Yếu tố văn hóa đậm đặc góp phần quan trọng trong việc nhận diện “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm đối với điện ảnh thế giới. Tương tự, khi gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu ở lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian, Hội An phải khẳng định được yếu tố độc bản để đi đường dài.
Ảnh: Trilemedia
Hội An nay và Hội An xưa
Hôm rồi Thuấn - họa sĩ người Hà thành đã nài nỉ tôi “mua lại” bức sơn mài anh vẽ về một cô gái Chăm với khuôn mặt tả thực múa Apsara trên nền phố Hội vào một đêm trăng.
Có chút ngạc nhiên bởi tôi, Thuấn và cô gái Chăm ấy từng có với nhau rất nhiều kỷ niệm sâu sắc ở Hội An của một thời trai trẻ. Nhưng rồi Thuấn vẫn quyết “bắt” tôi “mua lại” như một sự chuyển giao, trốn tránh ký ức.
Càng ngạc nhiên hơn khi qua tin nhắn, Thuấn bảo “lâu lắm không ghé Hội An” thay vì “về Hội An” như không biết bao lần trước đó. Bởi “ghé” và “về” là một khoảng cách xa vời vợi về tình cảm và sự gắn bó.
Thắc mắc thì Thuấn bảo “mình vẫn rất nhớ Hội An nhưng là Hội An của thời ba đứa mình chứ không phải một Hội An có phần mới mẻ, xa lạ như bây giờ”. Là thời nhìn đâu cũng thấy những chuyện hay, người hay và hun hút sâu đến mức tưởng cả đời cũng không khám phá được hết. Là thời của những con phố còn thưa khách để đêm khuya có thể nghe được tiếng lá rơi.
Thời những người buôn bán trong chợ còn chưa biết nói thách và chính quyền địa phương còn chưa có ý nghĩ một ngày nào đó mình phải phát động những phong trào kiểu kêu gọi người dân phải “nhân tình thuần hậu”…
“Không hiểu sao có những câu chuyện, những cảm giác, những con người, những sự dan díu… lại rất Hội An và chỉ có ở Hội An, chỉ có thể xảy ra ở Hội An chứ không thể có được ở bất kỳ nơi nào khác trên đất nước mình” - Thuấn nói.
Lời này, cũng tựa như lời của một người bạn Tây, rành và ở lâu với Việt Nam đến mức có thể khen mắm cái ngon và mê đắm Hội An gần như bất chấp. Rằng “mình đi, sống rất nhiều nơi ở Việt Nam nhưng thú thật là chưa có nơi nào phụ nữ lại có ánh mắt nhìn thể hiện sự ấm áp như ở Hội An và xứ Quảng”.
Nên không phải ngẫu nhiên mà bộ phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm lọt vào danh sách 15 tác phẩm tài liệu xuất sắc ở Oscar 2023.
Và trước khi đến Oscar, “Những đứa trẻ trong sương” tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế, đoạt giải Phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Docaviv, đoạt giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế 2021 ở Amsterdam, Hà Lan (IDFA 2021).
Theo đạo diễn Hà Lệ Diễm, phản hồi của khán giả từ khắp nơi trên thế giới cho thấy, “Những đứa trẻ trong sương” được đánh giá cao, không chỉ bởi câu chuyện về Di, cô bé H’Mông - nhân vật chính trong phim đã từ chối cuộc hôn nhân từ tục bắt vợ của người H’Mông để tiếp tục hành trình trưởng thành của mình.
“Những đứa trẻ trong sương” còn được yêu thích, tạo sự cuốn hút “bởi bối cảnh và sự phản ánh rõ nét văn hóa bản địa của dân tộc H’Mông ở miền núi phía Bắc, Việt Nam.
Đó là những nét văn hóa bản địa mang màu sắc vùng miền dị biệt, độc bản - nhưng khán giả thế giới vẫn yêu thích đặc biệt vì họ đã nhìn thấy chính họ trong tính độc bản của văn hóa khác biệt”.
Ảnh: Trilemedia
Giữ xưa cũ, phủ toàn cầu
Ngày 31/10/2023, Hội An chính thức được công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.
Tôi lại nhớ đến Bali với những làng nghề thủ công mỹ nghệ có lịch sử hơn chục thế kỷ. Một trong những yếu tố khiến Bali là “thiên đường du lịch” thế giới chính là hàng thủ công mỹ nghệ thuộc loại tuyệt phẩm.
Và điều làm nên tuyệt phẩm chính là chính sách cấm xuất nguyên liệu thô như gỗ, da cá sấu để đáp ứng nhu cầu sản xuất của ngành thủ công mỹ nghệ. Ở chiều ngược lại, Bali cũng cấm nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc để đảm bảo sự thuần chủng, độc bản, dị biệt và nguồn thu cho người dân.
Nhớ là bởi thủ công và nghệ thuật dân gian là thế mạnh nổi trội và là lĩnh vực được Hội An bảo tồn, phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Hội An hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động. Trong đó, có những nghề đang ăn nên làm ra như nghề mộc, gốm, làm đèn lồng, làm tre dừa, may mặc, làm đồ da…
Đặc biệt, có 3 làng nghề và 1 nghề truyền thống được công nhận di sản phi vật thể quốc gia, 2 làng nghề khác đang làm hồ sơ đề nghị công nhận. Và Nghệ thuật Bài chòi đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017.
Nhưng, ngành thủ công mỹ nghệ của Hội An cho đến thời điểm này vẫn chỉ được định danh khá mờ nhạt ở bản đồ Việt Nam và còn lâu lắm mới có cơ hội phát triển như Bali đang từng.
Dĩ nhiên Hội An không thể cấm xuất khẩu nguyên liệu thô hay cấm nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc để đảm bảo sự thuần chủng, độc bản, dị biệt và nguồn thu cho người dân.
Nhưng khi là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian, Hội An có quyền tìm tòi và ban hành các chính sách, sự gợi mở để ngành thủ công mỹ nghệ của mình được “sáng tạo” trên tinh thần bảo vệ và quay về với những đặc trưng mang tính bản địa riêng có để góp phần tăng độ nhận diện cho mình.
Tường Minh- Báo Quảng Nam