Trên cơ sở đánh giá hiện trạng và nguồn lực, bề dày lịch sử, tiềm năng, bối cảnh kinh tế- xã hội, có thể nói, Hội An có rất nhiều lợi thế, cơ hội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Du khách rất thích thú với các tour du lịch sinh thái gắn với các làng nghề truyền thống của Hội An
Với bề dày lịch sử, lợi thế là di sản văn hóa thế giới, vùng đất này mang trong mình rất nhiều nguồn lực văn hóa, kinh nghiệm, sáng tạo trong công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật dân gian, nghề thủ công truyền thống. Đây chính là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển và sáng tạo các ngành công nghiệp văn hóa trên nền tảng truyền thống.
Về môi trường thể chế, chính sách, ở Hội An có sự tương tác khá mật thiết giữa các chủ thể, các bên liên quan khác nhau, tạo nên một không khí cởi mở, mang tính tham dự, hỗ trợ cho văn hóa sáng tạo nơi đây.
Cộng đồng cư dân Hội An luôn coi trọng và giữ gìn lối sống nhân tình thuần hậu, tính cộng đồng cao, có sự đồng thuận, hài hoà. Thành phố này cũng đã và đang xây dựng đề án “Hội An nhân tình thuần hậu” lan tỏa khá hiệu quả trong cộng đồng. Đây chính là những nền tảng để chính quyền có thể triển khai các chính sách, đường lối được thuận lợi.
Nghị quyết của Thành ủy, UBND thành phố qua các năm và tầm nhìn đến năm 2030 đều tập trung khẳng định: Phát triển du lịch gắn liền với nỗ lực bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa và tự nhiện để đảm bảo các giá trị đó tiếp tục được phát huy. Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Hội An dựa trên tính độc đáo của sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác các giá trị DSVH nổi bật mang tính toàn cầu, giá trị văn hóa dân tộc truyền thống.
Đến thời điểm này, TP Hội An đã có 4 làng nghề và 1 phố nghề được UBND Tỉnh Quảng Nam công nhận. Trong đó, các nghề khai thác yến Thanh Châu, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà và nghề trồng rau Trà Quế đã được ghi vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia,… Các làng nghề này là những thực thể văn hóa sống động, gắn với quá trình phát triển của các vùng đất và cộng đồng dân cư, với các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, không gian văn hóa, cảnh quan địa lý - sinh thái của từng làng xã, địa phương cụ thể.
Trên lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị làng nghề truyền thống, các hoạt động sản xuất thủ công mỹ nghệ, chính quyền thành phố luôn có sự tập trung chỉ đạo, điều hành sâu sát trên cơ sở gắn kết các hoạt động làng nghề với hoạt động tham quan du lịch của thành phố, tranh thủ nhiều nguồn lực để phát triển du lịch tại các làng nghề này. Từng bước thích ứng trong điều kiện mới, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Hội An có một kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian vô cùng phong phú: như ngữ văn dân gian, nghệ thuật diễn xướng dân gian, nghệ thuật tạo hình dân gian, tri thức dân gian,… Trong đó, nghệ thuật Bài chòi đã được UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể của nhân loại và trở thành một sản phẩm du lịch không thể thiếu khi du khách đến với Hội An. Các loại hình nghệ thuật dân gian cũng luôn được thành phố chú trọng nghiên cứu, nhận diện, bảo tồn và phát huy.
Song song với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, Hội An luôn đẩy mạnh công tác giữ gìn, lưu truyền các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của địa phương và khu vực Trung Trung Bộ. Luôn xác định văn hóa, nghệ thuật dân gian đóng vai trò chủ đạo trong định hướng phát triển và trở thành nét đặc trưng trong các hoạt động lễ hội, sự kiện, góp phần quan trọng trong bảo tồn, phát huy giá trị DSVH phi vật thể của Hội An, Quảng Nam. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ được quan tâm thực hiện với mục tiêu tạo nguồn kế cận cho loại hình nghệ thuật dân gian trong tương lai.
Chú trọng quan tâm đến các chính sách có liên quan về kinh tế, môi trường, giáo dục, công nghệ và công nghệ số; về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật;,…
Đặc biệt, những năm gần đây, Hội An coi trọng công tác chuyển đổi số, nhất là trên lĩnh vực du lịch, hiện đã hoàn thiện Đề án chuyển đổi số gắn với xây dựng nền tảng đô thị thông minh TP. Hội An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, các thành phố cam kết chia sẻ những thực hành tốt nhất, đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức gắn liền với trách nhiệm, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, phát triển hợp tác với khu vực công và tư cũng như các tổ chức xã hội - nghề nghiệp nhằm: Tăng cường sáng tạo, sản xuất, phân phối và truyền bá về các hoạt động, hàng hóa và dịch vụ văn hóa; phát triển các không gian sáng tạo và đổi mới, mở rộng cơ hội cho những người sáng tạo và chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa; Nâng cao việc tiếp cận và tham gia vào đời sống văn hóa, đặc biệt đối với các nhóm và cá nhân yếu thế và dễ bị tổn thương; lồng ghép văn hóa và sáng tạo vào các kế hoạch phát triển bền vững. |
KHÁNH CHI - Baovanhoa.vn