Một điểm khá thú vị là có những kết nối chặt chẽ, hỗ trợ nhau giữa lĩnh vực nghề thủ công và nghệ thuật dân gian được TP Hội An làm rất tốt trong thời gian qua để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, góp phần phát triển bền vững làng nghề truyền thống và văn nghệ dân gian.
Đó chính là gắn kết việc phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng nghề thủ công mỹ nghệ, văn nghệ dân gian,… Từ đó sáng tạo nên các mô hình theo định hướng xây dựng Hội An thành một thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, lấy cơ cấu ngành du lịch, dịch vụ làm ngành kinh tế chủ đạo. Phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch để bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống một cách bền vững đang là một hướng đi mới, phát huy hiệu quả tại TP Hội An, góp phần bảo tồn và phát triển nghề thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống một cách bền vững.
Không chỉ giúp mở rộng thị trường, mô hình du lịch gắn với làng nghề còn mở ra nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy việc phát triển sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề. Tận dụng ưu thế là di sản văn hóa thế giới, TP Hội An đã sáng tạo, phát huy hiệu quả mô hình tour du lịch “một ngày làm cư dân phố cổ” đưa du khách tham quan các làng nghề truyền thống như mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, gốm Thanh Hà,… Từ hoạt động mở cửa đón khách, người dân có thêm thu nhập đồng thời làng nghề truyền thống có cơ hội được hồi sinh, góp phần thúc đẩy các hộ sản xuất quan tâm cải tiến mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ thành các mặt hàng lưu niệm truyền thống cho phù hợp với thị hiếu của du khách hiện nay, giúp khai thác tốt các tiềm năng văn hóa đặc trưng của làng nghề truyền thống trên vùng đất di sản.
Các làng nghề truyền thống ở Hội An được xem là nguồn tài nguyên văn hóa, là nguồn nguyên liệu cho những sáng tạo tiếp theo hiện nay. Sự phát triển của mô hình du lịch gắn với làng nghề sẽ tác động đến việc nuôi dưỡng, khơi dậy các quá trình sáng tạo. Bên cạnh đó, cũng bảo tồn, lưu truyền những giá trị văn hóa làng nghề đặc sắc như tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, phong tục tập quán, lễ hội, văn học dân gian, các giá trị thẩm mỹ,… Hội An đã rất sáng tạo khi xây dựng những sản phẩm du lịch dựa trên các chất liệu truyền thống. Đó chính là các giá trị văn hóa phi vật thể của làng nghề truyền thống như lễ giỗ Tổ nghề, lễ hội, các hoạt động văn hóa dân gian, công trình kiến trúc cổ, cảnh quan, ẩm thực,… Những sản phẩm du lịch làng nghề mang dấu ấn Hội An như: Du lịch sinh thái Cẩm Thanh, Một ngày làng nông dân làng rau Trà Quế, Đêm phố cổ,… đã khẳng định được thương hiệu, độc đáo, bền vững.
Chia sẻ về một số chính sách phát triển nghề, làng nghề truyền thống ở Hội An, ThS Nguyễn Thị Xuân Vui, Phó phòng Kinh tế TP Hội An cho biết, thời gian qua, Hội An đẩy mạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, gắn với phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống. Trên cơ sở vận dụng các cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh, TP Hội An cũng đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, đề án, phương án phục hồi và phát triển làng nghề truyền thống. Trong kế hoạch công tác hằng năm, thành phố cũng đã phân bổ nguồn vốn để các ngành chức năng và các địa phương từng bước đầu tư hoàn thiện hạ tầng và phát triển làng nghề gắn với du lịch. Đến nay, các làng nghề quan trọng của Hội An như: Gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, làng nghề làm tre dừa Cẩm Thanh,… đã được quan tâm đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu như bãi xe, đường giao thông, cầu cảng, các khu vệ sinh công cộng, các nhà đón tiếp khách, điểm dừng chân,… bước đầu để tổ chức phục vụ khách du lịch với tư cách là những điểm tham quan có thu phí.
Các làng nghề không chỉ giải quyết lao động, nâng cao thu nhập của người dân từ nghề mà còn là những điểm đến tham quan hấp dẫn, tạo sự đa dạng, phong phú sản phẩm văn hóa, du lịch của thành phố. Chính nhờ hoạt động du lịch, các làng nghề được bảo tồn, phát triển một cách bền vững, cũng tạo cơ hội nâng cao đời sống của nhân dân. Điều này đã tác động, hỗ trợ và góp phần thúc đẩy phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn thành phố. Các sản phẩm tại các làng nghề chủ yếu làm thủ công, tuy sản lượng hàng năm không nhiều, nhưng rất được khách du lịch ưa chuộng, nổi bật là sản phẩm đèn lồng, sản phẩm gốm đỏ truyền thống Thanh Hà, mộc Kim Bồng,… vừa đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách, vừa đáp ứng nhu cầu trang trí của người dân địa phương.
Bên cạnh củng cố, phát triển các sản phẩm văn hóa du lịch trong khu phố cổ như phố đi bộ, đêm phố cổ, biểu diễn nghệ thuật cổ truyền, bài chòi, không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản… Nhiều doanh nghiệp, địa phương đã có sáng tạo trong việc xây dựng các tour du lịch sông nước, sinh thái tại các làng chài, lồng ghép biểu diễn và dạy du khách hò bả trạo, hô bài chòi, hát dân ca, làm lồng đèn,…
Bài viết: Khánh Chi
Ảnh minh họa: Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An