liên tục nhiều năm trở lại đây, Hội An gần như trở thành "trường quay" cho rất nhiều chương trình truyền hình thực tế. Thậm chí, các show diễn thời trang của nhiều nhà thiết kế cũng đã lựa chọn không gian di sản này để làm bật lên các ý tưởng về trang phục của họ. Các đạo diễn của những chương trình nghệ thuật từng làm tại Hội An đều gần như chung nhận định rằng, định danh cho Hội An hiện tại đã không chỉ bó buộc trong danh xưng của kiến trúc nhà cổ, phố cổ, mà rộng hơn, là không gian nghệ thuật Hội An. 

Các hoạt động liên quan đến các sự kiện văn hóa, văn nghệ tổ chức ở Hội An.

Các hoạt động liên quan đến các sự kiện văn hóa, văn nghệ tổ chức ở Hội An.

Vậy không gian nghệ thuật Hội An cần thêm những gì để trở thành bệ phóng cho các sáng tạo nghệ thuật?

Khi chính thức trở thành thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hội An sẽ buộc phải có nhiều sự kiện, hoạt động, liên hoan nghệ thuật được tổ chức. Đây chính là cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ sự sáng tạo và trải nghiệm di sản, đưa địa phương này trở thành một thành phố sáng tạo phát triển bền vững và là một trong những trung tâm sáng tạo hàng đầu của khu vực. 

Riêng lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, với vị thế của đô thị du lịch, Hội An hiện là nơi chứng kiến các cuộc kết giao giữa nghệ sĩ, người dân từ các nơi kết hợp với cư dân bản địa để tìm tòi, thực hành nhiều ý tưởng độc đáo. Thời gian qua, đô thị nãy đã liên tục tổ chức các cuộc triển lãm, hội thảo, trình nghề để tạo cơ hội cho các nghệ nhân tiếp cận với câu chuyện phát triển công nghiệp văn hóa.

Do đó, nhận định từ các ngành liên quan ở lĩnh vực phát triển công nghiệp sáng tạo của mảng thủ công mỹ nghệ cho rằng, cần có cơ chế động viên khuyến khích, hỗ trợ, tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi trong việc đào tạo, truyền nghề, thực hành di sản văn hóa cho thế hệ trẻ.

Cùng với đó, tạo sân chơi thông qua các hội thi, hội nghề, trại sáng tác, triển lãm... nhằm thúc đẩy sự sáng tạo của các nghệ nhân, thợ giỏi. Đồng thời không ngừng cải tiến mẫu mã các mặt hàng nghề thủ công để tạo ra những sản phẩm có giá trị văn hóa và thương phẩm cao, gắn với phục vụ du lịch, xuất khẩu tại chỗ. 

Khách du lịch trải nghiệm đi xích lô ngắm phố cổ Hội An

Khách du lịch trải nghiệm đi xích lô ngắm phố cổ Hội An

Đối với nghệ thuật biểu diễn, Hội An đang là nơi hội tụ của nghệ sĩ sáng tạo trên khắp đất nước và đặc biệt thu hút giới trẻ. Cùng với Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An, nghệ thuật thực cảnh “Ký ức Hội An” là chương trình giải trí đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức Guinness ghi nhận kỷ lục là chương trình biểu diễn nghệ thuật thường nhật có số lượng diễn viên đông nhất và kỷ lục sân khấu biểu diễn ngoài trời lớn nhất. Trung tâm biểu diễn Lune Hội An là nơi triển lãm và biểu diễn nghệ thuật với các tác phẩm nổi tiếng như À Ố Show, Tedar,… vận dụng những chất liệu văn hóa độc đáo của bản địa, gây ấn tượng khi lưu diễn nhiều nơi trên thế giới.

 

Các chuyên gia cho rằng, ngoài tạo mọi điều kiện nâng tầm cho thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, Hội An cần có tầm nhìn, chính sách, chiến lược cụ thể và phương hướng phát triển bền vững nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa nghệ thuật.

Theo góp ý từ các chuyên gia văn hóa, Hội An nên chú trọng phát huy các nguồn lực hợp tác, thúc đẩy, thiết kế các dự án, mô hình, không gian sáng tạo nhằm bảo tồn và phát triển các nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống, xây dựng nhiều chương trình khởi nghiệp, khuyến khích giới trẻ phát triển kỹ năng và sáng tạo, kêu gọi sáng kiến hỗ trợ sản xuất thủ công, kết hợp giữa bảo tồn và sáng tạo, đổi mới.

[VIDEO] - Các hoạt động diễu hành đường phố chào mừng Hội An gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO:

 

Một số thành phố sáng tạo của thế giới như Hàng Châu, Chiang Mai…

Một số thành phố sáng tạo của thế giới như Hàng Châu, Chiang Mai…

Mô hình phát triển từ những thành phố đi trước

Thủ công và nghệ thuật dân gian là lĩnh vực chiếm tỷ lệ lớn nhất (chiếm hơn 20%) trong mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO. Tại những thành phố ở các nước trong khu vực như Hàng Châu (Trung Quốc), Chiang Mai (Thái Lan) hay Baguio (Philippines) là những thành phố đã gia nhập mạng lưới này từ khá lâu và đã thiết lập được khung phát triển hiệu quả theo mô hình thành phố sáng tạo. 

 

Tại Hàng Châu, chính quyền thành phố đóng vai trò lớn trong các kế hoạch hành động đào tạo và giới thiệu tài năng sáng tạo; cung cấp nền tảng dịch vụ thông qua việc thiết lập các lễ hội và sự kiện; cung cấp nền tảng dịch vụ thông qua việc thiết lập các nền tảng tài chính công nghiệp, áp dụng một số chính sách hỗ trợ; cung cấp nền tảng dịch vụ thông qua việc hình thành ác nền tảng ươm mầm sáng tạo…

 

Với Baguio, nhiều năm qua hàng thủ công và nghệ thuật dân gian đã đại diện cho nền tảng thiết yếu của nền kinh tế du lịch sáng tạo và thương mại địa phương của thành phố. Ở Baguio, cơ quan quản lý hướng đến tầm nhìn phát triển bền vững thông qua việc chuyển giao kiến thức và kỹ năng giữa các thế hệ, phát triển dựa trên văn hóa và hợp tác đa ngành, tăng sự tham gia với các cộng đồng của mình và thúc đẩy sự sáng tạo để đổi mới đô thị cũng như sức sống nền kinh tế.

LÊ QUÂN – QUỐC TUẤN

baoquangrnam

Go top