Tọa lạc tại miền Trung Việt Nam, thành phố Hội An được biết đến với Đô thị cổ được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới - là nơi gặp gỡ, hội tụ, giao hòa văn hóa bản địa và quốc tế, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
Nét đẹp làng gốm Thanh Hà, Hội An
Không chỉ là một điểm đến văn hóa du lịch nổi tiếng, mà Hội An còn là một nơi hội tụ của văn hóa và sáng tạo. Sự đa dạng văn hóa đã tạo nên một nền văn hóa phong phú và độc đáo, nơi mà các giá trị văn hoá truyền thống và đương đại được bảo tồn, phát huy và hòa quyện vào nhau. Chính vì vậy, thành phố này đã trở thành một trung tâm sáng tạo, nơi mà các nghệ sĩ, các nhà sáng tạo có thể tìm thấy cảm hứng và thể hiện tài năng của mình, điều này đã được minh chứng qua việc Hội An đã 8 lần được chọn đăng cai sự kiện âm nhạc Hội thi Hợp xướng Quốc tế và nhiều sự kiện văn hoá nghệ thuật khác.
Bên cạnh đó, Hội An còn là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, có sự bảo tồn đa dạng sinh học bền vững với Cù Lao Chàm - Hội An là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (UNESCO), biển An Bàng là Bãi biển hoang sơ đẹp nhất thế giới (CNN), Khu du lịch sinh thái rừng dừa Bảy Mẫu là Điểm đến du lịch tiêu biểu Châu Á - Thái Bình Dương (UNESCO), Làng rau Trà Quế - được tổ chức du lịch Liên hiệp quốc công nhận là Làng du lịch tốt nhất năm 2024; cùng hệ thống sông ngòi, đầm, cánh đồng, đất đai trù phú tạo nên bức tranh thiên nhiên Hội An đầy sắc màu.
Hội An hiện còn lưu giữ gần như nguyên vẹn nét cổ kính của quần thể kiến trúc đô thị cổ với những mái ngói rêu phong, những con hẻm nhỏ nên thơ, những ngôi nhà cổ vài trăm năm tuổi, cùng không gian đèn lồng lung linh, huyền ảo của phố đêm Hội An. Những tập quán, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa lâu đời cũng được kế thừa và phát huy, cộng hưởng với sự hội nhập văn hóa quốc tế, trí sáng tạo và sự thuần hậu, hiếu khách của người dân nơi đây đã tạo nên những giá trị riêng có khiến hình ảnh Hội An càng thêm nổi bật.
Theo dòng chảy của lịch sử, tại Hội An cũng đã sớm hình thành các Làng nghề và nghề truyền thống như: làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, nghề làm tranh, tre Cẩm Thanh, nghề làm đèn lồng… Và sau những giờ phút lao động hăng say, người Hội An lại sáng tác các câu hò khoan đối đáp, các làn điệu dân ca, những câu hò điệu lý, dân ca Bài chòi … vừa mang tính giải trí, vừa bồi dưỡng tình cảm và còn làm giàu thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân bản địa.
Hội An còn là một nơi lý tưởng để thưởng thức những món ăn đặc sản địa phương. Người Hội An cũng được kế thừa và có sự sáng tạo trong nền văn hóa ẩm thực tinh tế, phong phú do các bậc tiền nhân truyền lại với các món ăn là sự kết hợp hài hòa trong phong cách chế biến và nguồn nguyên liệu tươi ngon như: tam hữu, mỳ quảng, cao lầu, bánh bèo, bánh đậu xanh…
Món ngon Hội An
Với nguồn nội lực ấy, Hội An đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian. Là điểm đến hội tụ văn hóa và sáng tạo, nơi thắp lên nguồn cảm hứng và niềm đam mê nghệ thuật bất tận, nơi các nghệ sĩ trên thế giới cùng hòa chung giọng hát và tinh thần yêu hòa bình tại Hội thi hợp xướng quốc tế Việt Nam lần thứ VIII năm 2025. Đây sẽ là nơi chốn tuyệt vời để các đoàn hợp xướng và các nghệ sĩ tụ họp về giao lưu, tranh tài, trải nghiệm văn hóa bản địa và cùng tôn vinh âm nhạc như là cầu nối của sự sáng tạo, lòng yêu thương và tình hữu nghị giữa tất cả mọi người trên thế giới.
Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An