Những ngày này chính quyền và người dân TP Hội An đang chuẩn bị đón một mùa Tết Trung thu rất đặc biệt khi đón nhận niềm vui lễ hội Trung thu ở Hội An vừa được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các cơ sở làm đầu lân Hội An rộn ràng trong dịp Trung thu...
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, Bộ VHTTDL vừa có quyết định số 228/QĐ-BVHTTDL đưa lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thành phố Hội An đã xây dựng Kế hoạch tổ chức hoạt động vui Tết Trung thu năm nay cùng với lễ đón nhận danh hiệu cao quý này, qua đó tôn vinh giá trị nổi bật của DSVH phi vật thể quốc gia Tết Trung thu ở Hội An, ghi nhận sự nỗ lực của các bên trong việc bảo tồn di sản thời gian qua. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An.
Đồng thời nâng cao lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của cộng đồng cư dân, các chủ thể văn hóa trong việc chung tay gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Lễ hội Tết Trung thu cũng như các giá trị nổi bật của lễ hội được hình thành trên cơ sở truyền thống bản địa, giao thoa văn hóa với các nước Nhật Bản, Trung Hoa và luôn được cộng đồng cư dân Hội An duy trì, gìn giữ, tổ chức hằng năm. Đây là lễ hội truyền thống hấp dẫn, sôi động bởi giàu giá trị văn hóa, tín ngưỡng, gắn với loại hình diễn xướng dân gian độc đáo múa Thiên cẩu chỉ có tại Hội An.
Cũng từ lễ hội này đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa, sinh hoạt truyền thống, hoạt động tín ngưỡng cũng như tri thức dân gian đặc sắc, riêng có tại Hội An được cộng đồng người Hoa, người Kinh sinh sống tại vùng đất này thực hành, bảo tồn. Từ năm 2010 đến nay, chính quyền TP Hội An thống nhất với cộng đồng người dân cùng quản lý và tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa mang tính cộng đồng. Trong đó, Tết Trung thu là một lễ hội quan trọng với nhiều thực hành văn hóa mang tính truyền thống như múa Thiên cẩu, rước đèn, bày mâm cỗ, trông trăng phá cỗ,… Lễ hội đã trở thành một sản phẩm du lịch tâm linh với những đặc trưng riêng của Hội An đối với du khách và người dân. Đồng thời tổ chức các hoạt động mang tính duy trì, trao truyền di sản trong cộng đồng như truyền dạy và thực hành trưng bày mâm cỗ Trung thu; truyền dạy và thi múa Thiên cẩu, truyền dạy và thi làm đầu Thiên cẩu; truyền dạy, thực hành và thi làm đèn lồng… Tổ chức những hoạt động hướng tới cộng đồng như gây quỹ phát quà, tổ chức vui Tết Trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó giữ gìn, lưu truyền những nét sinh hoạt văn hóa mang tính giáo dục sâu sắc, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, hướng thế hệ trẻ đến những vẻ đẹp nhân văn truyền thống.
Theo Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa TP Hội An, Tết Trung thu Hội An có sự đan xen kế thừa giữa giá trị truyền thống và hiện đại trong cả phần nghi thức tâm linh, các nghề thủ công truyền thống lẫn các nghệ thuật trình diễn dân gian sôi động và tri thức dân gian mang bản sắc Hội An, là kết quả của cả quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa sâu rộng với nhiều quốc gia từ trong lịch sử và còn truyền thừa tới tận ngày nay. Tại các cơ sở làm đầu Thiên cẩu, đầu lân, mặt nạ, đèn lồng ở Hội An, những ngày này đang tích cực chuẩn bị cho những đơn hàng trong và ngoài tỉnh. Bận rộn, nhưng nghe nhắc đến sự kiện Tết Trung thu, ai cũng tự hào, hào hứng khi lễ hội truyền thống này của Hội An đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trải qua nhiều biến thiên, trong đời sống hiện đại ngày nay, các phong tục cổ truyền gắn liền với tín ngưỡng, với hình thức lễ hội dân gian này vẫn được bảo lưu, thực hành như chế tạo và biểu diễn múa linh vật, múa Thiên cẩu; chế biến và tiêu thụ bánh Trung thu, chế tác và trang trí đèn lồng tại các không gian di tích, nhà riêng, cửa hàng buôn bán,…
Bài viết: Khánh Chi- Báo Văn hóa