Hội An chọn lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian để xây dựng Hội An thành phố sáng tạo. Từ đó sẽ xây dựng tầm nhìn dài hạn, kết nối với những chính sách của Trung ương, của tỉnh Quảng Nam để thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian.
Tái hiện cảnh đoàn rước sắc bùa đầu năm mới trên phố Hội An
Khu phố cổ Hội An có đến 1.130 di tích kiến trúc nghệ thuật được tạo nên nhờ những đóng góp không nhỏ của các nghề thủ công mỹ nghệ như mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà…
Hơn 80% di tích trong Khu phố cổ thuộc sở hữu tư nhân và tập thể đã tạo nên sự đặc thù của Khu phố cổ như một “bảo tàng sống” với chủ nhân thực sự chính là cộng đồng dân cư ở đây. Họ không chỉ nắm giữ các di tích mà còn đang thực hành, bảo lưu các giá trị di sản văn hóa phi vật thể như nếp sống truyền thống của cư dân đô thị, lễ hội, tín ngưỡng dân gian, ẩm thực… Luôn có sự sáng tạo để đưa giá trị di sản đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Vùng đất này cũng là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhiều loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo như hát bả trạo, hò khoan, hô hát bài chòi, thơ ca, hò vè, nghệ thuật hát Bội.
Những số liệu thống kê về đóng góp của ngành văn hóa, lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian vào sự phát triển chung của thành phố: Năm 2019, đã tổ chức 1.337 buổi hoạt động văn hóa văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật dân gian với 2.345 lượt diễn viên. Nguồn thu vé tham quan Khu phố cổ đạt hơn 12,5 triệu USD; Tổng doanh thu trực tiếp một số làng nghề truyền thống và các làng có nghề đạt khoảng hơn 2 triệu USD. Hơn 200 thành viên tham gia các hoạt động thường xuyên hằng ngày hoặc định kỳ hằng tháng trong chương trình “Đêm phố cổ” và “Phố Đêm” như nhóm nhạc gia đình, nhóm hát hò khoan đối đáp trên sông, nhóm hát dân ca, trình tấu nhạc cụ truyền thống, nhóm hô hát Bài chòi... Các khóa học, chương trình thúc đẩy văn hóa và sáng tạo, cũng như giáo dục nghệ thuật cho thanh thiếu niên trong lĩnh vực sáng tạo liên quan như: Trò chơi Bài chòi được tổ chức hằng đêm trong khu phố cổ, bắt đầu từ năm 1998 đến nay vừa là sản phẩm phục vụ du lịch vừa là không gian sinh hoạt, truyền lưu và giới thiệu nghệ thuật Bài chòi cho nhân dân, du khách.
Lớp dạy hát dân ca tại phố cổ tổ chức từ năm 2010 đến nay, duy trì đều đặn hàng đêm; Lớp truyền dạy dân ca Hô hát Bài chòi cho học sinh trung học cơ sở do Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình phối hợp Phòng GD&ĐT thực hiện từ năm 2004 đến nay, duy trì hơn 40 buổi học/năm. Từ những năm 1995, Câu lạc bộ Tuồng thuộc Trung tâm VH-TT & TT-TH Hội An được thành lập, biểu diễn các vở tuồng cổ truyền và các vở tự biên. Đồng thời tích cực gây dựng, truyền nghề cho Đội tuồng không chuyên, sinh hoạt chiếu Tuồng trong sự kiện Đêm phố cổ, trình diễn trích đoạn Tuồng và giới thiệu mặt nạ Tuồng của Nhà biểu diễn Nghệ thuật cổ truyền Hội An.
Lễ hội cầu bông làng rau Trà Quế
Các lễ hội văn hóa, nghệ thuật diễn ra quanh năm trên khắp đường phố Hội An, thu hút đông đảo giới văn nghệ sĩ trong nước và quốc tế đến biểu diễn, sáng tác, sáng tạo văn hóa nghệ thuật, mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách và người dân, đưa người dân kết nối, giao lưu với quốc tế qua nghệ thuật, âm nhạc và cơ hội để giới thiệu, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương. Chú trọng phục hồi các lễ hội, lễ lệ gắn với các nghề thủ công mỹ nghệ, tổ chức thường xuyên, trở thành những ngày hội lớn của cộng đồng dân cư địa phương như Giỗ Tổ Nghề gốm Thanh Hà, Giỗ Tổ Nghề Mộc Kim Bồng. Cùng với đó, các loại hình nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian… được phục hồi, tổ chức thường xuyên.
Các cơ sở và không gian văn hóa chính dành riêng cho việc thực hiện, quảng bá và phổ biến trong lĩnh vực sáng tạo có liên quan và hướng đến công chúng như: Khu phố cổ Hội An là một quần thể di tích sống, là biểu hiện nổi bật của sự sáng tạo và những giá trị không trùng lặp về lịch sử - văn hóa - kiến trúc - văn nghệ dân gian - nghề truyền thống - tập quán và con người. Bên cạnh đó có những cơ sở, không gian văn hóa sáng tạo mới gây ấn tượng như: Ý tưởng về “Làng củi lũ Hội An” của anh Lê Ngọc Thuận; Chợ phiên và các sản phẩm du lịch tại Làng chài Tân; CAB Hội An là không gian kết nối các hoạt động nghệ thuật đương đại tại Hội An được nghệ sĩ Chinh Ba là nhà sáng lập.
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, Hội An đã chọn lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian để xây dựng hồ sơ tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Thành phố sẽ xây dựng đề án dài hạn về tầm nhìn, kết nối với những chính sách của Trung ương, của tỉnh Quảng Nam để thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian. Qua đó, tạo nguồn lực cho văn hóa Hội An phát triển, đồng thời giúp định vị là thành phố có tầm vóc sáng tạo trong nước và quốc tế.
Hiện thành phố đã hoàn thiện Đề án chuyển đổi số gắn với xây dựng nền tảng đô thị thông minh TP Hội An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, là cơ sở để quảng bá, giới thiệu các lĩnh vực sáng tạo của thành phố về thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian.
KHÁNH CHI - Baovanhoa.vn