Tin tức

Tin tức

Hội An hướng tới thành phố sáng tạo: Thanh âm cốc cốc lại vang lên ở Kim Bồng

Những ngày đầu năm mới, dù tiết trời vẫn còn những ngày mưa phùn ẩm ướt, gió lạnh, nhưng làng mộc Kim Bồng nằm ở xã Cẩm Kim, phía bên kia sông của phố cổ Hội An vẫn âm vang.

Bức phù điêu được nghệ nhân làng mộc Kim Bồng chạm trổ tinh xảo

Tiếng cười, nói với nhiều ngôn ngữ khác nhau của du khách. Tiếng cốc cốc của dùi, đục chạm vào những thớ gỗ vang lên, báo hiệu sự hồi sinh tích cực của làng nghề truyền thống mộc Kim Bồng vang danh xứ Quảng.

Hai năm ảnh hưởng dịch bệnh, như nhiều làng nghề khác, hoạt động sản xuất cũng như các dịch vụ tham quan làng nghề, dịch vụ du lịch cũng ngưng trệ lại. Nhiều cơ sở sản xuất mộc, cửa hàng trưng bày đóng cửa, nghệ nhân, thợ làng nghề,… cũng lao đao, chỉ sản xuất cầm chừng các mặt hàng gia dụng, đóng và sửa chữa tàu thuyền, nghề phục hồi nhà cổ, nhà gỗ. Các nghề điêu khắc mỹ thuật, chạm trổ gần như đóng băng vì không xuất khẩu cũng như không sản xuất, tiêu thụ được các mặt hàng lưu niệm tinh xảo. “Giai đoạn khó khăn ấy, dù không hoạt động, mở cửa cơ sở trưng bày, nhưng những nghệ nhân, thợ mộc vẫn cố gắng duy trì các đơn hàng dù nhỏ lẻ, vẫn phải bỏ công bỏ sức ra đục đẽo, chạm trổ những sản phẩm mỹ nghệ để không bị “cùn” tay nghề”, anh Huỳnh Hậu, một thợ trẻ ở làng chia sẻ.

Những ngày cuối năm 2022, đầu năm mới 2023, du lịch Hội An khởi sắc trở lại, du khách đã rộn ràng, lượng khách nước ngoài đã đến Hội An nhiều hơn, cùng với đó, làng nghề mộc Kim Bồng cũng đã đón khá đông du khách đến tham quan, trải nghiệm, khám phá. Tiếng cốc cốc thanh âm của dùi, đục chạm trổ trên gỗ quen tai của làng Kim Bồng lại vang lên rộn rã. Những ngày đầu năm mới, làng mộc lại rộn rã, từng đoàn khách đạp xe, đi thuyền về làng mộc, khám phá nghề đóng thuyền, tìm hiểu nơi đóng ghe bầu nổi tiếng xứ Đàng Trong, thăm lăng thờ tiền hiền nghề mộc… Những cơ sở sản xuất mở cửa, những nghệ nhân vừa hướng dẫn thợ trẻ, vừa chạm trỗ các tác phẩm điêu khắc tinh xảo. Khi những đoàn khách ghé thăm, những người thợ làng mộc vui vẻ thị phạm, giới thiệu các kỹ thuật chạm trỗ, chế tác, điêu khắc, du khách không giấu được tiếng trầm trồ, thích thú, khen tặng với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các mặt hàng lưu niệm tinh xảo, độc đáo của làng Kim Bồng,…

Làng mộc Kim Bồng là một trong những làng nghề truyền thống của Hội An ghi dấu nhiều công trình nghệ thuật và những sản phẩm giàu giá trị văn hóa, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước và đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2016. Theo ông Quảng Văn Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn DSVH Hội An, những nghệ nhân ở làng mộc Kim Bồng từ bao đời là lực lượng chính trong việc xây dựng cũng tham gia trùng tu nhà cổ ở Hội An, có tay nghề cao, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được các nghệ nhân chạm trỗ, điêu khắc hoàn toàn bằng tay, tinh xảo.

