Tin tức

Tin tức

Hội An hướng tới Thành phố sáng tạo: Sáng tạo trên lĩnh vực thủ công mỹ nghệ

 Với những tiềm năng, thế mạnh của những giá trị văn hóa nghề truyền thống, văn nghệ dân gian mà thành phố có cơ hội sở hữu, bảo tồn và phát huy từ bao đời nay, TP Hội An đã đề xuất xây dựng hồ sơ “Hội An - Thành phố sáng tạo” trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian.

 Du khách trải nghiệm chuốt gốm tại Làng gốm Thanh Hà

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh-Truyền hình TP Hội An, đơn vị được TP giao chủ trì việc xây dựng hồ sơ ứng cử tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN), cho biết, sở dĩ Hội An đề xuất chọn lĩnh vực nói trên để xây dựng Hội An - Thành phố sáng tạo là vì tin tưởng rằng vùng đất này, với lịch sử có từ lâu đời, với nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao trên nhiều phương diện. Bên cạnh đó, hệ thống di sản văn hóa phong phú là những tài sản vô giá để Hội An phát huy nguồn lực văn hóa, là động lực để sáng tạo và đổi mới. “Từ những giá trị hiện còn đang bảo tồn và phát huy, cùng với những tiềm năng sẵn có của địa phương, chúng tôi tin tưởng rằng, Hội An sẽ đảm bảo đầy đủ các tiêu chí cũng như các điều kiện để đề xuất xây dựng và phát triển “Hội An - Thành phố sáng tạo” trong tương lai”, bà Cẩm chia sẻ.

Ở những làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm của vùng đất này, những thợ làm một nghề thường ở chung một làng như làng Gốm Thanh Hà, nghề Yến Thanh Châu, nghề Mộc Kim Bồng, làng Chài Thanh Nam, nghề Cá Cửa Đại, làng Rau (Trà Quế)… Hầu hết làng nghề là thường nằm ở gần trung tâm đô thị. Cảnh quan nên thơ, gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, lễ hội dân gian truyền thống của các làng nghề. Hiện nay, thành phố Hội An đã có 4 làng nghề được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận gồm: Làng mộc truyền thống Kim Bồng, làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng nghề tre dừa Cẩm Thanh và 1 phố nghề đèn lồng Hội An.

Các làng nghề đều có tuổi đời hàng trăm năm, được bảo tồn, phát huy, gìn giữ và đến nay người dân làng nghề vẫn sống được với nghề truyền thống, mở rộng, sáng tạo những giá trị lâu đời để tạo nên những sản phẩm tinh xảo, có giá trị trong đời sống hiện đại. Bên cạnh đó, hiện nay nghề may mặc theo cách đo may thủ công truyền thống ở Hội An đang được du khách rất ưa chuộng, đang phát triển mạnh mẽ. Những năm qua, Hội An luôn tập trung chỉ đạo, điều hành sâu sát việc giữ gìn và phát huy các làng nghề truyền thống trên cơ sở gắn kết các hoạt động làng nghề với hoạt động tham quan du lịch của thành phố, gắn với việc xây dựng và phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái… Ban hành quy chế quản lý về xây dựng, về phát triển kinh tế cho từng làng nghề cụ thể để đảm bảo giữ gìn cảnh quan làng quê sinh thái, làng nghề truyền thống.

Tập trung đầu tư hoàn thiện các điểm đến mang đặc trưng sinh thái, làng quê làng nghề, khai thác các thế mạnh cũng như bản sắc văn hóa của từng địa phương tạo nên nét riêng có của du lịch Hội An và hướng đến phát triển du lịch bền vững. Một số tuyến điểm du lịch được đưa vào khai thác như các tour du lịch sinh thái, khám phá các làng quê, làng nghề như tour xe đạp, tour sông nước, khám phá rừng dừa Bảy Mẫu, vườn rau hữu cơ Thanh Đông… gắn với làng nghề tre dừa Cẩm Thanh; tham quan và trải nghiệm các nghề làm gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, trồng rau, học nấu ăn và thưởng thức các đặc sản chế biến từ rau Trà Quế, làm lồng đèn,…

Nhiều văn bản, chính sách phát triển làng nghề cũng đã được của UBND thành phố Hội An ban hành để bảo tồn, hỗ trợ các làng nghề thời gian qua. Nhờ có quy chế bảo tồn từ sớm mà đến nay, các làng nghề ở Hội An gần như vẫn giữ nguyên hiện trạng, không gian của làng nghề, trở thành những điểm đến thu hút du khách khi đến tham quan du lịch Hội An. Trên lĩnh vực sản xuất thủ công mỹ nghệ, các chủ trương, chính sách của Hội An luôn chú trọng, tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong phát triển tiểu thủ công nghiệp; đẩy mạnh hoạt động khuyến công, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ. Chú trọng củng cố hoạt động các làng nghề truyền thống gắn kết với hoạt động du lịch;

Nhận định về tiềm năng, thế mạnh, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các nghề thủ công, làng nghề truyền thống của Hội An, ông Quảng Văn Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cho rằng: Sự có mặt nhộn nhịp của các nghề, làng nghề truyền thống ở Hội An trên các lĩnh vực nông, ngư nghiệp đến các nghề thủ công, buôn bán, dịch vụ trong nhiều thế kỷ trước đã góp phần tạo nên sự phát triển phồn thịnh, biểu hiện sinh động cho quá trình đô thị hóa của Đô thị thương cảng Hội An. Cho đến hôm nay, trải qua quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa và phát triển xã hội, nhiều nghề, làng nghề truyền thống ở Hội An tiếp tục được quan tâm bảo tồn, phát triển một cách sáng tạo, thích ứng trong điều kiện mới, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội của thành phố.

“Việc nhận diện được các giá trị của bộ phận di sản nghề thủ công, làng nghề truyền thống Hội An, đánh giá đúng thực trạng, đề ra các giải pháp căn cơ nhằm bảo tồn được các giá trị tinh hoa của nghề truyền thống, vừa bổ sung những yếu tố mới để không ngừng phát triển nghề thủ công, làng nghề là hết sức cần thiết”, ông Quảng Văn Quý chia sẻ. 

THU HOÀI

http://baovanhoa.vn/

Go top