Trên lĩnh vực nghệ thuật dân gian, có thể khẳng định Hội An đang sở hữu, bảo tồn và phát huy rất hiệu quả các giá trị nghệ thuật dân gian truyền thống đa dạng, phong phú và vẫn có sức sống, lan tỏa được giá trị tinh thần trong đời sống hiện đại ngày nay.
Loại hình nghệ thuật dân gian có sức sống mãnh liệt, bền bỉ nhất ở Hội An chính là nghệ thuật biểu diễn dân ca. Những làn điệu dân ca, bài chòi, các câu hò, điệu lý... sống, gắn liền với hoạt động sinh hoạt, lao động hằng ngày của người dân và còn được sử dụng làm chất liệu nghệ thuật để dàn dựng thành các tiểu phẩm, kịch bản dân ca và đưa vào các hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng tại địa phương.
Nghệ thuật dân ca bài chòi được khôi phục và phát huy một cách mạnh mẽ để phục vụ hoạt động du lịch, hiện nay đã được tổ chức thường xuyên hằng đêm tại khu phố cổ, là món ăn tinh thần không thể bỏ qua khi du khách đến với Hội An. Ông Trần Văn An, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Quảng Nam nhận định rằng, do tác động, chi phối của điều kiện địa lý tự nhiên, môi trường sinh thái - nhân văn và quá trình phát triển dân cư với những chặng đường khá đặc biệt nên bên cạnh những nét văn hóa chung của xứ Quảng, các hình thái, loại hình văn nghệ dân gian nói chung, văn hóa dân gian nói riêng ở Hội An còn có những sắc thái không trùng lắp. Điều đáng nói hơn cả là các đơn vị văn nghệ dân gian ở Hội An đã phản ánh hết sức chân thực, sinh động đặc điểm vùng đất, bề dày văn hóa địa phương, tính cách của con người, các hoạt động kinh tế - ngành nghề đa dạng của vùng đất này với sự có mặt của các đơn vị có nội dung nói về các nghề thủ công như nghề yến Thanh Châu, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế, hến Cẩm Nam, mộc Kim Bồng,… Đa số các đơn vị này đã được sưu tầm, tư liệu hóa để phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của địa phương.
Trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật truyền thống, Hội An luôn thúc đẩy mạnh công tác giữ gìn, lưu truyền các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của địa phương và khu vực Trung Trung Bộ. Trong các sự kiện lễ hội văn hóa du lịch đương đại, các hoạt động văn hóa đối ngoại trong nước, quốc tế, các chương trình biểu diễn nghệ thuật đều có biểu diễn, phát huy, quảng bá nghệ thuật dân ca, bài chòi như một nét văn hóa đặc trưng của sự kiện và nhận được nhiều sự khen ngợi của du khách trong nước, quốc tế. Chú trọng triển khai thực hiện các hoạt động văn hóa - văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật dân gian, đặc biệt nghệ thuật Bài chòi đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đã được bảo tồn, phát huy, xây dựng thành một sản phẩm du lịch đặc trưng không thể thiếu khi đến với Hội An.
Một số lễ hội tiêu biểu của địa phương sẽ luôn có các màn diễn xướng hát, múa, cảnh diễn của các nghi lễ, sử dụng các loại hình diễn xướng dân gian truyền thống như hát múa cầu ngư - bả trạo, hát múa sắc bùa chúc xuân, múa tứ linh, múa lân, sư rồng, hò đưa linh... Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ với mục tiêu tạo nguồn kế cận cho loại hình nghệ thuật dân gian trong tương lai thông qua việc duy trì mở các lớp dân ca, thanh nhạc trong trường học, lớp truyền vai hát Bội, tổ chức các cuộc thi để phát hiện, bồi dưỡng các những tài năng để hỗ trợ, khuyến khích,… Chủ động thiết lập, mở rộng các mối quan hệ quốc tế hợp tác, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nhất là trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Trên tinh thần ấy, những năm qua, thành phố Hội An nỗ lực xây dựng các chương trình nghệ thuật truyền thống để đưa vào giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá văn hóa bản địa với bạn bè quốc tế. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật cổ truyền của Hội An đã có cơ hội đi biểu diễn giao lưu ở nhiều quốc gia.
Nỗ lực tạo uy tín, dấu ấn trong tổ chức các sự kiện văn hóa nhằm thu hút các loại hình văn hóa ở các nước trên thế giới đến với Hội An, tạo cơ hội để có thể học hỏi những giá trị nhân văn, những nền văn hóa tiến bộ của nước ngoài, từ đó góp phần vận dụng vào việc xây dựng và phát triển văn hóa địa phương. Một số sự kiện được Hội An tổ chức và đã thành lễ hội định kỳ, mang dấu ấn của Hội An như: "Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản" định kỳ hằng năm, liên tục từ năm 2003 đến nay; Sự kiện "Những ngày Văn hóa Hàn Quốc tại Hội An" được duy trì định kỳ hằng năm từ 2017 đến nay. Hội thi Hợp xướng quốc tế tại Hội An tổ chức định kỳ 2 năm/1 lần từ năm 2011 đến nay, thu hút khoảng 25-30 đoàn hợp xướng, với hơn 1.500 nghệ sĩ đến từ các quốc gia trên thế giới đến với Hội An.
Tất cả những hoạt động đó đều tạo dựng cơ hội góp phần giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc Hội An trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp và xứng đáng là trung tâm du lịch, trung tâm sáng tạo của khu vực và thế giới./.
Theo Báo Văn hóa
Ảnh: Visit Hoi An