Du khách khám phá với nghề đóng thuyền, tìm hiểu nơi từng đóng ghe bầu nổi danh xứ Đàng Trong

Từ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, Hội An phát triển thịnh vượng trở thành đô thị thương cảng quan trọng tại Đàng Trong. Nghề thủ công có điều kiện phát triển mạnh để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt, xây dựng, tu bổ và tôn tạo di tích, đình chùa, trong đó có sự tham gia đáng kể của đội ngũ thợ mộc làng Kim Bồng. Giai đoạn này, nghề mộc phát triển mạnh mẽ với ba nhóm nghề chính là: Mộc xây dựng các công trình kiến trúc đô thị; Mộc dân dụng; Nghề đóng tàu thuyền. “Các sản phẩm của một số nghề truyền thống, cùng với những “bàn tay vàng” của các nghệ nhân từ các nghề như mộc, nề, đắp vẽ Kim Bồng, gốm, gạch, ngói ở Thanh Hà,… đã đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi, tu bổ, tôn tạo các công trình kiến trúc cổ của phố cổ Hội An và nhiều di tích kiến trúc quan trọng khác ở khu vực vùng ven thành phố”, ông Quảng nhận xét.

Hiện nay làng mộc Kim Bồng vẫn duy trì khá tốt hoạt động sản xuất vừa phục vụ phát triển du lịch và có tiềm năng để phát triển bền vững. Để phục vụ cho sự phát triển của làng mộc Kim Bồng, thời gian qua, thành phố Hội An cũng đã đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng các hạng mục đường nội bộ, bến cập thuyền du lịch, thảm cỏ, cây xanh, nhà trưng bày sản phẩm mộc truyền thống; vận động người dân chỉnh trang sân vườn, trùng tu các nhà thờ tộc họ trong khu làng nghề,… Bên cạnh đó, cũng đang tập trung nghiên cứu mở rộng thị trường, tìm hướng đầu tư phù hợp để nâng cao vị thế và sức cạnh tranh cho làng nghề.

Việc xây dựng hồ sơ công nhận nghệ nhân các cấp cho các nghệ nhân có đóng góp cho quá trình phát triển nghề cũng luôn được tỉnh Quảng Nam chú trọng. Theo Sở VHTTDL Quảng Nam, đến nay, trong số 40 nghệ nhân và thợ giỏi ở ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ được cấp có thẩm quyền công nhận của tỉnh Quảng Nam thì ở làng mộc Kim Bồng có một Nghệ nhân Nhân dân là ông Huỳnh Ri và một Nghệ nhân Ưu tú là ông Huỳnh Sướng. Có thể nói, nghề mộc và những nghệ nhân, thợ mộc Kim Bồng đã có đóng góp quan trọng tạo ra vẻ đẹp đặc trưng của quần thể kiến trúc gỗ ở đô thị cổ Hội An với những công trình kiến trúc gỗ có kỹ thuật xây dựng điêu luyện, nét chạm trổ tinh vi trên những thân trính, vách ngăn, án thờ, những ngôi nhà rường được chạm trổ tinh tế ở những vùng nông thôn xứ Quảng…

Các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, hàng mộc dân dụng cao cấp của làng nghề như tượng tròn, phù điêu, tranh gỗ, hàng lưu niệm, sản phẩm gia dụng… cũng nổi danh trên thị trường về độ tinh xảo và tính mỹ thuật. Thợ mộc làng Kim Bồng còn thiện nghệ trong nghề đóng ghe bầu, được lưu truyền “văn hóa ghe bầu” ở xứ Quảng. Nghệ nhân nhân dân Huỳnh Ri chia sẻ: Trải qua hàng trăm năm, làng Kim Bồng đã tạo được và lưu giữ những giá trị văn hóa làng nghề đặc sắc, bảo tồn và phát huy các tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, phong tục tập quán, lễ hội,… 

 THU HOÀI

baovanhoa.vn

Go top