Nghệ thuật dân gian

Nghệ thuật dân gian

Hội An hướng tới thành phố sáng tạo: Kết nối giá trị văn hóa làng nghề- văn nghệ dân gian

 Các nghệ nhân trình diễn nghề tại “Con đường nghệ thuật và sáng tạo” do TP Hội An tổ chức vào cuối năm 2022

 

 Cũng từ đó, người dân, cộng đồng làng nghề sẽ chung tay giữ gìn không gian của làng nghề, bảo tồn phát huy nghề truyền thống cùng với phục hồi các lễ hội, lễ lệ, các ngày lễ giổ Tổ của các làng nghề. Lưu truyền, phát huy các loại hình diễn xướng dân gian, nghệ thuật dân gian truyền thống gắn với các nghề thủ công truyền thống thông qua các sự kiện văn hóa, lễ hội, các sản phẩm du lịch cộng đồng.

Trải qua quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa và phát triển của xã hội, đến nay, nhiều làng nghề truyền thống ở Hội An vẫn tiếp tục được quan tâm bảo tồn và phát triển một cách sáng tạo, thích ứng trong điều kiện mới, qua đó đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Một số nghề thủ công, sản xuất có quy mô lớn, thu hút nhiều lao động và sản phẩm có giá trị kinh tế cao, quy mô sản xuất có sự tập trung thành các xóm, làng nghề gắn với không gian văn hóa làng, xóm hết sức độc đáo. Đồng thời, các sản phẩm của một số nghề truyền thống, cùng với những “bàn tay vàng” của các nghệ nhân từ các nghề như mộc, nề, đắp vẽ Kim Bồng, gốm, gạch, ngói ở Thanh Hà,… cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi, tu bổ, tôn tạo các công trình kiến trúc cổ của phố cổ Hội An và nhiều di tích kiến trúc quan trọng khác ở khu vực vùng ven thành phố.

Có thể nói những giá trị đặc sắc về lịch sử văn hóa, kinh tế xã hội của bộ phận di sản nghề truyền thống tại Hội An đã góp phần quan trọng tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An. Việc phục hồi các lễ hội, lễ lệ gắn với các nghề thủ công truyền thống luôn được chú trọng nghiên cứu phục hồi và tổ chức thường xuyên, trở thành những ngày hội lớn, thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng cư dân cũng như du khách như: Lễ Cầu Bông làng rau Trà Quế, Giỗ Tổ nghề gốm Thanh Hà, Giỗ Tổ nghề mộc Kim Bồng, giỗ Tổ nghề yến ở Cù Lao Chàm và Cẩm Thanh,… Và trong không gian của những lễ hội, lễ lệ, cúng giỗ Tổ của các làng nghề truyền thống, các loại hình nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian như bài chòi, trình diễn các làn điệu dân ca, nghệ thuật tuồng, hát bả trạo, các trò chơi dân gian,… cũng được phục hồi, tổ chức, được sáng tạo, biểu diễn, phát huy hết sức. Những chương trình nghệ thuật khi được dàn dựng đều có những tiết mục dựa trên chất liệu văn nghệ dân gian như dân ca, bài chòi, điệu hò, điệu lý, điệu tuồng… Những hoạt động giao lưu cộng đồng giữa người dân và du khách cũng luôn có những phần văn nghệ, giao lưu, các trò chơi dân gian dựa trên truyền thống để có cơ hội phát huy, quảng bá.

Những hoạt động này đã tạo thêm sinh khí mới ở các làng quê, làng nghề truyền thống, tăng thêm tính cố kết cộng đồng, góp phần tôn vinh di sản nghề truyền thống của cha ông. Đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm thú vị ở các làng nghề truyền thống ở Hội An đối với du khách trong nước và quốc tế. Góp phần mang lại nguồn thu đáng kể cho các ngân sách địa phương và thu nhập của người dân, doanh nghiệp thông qua hoạt động du lịch. Đặc biệt, thông qua tổ chức các sự kiện văn hóa - chính trị, lễ hội hằng năm, thành phố đã tăng cường các hoạt động giao lưu, hội thi, trình diễn, trưng bày, triển lãm,... nhằm kích thích tạo sản phẩm mới, quảng bá văn hóa nghề đến với du khách và thương mại hóa tại chỗ (xuất khẩu tại chỗ).

Vào giữa tháng 7.2022, TP Hội An tổ chức sự kiện “Nét hoa nghề Hội An” với thông điệp tôn vinh giá trị văn hóa Nghề truyền thống, sáng tạo để hướng tới tương lai nhằm giới thiệu các nghề, làng nghề; tôn vinh các nghệ nhân, thợ thủ công; bảo tồn, sáng tạo và phát huy những giá trị truyền thống vào sự phát triển du lịch “ngành công nghiệp không khói” tại DSVHTG đô thị cổ Hội An. Tiếp đó, cuối năm 2022, Hội An đã tổ chức thành công sự kiện “Con đường nghệ thuật và sáng tạo”, góp phần giới thiệu nét đẹp văn hóa, nghệ thuật, các nghề truyền thống của Hội An đến với bạn bè trong nước và quốc tế; tạo tiền đề, khơi gợi ý tưởng sáng tạo nghệ thuật trong cộng đồng; từ đó hướng tới xây dựng Hội An - thành phố sáng tạo. Tại sự kiện, các nghệ nhân làng nghề đã tham gia trại sáng tác các tác phẩm nghệ thuật từ nguyên vật liệu tái chế như gỗ, củi lũ, đất sét, tranh tre, vải, tranh dừa…; các hoạt động trình diễn để du khách có thể trải nghiệm điêu khắc gỗ, gốc tre, thư pháp,….

Theo bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao & Truyền thanh - Truyền hình TP Hội An, việc tổ chức những sự kiện nói trên trong giai đoạn Hội An đang xây dựng hồ sơ ứng cử tham gia mạng lưới UCCN là cơ hội để Hội An giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước những tài hoa, sự tinh tế, khả năng sáng tạo của người Hội An trong lĩnh vực nghề, sản phẩm thủ công và tiểu thủ công nghiệp. Qua đó khẳng định hơn những tiềm năng, lợi thế ở nội dung thủ công mỹ nghệ mà thành phố đã đề xuất khi tham gia ứng cử mạng lưới “Các thành phố sáng tạo” của UNESCO. 

baovanhoa.vn

Go top