Ngày 31/10/2023, Ban thư ký Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đã xác nhận Hội An là đại diện của Việt Nam chính thức là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian. Đây là một vinh dự lớn và niềm tự hào của người dân Hội An nói riêng và Quảng Nam, Việt Nam nói chung.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004 với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành phố đã được công nhận sáng tạo, coi đây là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Tính đến nay, Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đã có 350 thành phố thành viên từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 66 thành phố trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Năm 2023, qua quá trình thẩm định hết sức chặt chẽ của Ban thư ký và các thành phố thành viên về hồ sơ và các hoạt động thực tiễn của Hội An, Ban thư ký Mạng lưới thành phố sáng tạo đã công bố Hội An chính thức là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Xưởng Tái sinh của Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân- Một không gian sáng tạo tiêu biểu tại Hội An
Hòa trong không khí hân hoan ấy, thành phố sẽ tổ chức Lễ công bố “Hội An gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO năm 2023” vào lúc 19h30 ngày 31/12/2023 tại Vườn tượng An Hội. Lễ công bố nằm trong chuỗi các sự kiện khép lại năm 2023 và chào năm mới 2024 với nhiều kỳ vọng về sự sáng tạo và phát triển của thành phố Hội An. Trong khuôn khổ sự kiện, các hoạt động sắp đặt không gian, trưng bày, trình nghề, biểu diễn nghệ thuật sẽ được tổ chức tại Khu phố cổ và các làng nghề nhằm giới thiệu về các lĩnh vực sáng tạo của Hội An.
Thủ công và Nghệ thuật dân gian là thế mạnh nổi trội và là lĩnh vực được Hội An bảo tồn và phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Thành phố hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động sôi nổi có thể kể đến như: nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, .... Hệ sinh thái các làng nghề, cộng đồng làng nghề cùng các tập quán, sinh hoạt, tín ngưỡng lâu đời của cư dân địa phương đã góp phần truyền cảm hứng, hình thành và nuôi dưỡng sự phong phú và đa dạng của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo như: hát bả trạo, hò khoan, hô hát bài chòi, thơ ca, hò vè, nghệ thuật hát Bội, múa nghi lễ, tạo hình dân gian … phản ánh chân thực, sinh động những đặc điểm văn hóa - xã hội của vùng đất và trở thành một phần thiết yếu trong đời sống tinh thần của người dân Hội An. Trong đó phải kể đến Nghệ thuật Bài Chòi đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2017).
Bài chòi Hội An được tổ chức hằng đêm tại khu phố cổ
Đông đảo cư dân Hội An tham gia vào các hoạt động thủ công và nghệ thuật dân gian một cách chính thức hoặc không chính thức gồm các nhóm: lao động tự do và sản xuất, kinh doanh thủ công; nhóm các nghệ sĩ, nghệ nhân, cá nhân thuộc các hiệp hội nghề nghiệp, điều hành các xưởng thủ công sáng tạo; nhóm còn lại gồm các doanh nghiệp và nhà kinh doanh trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Thành phố hiện có tổng cộng 658 doanh nghiệp nhỏ và 1710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Ước tính có khoảng 4000 người lao động trực tiếp có thu nhập trung bình 3500-4000 USD mỗi năm từ thủ công và nghệ thuật dân gian.
Hội An còn là mảnh đất có sức hút mạnh mẽ và mang lại nguồn cảm hứng cho các chuyên gia, nhà sáng tạo, nghệ sĩ trong và ngoài nước đến sinh sống và sáng tác với đa dạng các loại hình, lĩnh vực sáng tạo cũng như chiều sâu và hàm lượng sáng tạo; làm cho thành phố thân yêu này thành một trong những không gian sáng tạo hấp dẫn của cả nước.
Nghề làm lồng đèn tại Hội An
Gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là điều kiện thuận lợi cho Hội An trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên tất cả các lĩnh vực văn hóa sáng tạo, góp phần thu hút đầu tư, tập trung các chương trình phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa, sáng tạo, nhằm phát triển bền vững. Hội An sẽ được mở rộng mối quan hệ, gia tăng các cơ hội hợp tác quốc tế, tiếp cận và tiếp thu kinh nghiệm, những giá trị tốt đẹp từ các chuyên gia quốc tế, UNESCO và các thành phố, quốc gia khác, để linh hoạt vận dụng vào mô hình phát triển riêng biệt của Hội An. Các nguồn lực, thế mạnh về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, con người Hội An cũng sẽ được phát huy tối đa, đúng hướng; là cơ sở để thành phố tập trung vào công tác giới thiệu hình ảnh địa phương và các chính sách bảo tồn, phát triển lĩnh vực văn hóa sâu rộng hơn. Bên cạnh đó, Hội An còn có cơ hội huy động các nguồn lực, tri thức, sự sáng tạo để tập trung cho các hoạt động, thủ công, nghệ thuật dân gian và các lĩnh vực khác. Đồng thời, mở ra các cơ hội học tập, giáo dục và nhân rộng các mô hình sáng tạo, tạo tiền đề cho hoạt động khởi nghiệp.
“Hội An - Thành phố sáng tạo” của UNESCO không chỉ là danh hiệu mà còn là mục tiêu phấn đấu, thực hành các cam kết và mang lại các giá trị, lợi ích cho cộng đồng. Ngoài việc tiếp tục các hoạt động bảo tồn, phát huy lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian, Hội An sẽ phải thực hiện các sáng kiến đã cam kết; tạo điều kiện và thúc đẩy sự phát triển, sáng tạo trên các lĩnh vực khác; kết nối, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên khác trong và ngoài Mạng lưới; tăng cường các hoạt động nhằm mở rộng mạng lưới, …
Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An