Không gian sáng tạo

Không gian sáng tạo

Hòa nhập (Reaching Out), Hội An

Cơ sở Hòa Nhập (Reaching Out)  từng tọa lạc tại số 103 Nguyễn Thái Học, nay chuyển sang 131 Trần Phú, Hội An. Trên những chiếc kệ xinh xinh “khớp” với không gian của ngôi nhà cổ là hàng trăm món hàng được xếp đặt bắt mắt và hoành tráng không thua kém bất cứ shop hàng lưu niệm nào ở Hội An. Có đủ cả, từ vải vóc lụa là đến áo gối, khăn thêu, giỏ xách, bộ ấm trà gốm bịt đồng... Từng món hàng được đính kèm một tấm nhãn nhỏ trên đó niêm yết sẵn giá bán lẻ và dòng chữ “sản phẩm của thợ thủ công khuyết tật Việt Nam”.

Ở đây, các cô bán hàng không kè kè theo khách “gây áp lực” nên tôi cứ ung dung săm soi từng món hàng cho thỏa thích. Phía sau tiệm cà phê, trà, shop bán hàng là xưởng sản xuất thủ công với gần 30 bạn trẻ khuyết tật đang cặm cụi cưa, vẽ, may, thêu... Họ luôn tươi cười và tỏ ra rất tự tin khi chuyện trò với cả khách Tây. Tôi bắt chuyện một thợ đồ đồng nhưng anh này chỉ mỉm cười và dùng tay ra hiệu mình bị câm điếc. Duy Nguyên, một thợ đồ đồng khác, cho biết trong xưởng có tới sáu thợ câm điếc, hai người mắc hội chứng Down, số còn lại khuyết tật vận động. Nguyên bị bại liệt hai chân, hồi mới vào nghề thay vì cưa đồng lại cưa trúng... tay mình hoài, nhưng nhờ “lì” lại được động viên nên giờ đây bạn đã được bốn tuổi nghề và có thu nhập ổn định mỗi tháng.

 Ra đời giữa năm 2000, mất cả năm trời loay hoay trong lỗ lã triền miên, cuối cùng nhóm tự lực Hòa Nhập cũng tìm được một hướng đi. “Đó là nhắm chủ yếu vào đối tượng du khách nước ngoài”, anh Lê Nguyên Bình chủ cơ sở chia sẻ . Ngay sau đó, vợ chồng anh bỏ công sức đi tìm hiểu nhu cầu và “gu” thẩm mỹ của khách Tây, từ đó xác định được danh mục các mặt hàng vừa “xài” được, vừa đậm chất “phố cổ Hội An” và đặc biệt phải tiện mang đi xa. Xong đâu đấy, Bình thuê hẳn một chuyên viên thiết kế tạo mẫu có nghề, đồng thời đầu tư nâng cao tay nghề nhân viên và siết chặt khâu nghiệm thu sản phẩm. Thay vì nói thách, anh niêm yết sẵn giá lên từng món hàng cho khách dễ mua. Ngoài chất lượng và giá cả cạnh tranh, shop Hòa Nhập còn gửi tặng du khách “giá trị cộng thêm” trong từng sản phẩm. “Mua bất cứ món hàng nào cũng có nghĩa giúp tạo việc làm cho NKT, vì làm từ thiện cũng là một nhu cầu có thật của người mua” - Bình giải thích.

Chưa hết, sẵn tay nghề công nghệ thông tin, anh mở website www.reachingoutvietnam.com , vậy là shop Hòa Nhập lại có thêm nhiều vị khách “sộp” mua sỉ ở tận trời Tây. “Không hẳn là kinh doanh, cũng không hẳn là làm từ thiện”, Bình lý giải về “nghề tay trái” của mình. Điều anh quan tâm nhất vẫn là tạo một “bộ mặt” mới cho NKT: biết tự kiếm sống bằng chính công việc phù hợp với năng lực chứ không lệ thuộc người khác. Bởi vậy, khi đã trụ được, shop Hòa Nhập đã nhiệt tình nhận bán ký gửi một số sản phẩm có chất lượng từ cả chục nhóm tự lực khuyết tật các tỉnh thành trên cả nước. Với vai trò trưởng nhóm tự lực khuyết tật Hòa Nhập, Bình chủ động tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm bổ sung kiến thức và các kỹ năng sống cần thiết như giao tiếp, quản lý chi tiêu, giải quyết mâu thuẫn, nói “không” với cái xấu...

Nguồn tin: Reaching Out, Hội An

Go top